1
89
5017790
101
Công viên địa chất Lạng Sơn: "Viên ngọc quý" vùng biên cương Đông Bắc (Kỳ I- Bảo tàng sống động) - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/cong-vien-dia-chat-lang-son-vien-ngoc-quy-vung-bien-cuong-dong-bac-ky-i-bao-tang-song-dong-5017790.html
longform
Công viên địa chất Lạng Sơn: "Viên ngọc quý" vùng biên cương Đông Bắc (Kỳ I- Bảo tàng sống động)

Cover

Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn được thành lập vào năm 2021, trải dài trên 8 huyện, thành phố của tỉnh với hệ thống di sản địa chất đa dạng, phong phú, tiêu biểu cho lịch sử phát triển hàng triệu năm của Trái Đất, cùng nhiều di sản văn hoá phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc. 

CVĐC là hình thức bảo tồn di sản địa chất “mở” - đây là một xu hướng mới của khoa học địa chất, trở thành vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Hiệp hội Địa chất Quốc tế (IUGS) tích cực vận động ủng hộ. Mô hình CVĐC toàn cầu được đánh giá là biện pháp thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất, khai thác có hiệu quả hơn mọi dạng tài nguyên địa chất. Với ý nghĩa đó, việc xây dựng và phát triển CVĐC được tỉnh triển khai xây dựng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa và môi trường một cách bền vững. Đây là sẽ là bước đột phá trong phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mới, tạo thương hiệu, sức đột phá cho du lịch Lạng Sơn.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

        CVĐC Lạng Sơn trải rộng trên toàn bộ phạm vi địa giới hành chính các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn, một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia và một phần huyện Cao Lộc. Tổng diện tích 4.842,58 km2, dân số khoảng 627.500 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh). CVĐC Lạng Sơn là một trong những CVĐC lớn nhất tại Việt Nam.

Ảnh với chú thích

Một số hóa thạch được các chuyên gia phát hiện trong vùng CVĐC Lạng Sơn

         Mô hình CVĐC toàn cầu có 4 giá trị cốt lõi, bao gồm: Bảo tồn cảnh quan và tổng thể các giá trị di sản trong đó có di sản địa chất, giáo dục môi trường, du lịch địa chất và sự tham gia của cộng đồng địa phương. Trong đó địa chất và cảnh quan là hai thành phần có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong vùng CVĐC.

         Theo nghiên cứu, vùng CVĐC Lạng Sơn được phân chia thành 24 hệ tầng địa chất trong đó có 15 hệ tầng lần đầu tiên được xác lập tại tỉnh Lạng Sơn. Các vận động kiến tạo trong khoảng từ 65 đến 23 triệu năm (Trước Công nguyên) đã góp phần tạo ra những di sản địa chất và cảnh quan đa dạng như ngày nay.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

      PGS.TS Trần Tân Văn, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất – Khoáng sản, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạng Sơn cho biết: Tiềm năng di sản địa chất ở Lạng Sơn khá phong phú, thể hiện qua hệ thống các hang động rất nhiều và đồ sộ, độ dài lớn, trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều dạng, hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn. Hệ thống các trũng hoặc thung lũng giữa núi, tạo nên các hồ nước tự nhiên ở lưng chừng núi. Đặc điểm này khá khác biệt so với các cảnh quan karst (hay còn gọi là các – xtơ: là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) ở tỉnh Cao Bằng hay Đồng Văn, tỉnh Hà Giang… Các hang động chứa di tích người tiền sử ở khu vực Bình Gia và huyện Bắc Sơn, bên cạnh đó có rất nhiều địa điểm trong vùng CVĐC chứa những di tích được định tuổi từ 120.000 năm đến 30 nghìn năm, hàng trăm di tích chứa những di vật 11.000 - 5.000 năm và thậm chí là 3.500 năm, tất cả những điều đó chứng minh rằng khối đá vôi Bắc Sơn nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung là cái nôi của con người, ít nhất là trên mảnh đất ngày nay chúng ta đang đứng gọi là Việt Nam.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

        Đặc biệt, CVĐC Lạng Sơn được tạo thành từ 3 đới cấu trúc chính, gồm: Khối đá vôi Bắc Sơn dày khoảng 2.000m, dài 60 km, rộng 50 km, độ cao trung bình 500 - 600m, phân bố tại các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, một phần thành phố Lạng Sơn và một phần huyện Cao Lộc; võng chồng sông Hiến tại một phần các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc; võng chồng An Châu tại các huyện Lộc Bình và một phần các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng. Ngoài ra còn những vùng bồn địa được hình thành trong quá trình đứt gãy sâu Cao Bằng - Tiên Yên và tích tụ trầm tích như trũng Na Dương, khu vực thành phố Lạng Sơn... Theo nghiên cứu đánh giá, CVĐC Lạng Sơn có ít nhất 3 giá trị địa chất tiêu biểu tầm cỡ quốc tế so với các CVĐC toàn cầu ở khu vực lân cận.

