Công ty Điện lực Lạng Sơn: Tập trung chuyển đổi số trên các lĩnh vực trọng điểm
– Năm 2023, công ty Điện lực Lạng Sơn tập trung thực hiện chuyển đổi số ở 3 lĩnh vực trọng tâm: kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ, qua đó nhằm tăng năng suất lao động, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh, đồng thời phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.
Cán bộ Trung tâm Điều khiển xa theo dõi, vận hành lưới điện thông qua hệ thống điện tử
Ông Trần Xuân Quảng, Trưởng Phòng Kinh doanh, công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Để tạo thuận lợi cho khách hàng, công ty đã đưa 100% các dịch vụ như: đăng ký hợp đồng mua bán điện, sửa chữa điện, thanh toán tiền điện, tra cứu thông tin về dịch vụ điện… lên mạng. Hiện khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc máy tính có kết nối Internet là có thể đăng ký, kết nối với ngành điện về các dịch vụ yêu cầu mà không cần phải đến trực tiếp đơn vị điện lực. Ngoài ra, với việc đã triển khai lắp đặt hơn 85% tổng số công tơ điện tử cho khách hàng, khách hàng có thể dễ dàng kiểm soát được thông tin về tiền điện, nợ tiền điện, lịch sử chỉ số công tơ, biểu đồ sử dụng điện chỉ bằng một vài thao tác đơn giản thông qua ứng dụng chăm sóc khách hàng.
Mục tiêu của công ty Điện lực Lạng Sơn đến năm 2025 sẽ là “doanh nghiệp thông minh”, vì vậy, Công ty Điện lực Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. |
Trong tháng 8 đầu năm 2023, hơn 95% các yêu cầu của khách hàng đều thông qua ứng dụng chăm sóc khách hàng trực tuyến. Cụ thể, công ty Điện lực Lạng Sơn đã tiếp nhận khoảng 17 nghìn yêu cầu của khách hàng qua hệ thống quản lý quan hệ khách hàng, tỷ lệ xử lý đúng và kịp thời các yêu cầu của khách hàng đạt 99,48% trong tổng số yêu cầu.
Bà Đỗ Thị Hoa (khối 8, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Trước đây, khi khu phố bị mất điện, nhất là mất điện thời điểm ban đêm rất khó thông tin với ngành điện, nhưng giờ thông qua phần mềm chăm sóc khách hàng, số điện thoại đường dây nóng của điện lực thành phố, chỉ sau 5 phút thông báo, ngành điện đã cử cán bộ xuống xử lý. Cùng đó, các kế hoạch về cắt điện để sửa chữa cũng đều được thông báo trước về ngày, giờ cắt và ngày, giờ cấp lại qua tin nhắn zalo. Điều này đã giúp người dân chủ động trong sinh hoạt.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ đầu năm 2023, công ty đã triển khai ứng dụng phần mềm nhật ký thi công điện tử và biên bản nghiệm thu điện tử trên phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS2.0) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để quản lý các dự án, công trình điện đang triển khai thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ông Đỗ Như Tùng, Trưởng phòng Viễn thông và Công nghệ thông tin, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Khi triển khai áp dụng nhật ký thi công điện tử và biên bản nghiệm thu điện tử trên phần mềm IMIS2.0, nhà thầu có thể sử dụng điện thoại thông minh ghi nhật ký thi công ở bất kỳ vị trí và chụp ảnh thi công để đính kèm vào nhật ký. Dữ liệu thu thập được sẽ được cập nhật vào hệ thống. Với cách làm này, lãnh đạo công ty và các phòng, ban liên quan có thể kiểm soát từ xa tình hình thi công xây dựng của các đơn vị để có chỉ đạo kịp thời. Việc triển khai “số hóa” trong lĩnh vực đầu tư đã giúp bộ máy vận hành thông suốt, có tính hệ thống và được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh hai lĩnh vực trên, Công ty Điện lực Lạng Sơn cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị nội bộ.
Điển hình là từ đầu năm 2023, công ty đã thực hiện chuyển đổi phần mềm E-Office 3.0 sang ứng dụng văn phòng số D-Office với những nền tảng công nghệ mới. Cùng đó, 100% hồ sơ được số hóa, 100% hồ sơ giấy được chỉnh lý số hóa (trừ mật và đặc thù). Mặt khác, 100% cán bộ có chức trách, nhiệm vụ được cấp chữ ký số áp dụng trong các ứng dụng quản lý/giao dịch nội bộ; ứng dụng công nghệ nhận dạng tiếng nói để tạo chuỗi văn bản tương ứng trong xử lý, điều hành công việc… Với những ứng dụng điện tử trong hầu hết hoạt động quản trị, hiệu suất giải quyết công việc trong công tác quản lý đã được nâng lên đáng kể.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Việc thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực không chỉ giúp công ty và còn giúp khách hàng tiết giảm thời gian, chi phí và mang lại những tiện lợi cho các khách hàng sử dụng điện. Vì vậy, công ty sẽ tiếp tục củng cố nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại để hướng đến chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Ý kiến ()