Công ty Viễn thông Viettel phát huy truyền thống Quân đội Anh hùng
Giám đốc Viettel Telecom Hoàng Sơn (ngoài cùng, bên trái) trao quà và tiền cho chiến dịch phẫu thuật nụ cười. Là doanh nghiệp Quân đội trên lĩnh vực bưu chính viễn thông (BCVT), Công ty Viễn thông Viettel đã phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội và Binh chủng Thông tin Anh hùng; với cách nghĩ, cách làm nhanh, triệt để, quyết liệt của người lính, trải qua 10 năm xây dựng, trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt của thị trường bưu chính viễn thông, cán bộ, công nhân viên toàn công ty đã tập trung toàn bộ sức lực, trí lực, nghiên cứu, tìm tòi với phương châm "đi tắt, đón đầu", nhanh chóng tiếp thu khoa học, công nghệ tiên tiến, tập trung cao độ cho sản xuất, kinh doanh, đạt được những kết quả to lớn, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng được giao.Tháng 12 này, Công ty Viễn thông Viettel được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.Phát triển nhanh hạ tầng viễn thôngThực hiện nhiệm vụ chiến lược của Tổng Công ty viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Viễn thông Quân đội) là...
Giám đốc Viettel Telecom Hoàng Sơn (ngoài cùng, bên trái) trao quà và tiền cho chiến dịch phẫu thuật nụ cười. |
Là doanh nghiệp Quân đội trên lĩnh vực bưu chính viễn thông (BCVT), Công ty Viễn thông Viettel đã phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội và Binh chủng Thông tin Anh hùng; với cách nghĩ, cách làm nhanh, triệt để, quyết liệt của người lính, trải qua 10 năm xây dựng, trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt của thị trường bưu chính viễn thông, cán bộ, công nhân viên toàn công ty đã tập trung toàn bộ sức lực, trí lực, nghiên cứu, tìm tòi với phương châm “đi tắt, đón đầu”, nhanh chóng tiếp thu khoa học, công nghệ tiên tiến, tập trung cao độ cho sản xuất, kinh doanh, đạt được những kết quả to lớn, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng được giao.
Tháng 12 này, Công ty Viễn thông Viettel được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Phát triển nhanh hạ tầng viễn thông
Thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Tổng Công ty viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Viễn thông Quân đội) là phát triển hạ tầng trước, kinh doanh sau, cán bộ, công nhân viên của công ty đã nỗ lực cao độ, phối hợp hiệu quả với các đơn vị và các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác lắp đặt phát triển mạng lưới. Ngày 15-10-2000, khai trương dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế VoIP 178. Tháng 9-2002, Viettel bắt đầu lắp đặt tổng đài, đưa dịch vụ điện thoại cố định (PSTN) vào hoạt động. Chỉ sau ba năm, đến hết năm 2006, công ty đã hoàn thành kế hoạch mở mạng tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, hiện nay đã lắp đặt hơn 3.300 thiết bị tổng đài các loại đang sử dụng tại các địa phương trên toàn quốc. Mạng in-tơ-nét: Tháng 10-2002, công ty bắt đầu khai trương dịch vụ truy nhập in-tơ-nét tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đến nay, công ty đã lắp đặt 3.700 node mạng, kinh doanh dịch vụ in-tơ-nét băng rộng (ADSL), tại 63 tỉnh, thành phố. Trở thành một trong ba nhà khai thác dịch vụ in-tơ-nét lớn nhất toàn quốc, với hơn 535.000 thuê bao. Ngày 15-10-2004, khai trương mạng di động với 500 trạm thu.
Nếu như cuối năm 2006 mới có 2.500 trạm phát sóng (BTS), một số ít tổng đài, thì đến cuối năm 2007 có 5.500 trạm BTS. Đến hết năm 2008 có 14.000 trạm. Đến tháng 4-2009, có 16.300 trạm, đến tháng 9-2009 có 19.359 trạm BTS, đến hết năm 2009 có số trạm 2G là 20.000 trạm. Đến nay đã xây dựng 21.500 trạm 2G, 5.700 trạm 3G; Tại Cam-pu-chia và Lào đến hết năm 2009 có gần 4.000 trạm BTS (Các doanh nghiệp khác phải mất từ 10-12 năm để xây dựng được 1.500 trạm). Khẩn trương tích hợp dịch vụ với dung lượng lớn, bảo đảm dung lượng đáp ứng cho 60 triệu thuê bao hoạt động tốt. Được bình chọn là Mạng di động có vùng phủ sóng rộng nhất, sâu nhất Việt Nam. Hệ thống kênh phân phối cũng liên tục được củng cố mở rộng về quy mô, năng lực, hình ảnh, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu cho sự phát triển, hàng hóa được mang đến tận tay khách hàng.
