Công ty lâm nghiệp: Từng bước vượt khó trong sản xuất kinh doanh
(LSO) – Thực hiện chủ trương sắp xếp, tái cơ cấu các công ty lâm nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đến nay, các công ty đã từng bước ổn định, tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị kinh doanh tại từng đơn vị.
Năm 1996, Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc trực thuộc UBND tỉnh chuyển về Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, đến năm 2015, Công ty Lâm nghiệp Đình Lập và Lộc Bình cũng chuyển về Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam quản lý.
Trước khi chuyển giao về Tổng Công ty lâm nghiệp Việt Nam để thực hiện tái cơ cấu theo hướng tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại sản xuất, đổi mới phương thức quản lý, quản trị, các công ty lâm nghiệp Đình Lập và Lộc Bình hoạt động rất khó khăn. Cụ thể, về tài chính: Công ty Lâm nghiệp Đình Lập và Lộc Bình không còn vốn để tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Thậm chí hai công ty còn nợ tiền lương và bảo hiểm của người lao động tại thời điểm giữa tháng 5/2015 là 3,85 tỷ đồng. Đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, tình trạng người dân lấn chiếm, tranh chấp, khai thác trộm nhựa thông do các công ty lâm nghiệp quản lý diễn ra phức tạp. (xảy ra tại công ty lâm nghiệp Lộc Bình và Đình Lập với diện tích hơn 2.000 ha).
Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập chuẩn bị sản xuất giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng năm 2020
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện chủ trương của tỉnh và Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp. Năm 2015, công ty lâm nghiệp Lộc Bình và Đình Lập được chuyển về Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam quản lý và thực hiện tái cơ cấu.
Sau 4 năm chuyển về Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và thực hiện tái cơ cấu, tình hình hoạt động của hai đơn vị đã có nhiều khởi sắc. Tại thời điểm giữa tháng 5/2015, vốn chủ sở hữu của Công ty lâm nghiệp Lộc Bình là 9,8 tỷ đồng và Công ty Lâm nghiệp Đình Lập là 3,6 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình là 57,6 tỷ đồng (tăng 5,9 lần so với năm 2015) và Công ty Lâm nghiệp Đình Lập là 66,5 tỷ đồng (tăng 18,4 lần so với năm 2015).
Từ năm 2016 đến nay, hai Công ty Lâm nghiệp Đình Lập và Lộc Bình đã trồng mới được gần 1.500 ha rừng, chủ yếu là rừng keo và bạch đàn với chi phí đầu tư 90 triệu đồng/ha/chu kỳ. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ về lâm nghiệp được cải thiện, trong đó, Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình đạt 3,3 tỷ đồng và Công ty Lâm nghiệp Đình Lập đạt 1,1 tỷ đồng.
Ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình cho biết: Sau khi chuyển về Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và thực hiện tái cơ cấu, đến nay, bộ máy hoạt động của công ty đã tinh gọn hơn; công tác quản lý, quản trị tổ chức sản xuất kinh doanh của công ty ngày càng hiệu quả là nhờ sự hỗ trợ rất lớn của UBND tỉnh và huyện Lộc Bình. Lực lượng lao động trực tiếp của công ty hiện còn khoảng 30 người (các đội sản xuất) có nhiệm vụ chính là tập trung quản lý sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân địa phương trong liên kết trồng, quản lý, bảo vệ rừng. Hiện thu nhập của người lao động trong công ty đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, công ty tiếp tục duy trì giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với người dân địa phương trên diện tích khoảng 1.300 ha.
Qua thực tế theo dõi cho thấy, sau khi thực hiện tái cơ cấu, hoạt động của các công ty lâm nghiệp có chuyển biến về chất. Cụ thể như việc quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu giống trong trồng rừng đã sát với nhu cầu thị trường hơn.
Ông Lành Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 200 ha đất lâm nghiệp do Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình quản lý, trong 2 năm trở lại đây, công ty tổ chức quy hoạch lại đất đai và chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây lâm nghiệp trong trồng rừng. Cụ thể, nhiều khu đất đã được công ty chuyển từ cây thông mã vĩ sang cây keo lai và bạch đàn cao sản nhằm hình thành vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao. Qua thực tế theo dõi, hai loại cây này phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương.
Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp, ông Ngô Viết Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất của công ty cho thấy: đối với phần diện tích đất công ty trực tiếp trồng và sử dụng giống mới, chất lượng rừng trồng mới phát triển rất tốt, điều này đồng nghĩa với việc phương án sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp là rất khả quan và hiệu quả.
TRANG NINH
Ý kiến ()