1
89
5017791
102
Công viên địa chất Lạng Sơn: "Viên ngọc quý" vùng biên cương Đông Bắc (Kỳ II: Khám phá "Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng") - Báo Lạng Sơn: Tin tức mới nhất, chính xác, uy tín
https://baolangson.vn/cong-vien-dia-chat-lang-son-vien-ngoc-quy-vung-bien-cuong-dong-bac-ky-ii-kham-pha-dong-chay-su-song-5017791.html
longform
Công viên địa chất Lạng Sơn: "Viên ngọc quý" vùng biên cương Đông Bắc (Kỳ II: Khám phá "Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng")

Cover

Nhằm khai thác những lợi thế về di sản địa chất, văn hoá độc đáo phục vụ công tác phát triển du lịch, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp xây dựng và phát huy giá trị di sản vùng Công viên địa chất (CVĐC), nổi bật là hoạt động xây dựng 4 tuyến và 38 địa điểm tham quan du lịch với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”. Mỗi tuyến ẩn chứa những câu chuyện hấp dẫn và tiềm năng giá trị về di sản địa chất cảnh quan, giá trị đa dạng sinh học cùng truyền thống văn hóa lịch sử đặc sắc. Qua đó, từng bước khẳng định vị thế của CVĐC Lạng Sơn trên bản đồ địa chất thế giới, tiến tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Trong những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực quan tâm đầu tư, quản lý, bảo tồn các giá trị di sản trên, song song với khai thác, phát huy để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển CVĐC, hướng tới danh hiệu CVĐC toàn cầu được tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng với nhiều giải pháp quan trọng, tập trung đầu tư phát triển để đảm bảo sự bền vững, bảo vệ môi trường và thiên nhiên. 

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2386/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó, nhấn mạnh việc thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, quảng bá các giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với tỉnh.

Ảnh với chú thích

Đoàn chuyên gia tư vấn do ông Guy Martini – Tiến sĩ địa chất, chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế làm trưởng đoàn tiến hành khảo sát tại huyện Bắc Sơn

Theo đó, từ khi thành lập CVĐC Lạng Sơn, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xây dựng và phát triển. Tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tư vấn, chuyên gia trong nước và quốc tế tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất – địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học.

Năm 2023, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tổ chức đón tiếp 12 đoàn chuyên gia, trong đó có 9 đoàn công tác chuyên gia tư vấn do ông Guy Martini – Tiến sĩ địa chất, chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế làm Trưởng đoàn đã tham gia khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn về một số địa điểm giàu tiềm năng tại thành phố Lạng Sơn và các huyện Cao Lộc, Hữu Lũng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng, Lộc Bình… Qua đó, tìm ra những giải pháp phù hợp để hình thành tuyến du lịch kết nối giữa các điểm giàu tiềm năng du lịch trong tỉnh và vùng CVĐC Lạng Sơn.

Ảnh với chú thích

Hồ Nong Dùng - Một trong những điểm giàu tiềm năng du lịch thuộc vùng CVĐC Lạng Sơn

Bên cạnh đó, các cơ quan của tỉnh đã tích cực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý, lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và CVĐC Lạng Sơn; xây dựng 4 tuyến với 38 điểm tham quan chính với giá trị tiêu biểu nhất về văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất – địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học nhằm phát huy các giá trị di sản vùng CVĐC…

Triển khai các hoạt động nghiên cứu, tôn tạo, bảo tồn, phục dựng các giá trị di sản vùng CVĐC. Thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy một số loại hình di sản văn hoá phi vật thể trong vùng CVĐC Lạng Sơn”; Phối hợp với Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Đề tài khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về vai trò, giá trị của di sản văn hoá trong CVĐC Lạng Sơn”…       

Hiện nay, tỉnh đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản của các tuyến, điểm tham quan vùng CVĐC Lạng Sơn (3 Trung tâm thông tin, các tuyến điểm du lịch, 11 bãi đỗ xe, 8 con đường đi bộ, hệ thống bảng biển thông báo, chỉ dẫn, quảng cáo…).

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được chỉ tiêu đã đề ra, cần hình thành, phát triển sản phẩm du lịch mang tính đột phá, thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng, phát triển CVĐC Lạng Sơn có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt đối với du lịch, tạo sinh kế, việc làm cho người dân sinh sống trong vùng lõi của CVĐC.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên nền tảng vốn có, tháng 11/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu. Đặc biệt, trong năm 2024, tỉnh Lạng Sơn cũng khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng và cảnh quan cũng như thực hiện tốt công tác đón đoàn chuyên gia UNESCO thẩm định CVĐC Lạng Sơn, hướng tới việc CVĐC Lạng Sơn được công nhận là CVĐC toàn cầu vào năm 2025.

Đây sẽ là “đòn bẩy” giúp nơi đây trở thành một điểm đến du lịch giàu tiềm năng, hấp dẫn. 

