Công ty TNHH Green Food Hà Nam: Thu tiền tỷ từ nấm trên đỉnh Mẫu Sơn
- Từ năm 2018, Công ty TNHH Green Food Hà Nam (tỉnh Hà Nam) đã nghiên cứu, đầu tư trồng nấm hương trên đỉnh Mẫu Sơn (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình và xã Công Sơn, huyện Cao Lộc). Việc trồng nấm này, không chỉ góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng của vùng núi Mẫu Sơn mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương.

Anh Đặng Đình Hiền, cán bộ phụ trách cơ sở sản xuất nấm hương của Công ty TNHH Green Food Hà Nam cho biết: Nhận thấy đỉnh Mẫu Sơn của tỉnh Lạng Sơn cũng có điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cho phát triển trồng nấm nên từ tháng 6/2018, công ty đã đầu tư trồng nấm hương tại đây.
Theo đó, công ty đã đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà lạnh và nhà kho với tổng diện tích khoảng 4.000 m2. Ngoài ra, công ty còn đầu tư hệ thống phun sương mù, giá đỡ... với tổng kinh phí đầu tư trên 4 tỷ đồng. Nấm hương phát triển tốt trong điều kiện thời tiết, khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao nên thường từ tháng 11 dương lịch hằng năm, công ty tiến hành sản xuất nấm và kéo dài đến hết tháng 7 năm sau. Cụ thể từ khoảng tháng 11, công ty tiến hành cấy phôi nấm vào giá thể, sau đó chăm sóc 2 tháng thì cho thu hoạch nấm hương tươi thành phẩm. Mỗi bịch giá thể nấm có thể cho thu hoạch kéo dài 2 tháng; năng suất đạt từ 0,8kg đến 1 kg nấm hương tươi/bịch.
Tháng 9/2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Nấm hương Mẫu Sơn, Lạng Sơn", tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nấm hương trồng trên đỉnh núi Mẫu Sơn.
|
Hiện nay, công ty có 6 nhà lạnh, 15 nhà lưới để phục vụ sản xuất nấm hương. Bình quân mỗi năm công ty trồng khoảng 30.000 bịch giá thể nấm, cung cấp ra thị trường trên 10 tấn nấm hương tươi với giá từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg. Từ đầu năm 2025 đến nay, công ty đã sản xuất, cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn nấm hương thành phẩm.
Thị trường tiêu thụ hiện nay của công ty chủ yếu trong tỉnh và một số siêu thị tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hà Nam... Để bảo quản và thuận tiện trong vận chuyển sản phẩm đi xa, công ty còn đầu tư hệ thống máy sấy nấm hương. Sản phẩm nấm hương Mẫu Sơn sấy khô đã được xuất khẩu đi một số nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc.
Chị Tô Thị Oanh, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội cho biết: Năm 2024, khi lên thăm người thân ở Lạng Sơn, tôi biết đến sản phẩm nấm hương được trồng trên đỉnh núi Mẫu Sơn thì có đặt mua ăn thử. Tôi thấy nấm hương trồng tại đây có mũ nấm to, thịt dày, hương vị rất thơm ngon. Sau đó, tôi đã thường xuyên đặt mua cho gia đình thưởng thức. Ngoài nấm hương tươi, tôi còn đặt thêm nấm hương khô để bảo quản, sử dụng lâu dài.
Việc đầu tư trồng nấm hương trên đỉnh núi Mẫu Sơn đã đem lại cho công ty doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho từ 3 đến 5 lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, tận dụng những bịch giá thể đã thu hoạch hết nấm, từ năm 2024, công ty còn trồng rau cải thảo theo hướng hữu cơ và vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ.
Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lộc Bình cho biết: Nấm hương là đặc sản nổi tiếng của vùng núi Mẫu Sơn, tuy nhiên nấm hương tự nhiên có sản lượng thấp, không đủ cung cấp ra thị trường. Thời gian qua, Công ty TNHH Green Food Hà Nam đã khai thác lợi thế nơi đây để trồng nấm hương, qua đó góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương và tạo việc làm cho lao động trên địa bàn. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Môi trường sẽ tham mưu UBND huyện quan tâm đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con để nhân rộng mô hình. Đồng thời, đề xuất xây dựng làng nghề trồng nấm phát triển kinh tế kết hợp với hoạt động du lịch trải nghiệm. Từ đó, tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình.
Ý kiến ()