Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn: Tích cực xây dựng sản phẩm OCOP
– Thời gian qua, Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn, thôn Lạng Giai A, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng đã đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng của Xứ Lạng. Đặc biệt, nhận thấy ý nghĩa của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), công ty đã tích cực xây dựng các sản phẩm OCOP. Nhờ đó, tháng 4/2022, công ty đã có 3 sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện.
Bà Nông Thị Ngân, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Công ty được thành lập từ năm 2011, chủ yếu xuất khẩu hoa hồi khô và sản xuất một số sản phẩm từ hồi và quế. Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP, công ty đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ năm 2018 đến nay, công ty đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm hồi hữu cơ với diện tích 334 ha tại huyện Văn Quan. Đến đầu năm 2022, công ty tiếp tục ký kết hợp đồng tiêu thụ hồi hữu cơ với diện tích 200 ha tại các xã trên địa bàn huyện Chi Lăng. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua trên 100 tấn hoa hồi của bà con. Cùng với đó, công ty đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng, lắp đặt hệ thống máy móc sơ chế hoa hồi khô và chiết xuất tinh dầu hồi như: máy cắt cuộng, máy sàng, máy sấy, lò chiết xuất.
Công nhân Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn sắp xếp sản phẩm hoa hồi khô
Bên cạnh đó, để sản xuất bánh khẩu sli quế, từ năm 2019, công ty đã đầu tư máy móc hiện đại như: máy trộn, máy nhào, máy ép khuôn, lò nướng… Để có nguồn nguyên liệu chế biến, công ty đã đứng ra thu mua vỏ quế của người dân trên địa bàn huyện Tràng Định. Bình quân mỗi năm, công ty sản xuất và bán ra thị trường khoảng 20 đến 30 tấn bánh khẩu sli thành phẩm.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty đã chú trọng việc thiết kế, in ấn nhãn mác, túi đựng cho sản phẩm với nhiều mẫu mã đa dạng. Tất cả các sản phẩm đều có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… Hiện nay, các sản phẩm của công ty rất phong phú, đa dạng, trong đó, sản phẩm tinh dầu hồi, hoa hồi khô và bánh khẩu sli quế là chủ đạo, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Từ năm 2016 đến nay, các sản phẩm của công ty đã có mặt tại các trạm dừng nghỉ ở các tỉnh như: Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nam, Bắc Ninh…; năm 2021, công ty đã có 1 nhà phân phối sản phẩm tại thành phố Lạng Sơn. Nhờ đó, doanh thu riêng từ 3 sản phẩm trên đem lại gần 9 tỷ đồng/năm (chiếm 50% doanh thu của công ty).
Chị Nông Thị Thúy Hiền, khách du lịch đến từ phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội cho biết: Lần nào có dịp lên Lạng Sơn, tôi cũng mua các sản phẩm như: tinh dầu hồi, hoa hồi khô để sử dụng cũng như làm quà biếu. Các sản phẩm tại trạm dừng nghỉ của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn được thiết kế khá đẹp và bắt mắt. Đặc biệt, đây đều là những sản phẩm thiết thực, dùng trong cuộc sống hằng ngày, mang nét đặc trưng bởi được chiết xuất từ hồi với giá bán bình dân.
Nhờ sự đổi mới và không ngừng cải tiến sản phẩm, đến tháng 4/2022, công ty đã có 2 sản phẩm: tinh dầu hồi và hoa hồi khô đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh; bánh khẩu sli quế đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thời gian tới, công ty tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng và triển khai các giải pháp để “nâng sao” cho sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, phấn đấu mỗi năm xây dựng được từ 1 hoặc 2 sản phẩm OCOP như nước rửa chén, nước lau nhà chiết xuất từ hồi và quế.
Việc nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá các sản phẩm đặc sản Lạng Sơn đến du khách trong và ngoài tỉnh. Qua đó, từng bước khẳng định, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho công ty; tạo việc làm cho 12 lao động cố định và 20 đến 30 lao động thời vụ trên địa bàn huyện.
“Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu Nông lâm sản Lạng Sơn là đơn vị rất tích cực, chủ động trong thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện. Tính đến nay, huyện có 18 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó, có 3 sản phẩm của công ty. Sau khi sản phẩm được công nhận, phòng đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ đơn vị theo quy định của tỉnh. Thời gian tới, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Sở Công thương lựa chọn trạm dừng nghỉ của công ty để làm địa điểm trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện, từ đó, góp phần giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện đến nhiều khách hàng”. Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng |
Ý kiến ()