Ảnh với chú thích

Đoàn chuyên gia UNESCO và lãnh đạo huyện Chi Lăng nghe thuyết minh tại Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng

Mang chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, tại CVĐC Lạng Sơn đã hình thành 4 tuyến du lịch mang tên: “Khám phá thế giới thượng ngàn”, “Hành trình về miền thiên giới”, “Cuộc sống dân dã nơi trần thế”, “Khám phá thủy cung” với 38 điểm du lịch đang được triển khai.

Hành trình khám phá các tuyến chủ yếu đi qua trục quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279; mỗi tuyến có từ 7 đến 11 điểm tham quan. Hệ thống giao thông thuận lợi là điều kiện tiên quyết để thu hút khách du lịch đến với CVĐC Lạng Sơn.

Ảnh với chú thích

Bản đồ chỉ dẫn 4 tuyến du lịch CVĐC Lạng Sơn

Cụ thể, tuyến số 1 có tên gọi Khám phá thế giới thượng ngàn (Hà Nội - huyện Hữu Lũng - huyện Chi Lăng - thành phố Lạng Sơn). Tuyến dài khoảng 120 km với 8 địa điểm tham quan, bắt đầu từ đền Bắc Lệ, dọc các địa điểm tham quan theo tỉnh lộ 243 đến thung lũng thần tiên Đồng Lâm, kết thúc tại Trạm dừng nghỉ Hoa Hồi ven quốc lộ 1A địa phận xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng.

Tuyến này mang màu xanh lá cây tương ứng với màu áo của Thánh Mẫu Thượng Ngàn được tôn thờ tại đền Bắc Lệ. Tuyến du lịch này khởi nguồn từ đền Bắc Lệ của huyện Hữu Lũng - một trong những trung tâm trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng của người Việt, cùng với đó là các điểm di sản địa chất đặc trưng thung lũng núi đá vôi, thung lũng thần tiên Đồng Lâm thơ mộng, các làng bản homestay yên bình của người Tày xã Hữu Liên, khu di tích lịch sử Ải Chi Lăng, chứng tích của các vụ phun trào núi lửa lục địa...

Chị Hoàng Minh Anh, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội cho biết: Qua tìm hiểu thông tin trên Internet, tôi được biết Lạng Sơn cũng có CVĐC, do vậy, đầu năm 2024, tôi đã đến một số điểm du lịch ở huyện Hữu Lũng thuộc vùng CVĐC để thăm quan, tìm hiểu. Trong đó, tôi thực sự bị thu hút bởi cảnh quan của các dãy núi đá vôi xã Yên Thịnh, thảo nguyên Đồng Lâm và trải nghiệm ẩm thực tại làng du lịch cộng đồng Hữu Liên. Tôi sẽ còn quay trở lại nhiều lần và giới thiệu thêm nhiều bạn bè đến đây tham quan, trải nghiệm.

Chia sẻ của chị Hoàng Minh Anh, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội sau khi trải nghiệm tuyến số 1 CVĐC Lạng Sơn

Tuyến số 2 có tên gọi Hành trình về miền thiên giới (thành phố Lạng Sơn - huyện Cao Lộc - huyện Văn Quan - huyện Bình Gia - huyện Bắc Sơn) dài khoảng 130 km, có 11 địa điểm tham quan, bắt đầu từ Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, dọc theo quốc lộ 1B, kết thúc ở Trung tâm thông tin Công viên địa chất tại Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn.

Tuyến này mang màu đỏ cờ, tương ứng với màu áo của Thánh Mẫu Thượng Thiên được tôn thờ tại Đền Mẫu Đồng Đăng. Mở đầu là Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, qua đền Mẫu Đồng Đăng đến các điểm dọc quốc lộ 1B về miền quê hương cách mạng Bắc Sơn anh hùng.

Những địa danh như cầu Khánh Khê, rừng hồi Xứ Lạng, hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, dòng sông ngầm tại điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, ký ức biển Khuổi Nọi nơi thành lập đội Cứu quốc quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đến vườn quýt Hang Hú độc đáo, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn… gắn các giá trị di sản địa chất, quá trình tiến hóa sự sống tiêu biểu của loài người với dấu tích của người tiền sử lâu đời nhất Việt Nam có niên đại 475.000 năm, từ nền văn hóa Bắc Sơn cho đến vùng quê hương cách mạng quật khởi yên bình ẩn hiện trong thung lũng lúa vàng tạo nên một hành trình tham quan kỳ thú.

Ảnh với chú thích

Một số điểm nằm trong tuyến số 2 và số 3 CVĐC Lạng Sơn

Đến với tuyến số 3 có tên gọi Cuộc sống dân dã nơi trần thế (huyện Bắc Sơn - huyện Văn Quan - huyện Chi Lăng - thành phố Lạng Sơn) trên quãng đường khoảng 130 km, du khách có 9 điểm tham quan, bắt đầu từ Làng văn hóa Tày, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn; dọc theo quốc lộ 1B và 279; kết thúc tại điểm hóa thạch Thế giới Cúc đá xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng.