Hiện tại, công ty đã có một hệ thống kênh phân phối lớn nhất Việt Nam với 105 siêu thị, 691 cửa hàng, 1.383 đại lý, 68.100 điểm bán và gần 30.000 cộng tác viên bán hàng trên cả nước. Công ty Viễn thông Viettel luôn luôn tích cực sáng tạo, đi đầu trong việc đa dạng hóa các dịch vụ viễn thông, phù hợp với từng đối tượng khác nhau, nhất là các khách hàng bình dân, khách hàng tiềm năng như học sinh, sinh viên, nông dân… về phát triển thuê bao dịch vụ điện thoại di động: Dẫn đầu các mạng di động tại Việt Nam trong việc phát triển nhanh, vượt bậc về số thuê bao và khách hàng sử dụng dịch vụ di động.
Chỉ tính riêng trong năm 2009, công ty đã phát triển 24 triệu thuê bao kích hoạt, là năm thứ năm liên tiếp được đánh giá là mạng di động có tốc độ phát triển thuê bao nhanh nhất. Hiện nay, mạng di động Viettel đã có 94 triệu thuê bao đăng ký; 47 triệu thuê bao hoạt động 2 chiều trên mạng (chiếm hơn 40% thị phần). Dịch vụ điện thoại cố định: Bắt đầu kinh doanh từ tháng 9-2003 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2008 phát triển được 350.000 thuê bao. Đến nay tổng số thuê bao trên toàn mạng đạt 535.000 thuê bao; là một trong ba mạng (cùng với VNPT và FPT) có số thuê bao lớn nhất Việt Nam. Dịch vụ điện thoại cố định không dây (Home Phone) có hơn 500.000 thuê bao, tháng 10-2008 đạt một triệu thuê bao. Đến nay, tổng thuê bao trên toàn mạng đạt 3,3 triệu.
Doanh thu của công ty năm 2009 gấp 359 lần doanh thu năm 2001. Tổng doanh thu cả giai đoạn đạt 89.963 tỷ đồng. Công ty đóng vai trò quan trọng, quyết định đến thành công của Tập đoàn.
Làm chủ khoa học – kỹ thuật
Phát huy phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, tích cực, chủ động, cán bộ, công nhân viên Công ty Viễn thông Viettel trong những năm qua đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận dụng tối đa cơ sở vật chất của đơn vị, thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật. Đồng thời làm chủ các trang bị khí tài mới, khai thác, sử dụng bảo quản, các trang thiết bị khí tài tốt, bền, an toàn, tiết kiệm. Với phương châm tự học, tự làm thay vì thuê nước ngoài, đội ngũ cán bộ, công nhân viên kỹ thuật của công ty đã thật sự trưởng thành qua những thách thức và thất bại, làm chủ mọi hoạt động của mạng lưới kỹ thuật, từ khảo sát, thiết kế; lắp đặt và vận hành mạng lưới 2G cho đến học tập nghiên cứu, thi tuyển và triển khai thiết kế lắp đặt tích hợp, làm chủ mạng lưới 3G. Công ty đã tự lực tự cường, đẩy mạnh phong trào sáng kiến ý tưởng, mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lý doanh nghiệp. Các phần mềm thiết kế khai thác quản lý mạng lưới, quản lý công việc như NocPro, BCCS, VOffice, Google Earth… là những sản phẩm mang thương hiệu Viettel chất lượng cao, mang lại hiệu quả to lớn trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, lại vừa có thể thương mại hóa sản phẩm, triển khai ở các mạng khác nhau, các nước khác nhau. Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã thật sự đóng một vai trò quan trọng trong công tác kỹ thuật. Từ năm 2001 đến nay với hơn 300 đề tài sáng kiến được nghiệm thu và hàng nghìn ý tưởng được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế to lớn. Tiêu biểu là các đề tài “Nghiên cứu triển khai thử nghiệm các dịch vụ in-tơ-nét băng rộng”, “Nghiên cứu thử nghiệm báo hiệu số 7 cho mạng VoIP”, “Giải pháp phát điện dùng sức gió, năng lượng mặt trời, cấp nguồn cho BTS ở biên giới, hải đảo”, các đề tài đã làm lợi cho công ty hàng trăm tỷ đồng.