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

Danh thắng Hang Gió (huyện Chi Lăng)

         Bên cạnh đó, địa hình đồi núi trong vùng CVĐC Lạng Sơn chiếm đến 80% diện tích lãnh thổ. Cùng đó, những đặc điểm về lịch sử kiến tạo địa chất, cảnh quan trong vùng CVĐC Lạng Sơn được tạo thành từ 5 dạng địa hình tiêu biểu là kiến tạo, xâm thực, bóc mòn, tích tụ và karst (các-xtơ: là hiện tượng bị phong hoá của núi đá vôi). Giá trị cảnh quan còn biểu hiện ở hệ thống hang động đồ sộ có mật độ dày đặc trong khối núi đá vôi Bắc Sơn. Nhiều hang động kỳ thú là kết quả của các dòng sông chảy ngầm trong quá khứ như Thẩm Khoách, Lắc, hang Dơi cùng rất nhiều hang động chứa di tích khảo cổ, văn hóa, lịch sử rất có giá trị như hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, hang Kéo Lèng, hang Gió, hang động Nhị - Tam Thanh…

Ảnh co giãn vừa văn bản

Ảnh co giãn vừa văn bản

      Bên cạnh những giá trị nổi bật về địa chất, giá trị khác biệt của CVĐC Lạng Sơn so với các CVĐC khác của Việt Nam đó là sự đa dạng, phong phú với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống ở vùng đất này, những bản làng đồng bào Tày, Nùng, H’Mông, Dao... với những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, ẩm thực, trang phục, dân ca dân vũ, trong đó, có tín ngưỡng then đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hát sli, múa sư tử mèo đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia. 

Ảnh với chú thích

Học sinh trên địa bàn huyện Bắc Sơn biểu diễn hát then, đàn tính - Di sản văn hóa phi vật thể 

         Đặc biệt, CVĐC Lạng Sơn còn nổi tiếng với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các ngôi đền tiêu biểu của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn phần lớn đều nằm trong vùng lõi của CVĐC, trong đó tập trung nhiều và phổ biến nhất là huyện Hữu Lũng, huyện Chi Lăng. Một số ngôi đền, chùa tiêu biểu như: Đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng); đền Chầu Năm, đền Chầu Mười (huyện Chi Lăng); chùa Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn)… Đây là tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch tâm linh gắn với xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của CVĐC Lạng Sơn. 

Ảnh với chú thích

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ tại một số đền thờ trong vùng CVĐC Lạng Sơn

        Với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, các tuyến, điểm du lịch tại CVĐC Lạng Sơn được hình thành trên nền tảng gắn kết các địa điểm tiêu biểu về lịch sử tiến hóa liên tục của sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, các di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử hình thành thế giới tự nhiên và cảnh quan địa chất, sự đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn. Hành trình khám phá các tuyến du lịch chủ yếu đi qua trục đường quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279, thuận tiện cho du khách di chuyển và có những trải nghiệm thú vị. 
     

Một số nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng CVĐC Lạng Sơn

     Em Dương Thị Khánh Ly, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Em đã học đàn tính được hơn 3 năm nay. Ngoài việc có thể đánh đàn tính, hát then, múa chầu, em còn thêm hiểu biết về bản sắc văn hoá của dân tộc mình hơn. Thời gian qua em được tuyên truyền về CVĐC, trong đó huyện em cũng nằm trong vùng CVĐC. Em tin rằng việc nắm giữ được di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc sẽ giúp em có thể giúp em đóng góp sức mình vào việc xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn.

Em tin rằng việc nắm giữ được di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc sẽ giúp em có thể giúp em đóng góp sức mình vào việc xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn.".

Em Dương Thị Khánh Ly, huyện Bắc Sơn

       Với những giá trị độc đáo về văn hóa, địa chất và cảnh quan thiên nhiên, cùng nỗ lực phát triển du lịch bền vững của toàn tỉnh, CVĐC Lạng Sơn hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.

(Còn nữa)

Kỳ II: Khám phá "Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng"

Kỳ III: Xây dựng kỳ quan địa chất từ sức mạnh cộng đồng

Kỳ IV: Vươn tầm quốc tế

Thực hiện:

TUYẾT MAI - HOÀNG NHƯ - HOÀNG HIẾU