LSO-Ông Vũ Khánh Toàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Trước năm 2009, lưới điện hạ thế nông thôn tại 181/207 xã được quản lý, vận hành theo mô hình hợp tác xã (các xã còn lại ngành điện trực tiếp quản lý). Trong quá trình thực hiện, các mô hình hợp tác xã (HTX) điện nông thôn đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, ảnh hưởng đến an toàn vận hành, chất lượng điện áp thấp trong khi giá bán điện lại cao. Vì vậy, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc triển khai thực hiện đề án tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn để bán trực tiếp đến các hộ dân nông thôn. Từ tháng 10/2008 đến tháng 12/2009, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã thực hiện tiếp nhận xong hệ thống lưới điện tại 181 xã với khối lượng đường dây 0,4kV sau tiếp nhận là 1.840km, số công tơ tiếp nhận thêm là 86.409 công tơ cùng với hệ thống cột kèo, xà, sứ…có tổng trị giá trên 170 tỉ đồng....
LSO-Ông Vũ Khánh Toàn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Trước năm 2009, lưới điện hạ thế nông thôn tại 181/207 xã được quản lý, vận hành theo mô hình hợp tác xã (các xã còn lại ngành điện trực tiếp quản lý). Trong quá trình thực hiện, các mô hình hợp tác xã (HTX) điện nông thôn đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, ảnh hưởng đến an toàn vận hành, chất lượng điện áp thấp trong khi giá bán điện lại cao. Vì vậy, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc triển khai thực hiện đề án tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn để bán trực tiếp đến các hộ dân nông thôn. Từ tháng 10/2008 đến tháng 12/2009, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã thực hiện tiếp nhận xong hệ thống lưới điện tại 181 xã với khối lượng đường dây 0,4kV sau tiếp nhận là 1.840km, số công tơ tiếp nhận thêm là 86.409 công tơ cùng với hệ thống cột kèo, xà, sứ…có tổng trị giá trên 170 tỉ đồng. Như vậy, chỉ sau một năm thực hiện tiếp nhận đã có 207/207 xã với 158.086 hộ dân nông thôn, chiếm tỉ lệ 94,88% hộ dân nông thôn được mua điện trực tiếp từ ngành điện với giá điện bậc thang Nhà nước quy định bình đẳng như các hộ ở khu vực thành thị.
Thí nghiệm sửa chữa định kỳ máy biến áp tại Điện lực TP Lạng Sơn
Trên thực tế, hầu hết các thành viên trong các Ban quản lý HTX điện nông thôn đều yếu về trình độ, năng lực chuyên môn cũng như công tác vận hành, quản lý bán điện nên hầu hết các HTX đều làm ăn thua lỗ, không có vốn để tái đầu tư cải tạo, dẫn đến tình trạng hệ thống lưới điện tại nhiều khu vực nông thôn đều cũ nát, chắp vá, nguy cơ mất an toàn cao, tỉ lệ tổn thất lên đến 20- 30%; mặt khác chất lượng điện áp thấp, không ổn định, trong khi người dân vẫn phải mua điện với giá cao hơn từ 2- 4 lần giá trần Chính phủ quy định. Vì vậy, với phương châm: “khách hàng nông thôn bình đẳng như khách hàng thành thị” (bình đẳng ở đây không những là giá bán mà còn bình đẳng về chất lượng điện áp, an toàn điện…), ngay sau khi hoàn thành tiếp nhận, Công ty Điện lực Lạng Sơn không chỉ thực hiện ngay việc bán điện theo giá bậc thang mà còn khẩn trương tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch đầu tư sửa chữa, cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn để nâng cao chất lượng điện áp, đảm bảo an toàn vận hành.
Theo ông Toàn, lưới điện hạ thế nông thôn tại nhiều xã được đầu tư đã lâu hoặc người dân tự đóng góp tiền để xây dựng nên hầu hết đều không đạt quy chuẩn; có xã 100% số cột được dựng bằng tre, gỗ; tiết diện dây trên lưới nhỏ; xà, sứ thiếu và yếu; công tơ không có hòm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng chục năm không được kiểm định nên sai số rất lớn. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và kế hoạch của Công ty, từ năm 2009 đến nay, Công ty đã thực hiện cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn trên địa bàn 181 xã với tổng mức đầu tư trên 75 tỉ đồng. Qua đó đã thay thế được nhiều bộ xà, sứ, đường dây cũ nát, thay mới toàn bộ gần 100 nghìn công tơ và hòm công tơ. Đến nay, cơ bản chất lượng lưới điện hạ thế nông thôn tại các xã đều đã ổn định, tỉ lệ tổn thất giảm từ 20- 25% xuống còn khoảng 12- 15%. Điều đáng nói ở đây, ngành điện là đơn vị đầu tư 100% vốn, từ khảo sát, thiết kế, thi công sửa chữa, cải tạo, người dân không phải góp vốn như mô hình HTX trước đây.
Trong năm 2013, Công ty Điện lực Lạng Sơn tiếp tục triển khai chương trình dự án nâng cao hiệu quả phân phối lưới điện nông thôn giai đoạn I (dự án DEP 1) với tổng kinh phí lên đến trên 100 tỉ đồng. Qua đó sẽ xây dựng, bổ sung thêm nhiều hệ thống đường dây trung, hạ áp và các trạm biến áp trên địa bàn 13 xã thuộc 10 huyện của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phụ tải, đảm bảo chất lượng, giảm tổn thất điện năng, củng cố độ tin cậy và an toàn cấp điện cho khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và sử dụng điện.
Hoàng Huy
Ý kiến ()