Sự lựa chọn tin cậy của người tiêu dùng
Về sự phát triển của Viettel, Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Với tốc độ phát triển nhanh, bền vững, chỉ trong một thời gian ngắn, Viettel đã trở thành một mạng viễn thông hoàn chỉnh, phục vụ việc khai thác đa dịch vụ, đóng góp tích cực cho nền kinh tế quốc dân. Việc Viettel tham gia thị trường viễn thông đã tạo tiền đề, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khác kinh doanh dịch vụ viễn thông, tạo bước đột phá, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, phá thế độc quyền doanh nghiệp, làm giảm giá cước viễn thông, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế đất nước”.
Tháng 10-2000, khi Viettel bắt đầu thử nghiệm kinh doanh dịch vụ 178 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với giá cước chỉ bằng 55% đến 60% giá cước điện thoại truyền thống đã được khách hàng và dư luận ủng hộ nhiệt tình.
Cùng với việc phát triển nhanh về các dịch vụ, công tác chăm sóc khách hàng đã được triển khai đồng bộ, chu đáo, ngày càng khẳng định được tính chuyên nghiệp. Trước sự phát triển vượt bậc của dịch vụ, Đảng ủy, BGĐ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cấp hệ thống thiết bị, nâng cao chất lượng giải đáp, chống nghẽn. Năm 2009 đánh dấu với việc khai trương hai Trung tâm CSKH tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với tổng số 5.500 nhân viên trực tổng đài, có khả năng tiếp nhận đến 35.000 cuộc gọi/giờ vào hệ thống trả lời và 15.600 cuộc, đồng thời vào hệ thống trả lời tự động. Các chương trình chăm sóc khách hàng cũng đã được triển khai chu đáo, đồng bộ tại 63 chi nhánh tỉnh, thành phố như chăm sóc khách hàng Previlege, tặng quà khách hàng đặc biệt hằng tháng; tặng cước, tặng tin nhắn nhân các ngày lễ lớn, các tiện ích gia tăng như: Dịch vụ ứng tiền trước, Dịch vụ Pay 199, Anypay, Copy nhạc Imuzik, Dịch vụ thanh toán cước qua ngân hàng… Các tiện ích cộng thêm này đem lại sự tiện dụng cho người tiêu dùng cả trong sử dụng lẫn thanh toán.
Đến nay, qua quá trình phát triển, cạnh tranh lành mạnh, giá cước của tất cả các dịch vụ viễn thông đều giảm mạnh. Điện thoại đường dài quốc tế giảm năm lần (từ 2 USD/phút còn 0,4 USD/phút/ năm 2007, 0,25 USD/phút/ 2008, nay là 0,2 USD), điện thoại đường dài trong nước giảm ba lần. Phí hòa mạng điện thoại di động từ 250.000 đồng/thuê bao còn 120.000 đồng/thuê bao. Phí thuê bao giảm từ 120.000 đồng/tháng xuống còn 60.000 đồng/tháng. Với cách tính Blốc 6 giây (nay là 6 giây 1) và không tính phí cuộc gọi theo vùng, cước cuộc gọi đã giảm từ 4 đến 5 lần so với năm 2000. Cước thuê kênh quốc tế giảm 10 lần so năm 2000. Các gói cước ưu đãi (Home phone, Tomato, happy Zone, Sumo…), các dịch vụ nghe được cộng tiền vào tài khoản, giảm cước giờ thấp điểm, ưu đãi sinh viên… đã có tính kích thích thị trường, khách hàng được hưởng lợi.
Với thị trường viễn thông sôi động, có sự tham gia của các doanh nghiệp mới, trong đó nổi bật có Viettel đã góp phần tích cực cho sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam.