Tuyến này mang màu vàng, tương ứng với màu tượng đồng nguyên bản của Thánh Mẫu Địa. Du khách có thể trải nghiệm đón bình minh trên làng văn hóa Tày xã Quỳnh Sơn, trải nghiệm nghề làm ngói âm dương thủ công truyền thống, những cánh rừng hồi Văn Quan xanh ngút mắt, đến cảnh quan các-xtơ thung lũng đá vôi, thăm đền Chầu Mười linh thiêng giữa núi rừng, trải nghiệm nghề truyền thống cao khô Vạn Linh với đồng bào dân tộc Nùng, tận mắt chiêm ngưỡng các hóa thạch động vật biển kỷ Devonian gần 400 triệu năm trước hay hóa thạch cúc đá huyện Chi Lăng, chinh phục Hang Gió kỳ vĩ…

         

Việc trở thành một điểm của CĐVC Lạng Sơn đã mở ra thêm cơ hội mới cho cơ sở của chúng tôi. Thời gian qua, rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đã đến đây để được trải nghiệm văn hóa bản địa, mua sắm các nông sản, đặc sản địa phương. Nhờ đó, năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Trạm dừng nghỉ Hoa hồi đã tăng 30% so với kỳ năm trước."

Bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn- Aforex (xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng)

Bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn- Aforex (xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng), chủ Trạm dừng nghỉ Hoa hồi cho biết: Xuất phát là doanh nghiệp xuất khẩu hoa hồi, với mục đích giới thiệu, quảng bá đặc sản của Lạng Sơn, Aforex đã xây dựng Trạm dừng nghỉ hoa hồi hơn 10.000 m2, ngoài việc kinh doanh các sản vật địa phương, chúng tôi còn kết hợp tổ chức các trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc, tìm hiểu đặc sản hoa hồi… để phục vụ du khách. Được lựa chọn là đối tác và trở thành một điểm của CVĐC Lạng Sơn, chúng tôi rất vinh dự và chú trọng quan tâm đầu tư, nghiên cứu để ngày càng hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất cũng như đa dạng các loại hình dịch vụ để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của du khách. Thời gian qua, rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đã đến đây để được trải nghiệm văn hóa bản địa, mua các nông sản, đặc sản địa phương. Nhờ đó, năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Trạm dừng nghỉ Hoa hồi đã tăng 30% so với kỳ năm trước.

Ảnh với chú thích

Các chuyên gia UNESCO thẩm định tại khu vực Trũng Na Dương (huyện Lộc Bình) - nơi được ví như "cửa sổ nhìn về thế giới cổ đại"

Tuyến cuối cùng của CVĐC Lạng Sơn - Tuyến số 4 có tên gọi Đường đến thuỷ cung (thành phố Lạng Sơn - huyện Cao Lộc - huyện Lộc Bình - thành phố Lạng Sơn) trên quãng đường khoảng 80 km, có 10 điểm tham quan.

Tuyến này mang màu trắng, tương ứng với màu áo của Thánh Mẫu Thoải được tôn thờ tại đền Mẫu Thoải. Bắt đầu từ chùa Tam Thanh, theo quốc lộ 4B đi về hướng Lộc Bình. Qua chùa Bắc Nga thâm nghiêm cổ kính, hành trình đến với vùng núi Mẫu Sơn ẩn hiện trong mây núi quanh năm trong lành mát mẻ.

Đến đài quan sát ngắm toàn cảnh vùng trũng Na Dương, nơi được ví như “cửa sổ nhìn về thế giới cổ đại”, nơi phát hiện hàng loạt hóa thạch niên đại khoảng 40 triệu năm trước, một địa điểm quan trọng thu hút sự quan tâm nghiên cứu tìm hiểu và khám phá. Hành trình còn qua các điểm thác Bản Khiếng, chùa Tiên và kết thúc tại điểm đền Mẫu Thoải linh thiêng.

Giáo sư, Tiến sĩ Tuncer Demir, chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO chia sẻ quan điểm về CVĐC Lạng Sơn

Bà Hoàng Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Vùng trũng Na Dương là một trong những điểm nhấn quan trọng của tuyến số 4 CVĐC Lạng Sơn. Vì vậy, thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Công ty than Na Dương triển khai các biện pháp để quảng bá giới thiệu điểm này đến đông đảo Nhân dân và du khách. 

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, huyện, thành phố và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, hiện nay, CVĐC Lạng Sơn đã và đang ngày càng được nhiều người biết đến; khẳng định vai trò quan trọng trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế du lịch.

Tin tưởng và hy vọng rằng với những cách làm hiệu quả và thiết thực trên đây, CVĐC Lạng Sơn sẽ từng bước khẳng định được giá trị của di sản địa chất Xứ Lạng và hiện thực hoá mục tiêu được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu theo đúng lộ trình đề ra.

(Còn nữa)

Kỳ I: Bảo tàng sống động

Kỳ III: Xây dựng kỳ quan địa chất từ sức mạnh cộng đồng

Kỳ IV: Vươn tầm quốc tế

Thực hiện:
TUYẾT MAI - HOÀNG NHƯ - HOÀNG HIẾU