Xây dựng thương hiệu Viettel
Với những kết quả đã đạt được và những khẩu hiệu hành động mang tính định hướng cao như: “Nhanh – chuyên nghiệp – hiệu quả”, giai đoạn 2002 – 2005 chuyển sang “Chuyên nghiệp – nhanh – hiệu quả” giai đoạn 2006 – 2007, “Tôn vinh từ những ý tưởng nhỏ nhất”, “Suy nghĩ không cũ về những điều không mới”, “Mỗi ngày một ý tưởng”, “Đổi mới toàn diện, phát triển bền vững”, “Đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, phát triển bền vững”… đã phần nào thể hiện được những nét văn hóa và thương hiệu của Viettel, cùng với việc bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của các dịch vụ đã làm cho uy tín, thương hiệu Viettel ngày càng được nâng cao trên thị trường viễn thông trong nước và quốc tế. Liên tục các năm 2005-2007, Viettel nhận giải thưởng là mạng di động phát triển thuê bao nhanh nhất. Năm 2008, Viettel được Informa Telecom xếp thứ 83 trong 100 thương hiệu Viễn thông hàng đầu thế giới. Đến hết quý II/2009, Wireless Intelligence – tổ chức đánh giá xếp hạng các mạng viễn thông trên thế giới đã đưa ra kết quả, theo đó Viettel được xếp hạng thứ 36 trong tổng số 746 nhà khai thác dịch vụ viễn thông di động trên thế giới và xếp thứ tư trong 51 nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực với 28 triệu thuê bao. Tháng 11-2009, Viettel đạt giải thưởng cao quý “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất thế giới tại các nước đang phát triển”, và là doanh nghiệp viễn thông duy nhất của Việt Nam hiện là thành viên của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)… Thương hiệu Viettel không chỉ là niềm phấn khởi, tự hào của cán bộ, công nhân viên Viettel mà còn là niềm tự hào chung cho ngành viễn thông Việt Nam.
Từ năm 2009, Công ty viễn thông Viettel triển khai các chương trình trọng điểm như chương trình Mỗi xã một trạm BTS, Quang hóa đến xã, In-tơ-nét đến xã, đã hoàn thành kết nối in-tơ-nét đến 38.000 trường học trong cả nước, chương trình đầu tư cho an ninh – quốc phòng, cung cấp hàng chục nghìn thuê bao viễn thông công ích… Ngoài ra còn tạo cơ hội cho nhân dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện sử dụng công nghệ hiện đại. Đây còn là sự kiện mang ý nghĩa to lớn về an ninh – quốc phòng trong việc xây dựng mạng lưới thông tin quân sự đến từng xã, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. |
Tích cực đi đầu trong tham gia hoạt động xã hội và xây dựng thương hiệu, những năm qua, công ty luôn thực hiện phương châm “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, gắn kết các hoạt động kinh doanh với các hoạt động xã hội; tham gia tích cực các đợt quyên góp tiền, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, chủ động phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng quỹ “Tấm lòng Việt” bằng tiền trích từ quỹ số đẹp. Công ty đã tổ chức các sự kiện lớn như “Một thời hoa lửa”, cuộc hành trình “Tiếp lửa truyền thống, vang mãi khúc quân hành”; tài trợ cho Giải đua xe đạp về Điện Biên nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên; chăm sóc giúp đỡ các gia đình chính sách, xây dựng 125 căn nhà tình nghĩa, một nhà trẻ, mẫu giáo, một nhà đoàn kết, tặng 3.000 suất quà cho đồng bào nghèo và bộ đội, giáo viên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo ăn Tết Mậu Tý; năm 2009, chủ động phối hợp xây dựng quỹ tổ chức chương trình giải phẫu “Nụ cười cho em”; “Trái tim cho em”… với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, việc tài trợ cho các chương trình mang tính xã hội và nhân văn cao như “Nối vòng tay lớn”, “Chúng tôi là chiến sĩ”, “Mỗi ngày một quyển sách”, “Mỗi ngày một ý tưởng”, “Tại sao không?”, “Như chưa hề có cuộc chia ly”, “Trái tim cho em”… là những hoạt động xã hội đã góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu Viettel mang tính nhân văn sâu sắc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()