Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại: 45 năm góp sức dựng xây Xứ Lạng đẹp giàu
LSO-Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn tiền thân là Nhà máy Mì sợi Tam Thanh. Qua 45 năm, Công ty đã cùng nhân dân các dân tộc Xứ Lạng xây dựng Lạng Sơn thành một tỉnh ngày càng giàu mạnh, vững bước trên con đường hội nhập.
LSO-Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn tiền thân là Nhà máy Mì sợi Tam Thanh. Qua 45 năm, Công ty đã cùng nhân dân các dân tộc Xứ Lạng xây dựng Lạng Sơn thành một tỉnh ngày càng giàu mạnh, vững bước trên con đường hội nhập.
Hồ Phi Dũng, Giám đốc Công ty |
Tháng 8/1968, đất nước đang bước tiếp trên con đường giải phóng dân tộc thu non sông về một mối. Những năm tháng ấy, Lạng Sơn trở thành cảng nổi phía Bắc, là nơi đi và đến của những đoàn tàu, đoàn xe chở hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa giúp ta giải phóng miền Nam. Trong các chuyến hàng viện trợ đó chiếm đến 40% là lương thực thực phẩm. Từ những khối hàng lương thực, thực phẩm viện trợ, các tỉnh phải nghiên cứu chế biến để cung cấp cho cán bộ công nhân viên chức và lực lượng vũ trang. Chủ trương xây dựng nhà máy mỳ sợi đã được thống nhất trong toàn đảng, toàn dân và toàn quân. Mục tiêu là nhận bột mỳ viện trợ sau đó chế biến lại, phân phối cho cán bộ công nhân và lực lượng vũ trang toàn tỉnh. Những ngày đầu sản xuất dù sản lượng chưa cao nhưng hai sản phẩm chính là mỳ vàng, mỳ thanh đã như một luồng gió mới thổi vào đời sống của cán bộ công nhân, lực lượng vũ trang toàn tỉnh. Từ đây họ không còn phải tự chế biến lương thực. Sản phẩm mỳ ban đầu như một thứ lương thực tiện lợi, đủ dinh dưỡng vì vậy nhà máy liên tục nhận được bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, các ban ngành. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới nhà máy đã tích cực tham gia chở thương binh ra vùng an toàn. Với thành tích ấy nhà máy được Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba. Sau năm 1979, do nguồn nguyên liệu cạn kiệt, nhà máy phải chuyển sang sản xuất cồn rượu và đổi tên thành Nhà máy cồn rượu Tam Thanh, đã có thời kỳ sản xuất đạt 500 ngàn lít cồn rượu một năm. Sau đại hội Đảng lần thứ VI, nhà máy tổ chức lại sản xuất, thực hiện những bước đổi mới ban đầu theo hướng vừa làm vừa học. Lúc này nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cồn rượu hết sức khan hiếm. Trong khi đó yêu cầu của tỉnh là cần một nhà máy có truyền thống, đủ sức để sản xuất nhiều loại mặt hàng đáp ứng nhu cầu giao thương với các nước xã hội chủ nghĩa. Một phần hàng hóa sẽ được xuất khẩu bù đắp những chi phí bạn đã giúp ta trong chiến tranh. Để có một nhà máy như vậy, UBND tỉnh đã chọn Nhà máy Cồn- Rượu Tam Thanh lĩnh trách nhiệm thực thi các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Ngày 5/2/1988 UBND tỉnh đã có Quyết định số 46/UB-QĐ-CN về phê duyệt đầu tư chuyển hướng sản xuất của Nhà máy Cồn- Rượu Tam Thanh thành xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu.
Khởi công Khu đô thị N20 thuộc Công ty Cổ phần SX&TM Lạng Sơn – Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG BẮC |
Thời điểm này nhà máy chủ yếu sản xuất cần câu trúc, gậy trượt tuyết, và một số loại hoa quả sấy, gừng sấy để xuất khẩu đi các nước Đông Âu và Nhật Bản. Trong suốt thời gian đó, xí nghiệp đã xuất bán hàng triệu cần câu trúc, gậy trượt tuyết, hàng trăm tấn hoa quả, gừng sấy, gừng ngâm muối thu ngoại tệ làm giàu cho đất nước.
Cùng giai đoạn tỉnh đã có quyết định đổi tên nhà máy thành Công ty sản xuất và kinh doanh hàng xuất nhập khẩu Lạng Sơn. Ngày 10/11/2005, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2189/QĐ-UBND-KT phê duyệt phương án chuyển công ty sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu sang công ty cổ phần. Cũng từ đó đến nay công ty có tên Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn, được tổ chức và hoạt động theo điều lệ của công ty cổ phần là Luật Doanh nghiệp.
Năm 2007, do có mối quan hệ với các đối tác Trung Quốc, công ty đã tranh thủ được kinh nghiệm, huy động thêm nguồn vốn của họ và xin chủ trương của tỉnh để đầu tư dự án Khu đô thị Nam Hoàng Đồng I. Theo quy hoạch, dự án Nam Hoàng Đồng I có tổng diện tích 51,1 ha. Sau đầu tư nơi đây sẽ mọc lên một khu đô thị hiện đại với đầy đủ các tiện ích phục vụ cư dân đô thị. Cuối năm 2008 kinh doanh xuất nhập khẩu của công ty đã vượt 200%, kinh doanh khách sạn, sản xuất chế biến gỗ luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Trước cổ phần hóa công ty còn 40 lao động thì đến năm 2008 đã tăng lên 85 lao động. Ngoài dự án Khu đô thị Nam Hoàng Đồng, công ty trực tiếp làm chủ đầu tư khai thác Khu đô thị N20, Cụm Công nghiệp Hợp Thành… Có nguồn lực, tạo được sự tin cậy của khách hàng, nhiều công ty bạn đã tìm cơ hội hợp tác kinh doanh. Trong đó có các đối tác Công ty Hưng Long hợp tác sản xuất thiết bị điện và khung cửa nhựa. Cuối năm 2012, Công ty tiếp tục có các đối tác hợp tác khai thác bán các sản phẩm máy công nghiệp ký hợp đồng trị giá trên 3.000 tỷ đồng.
Hằng năm ngày 27/7, tết Nguyên đán công ty đều tổ chức thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, những cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu. Từ sau cổ phần hóa số tiền đóng góp cho quỹ từ thiện của công ty đã lên tới hàng tỷ đồng. Vào những dịp khai giảng năm học mới công ty đều quan tâm thăm hỏi động viên các hộ nghèo trên địa bàn. Hiện công ty đã có đủ các tổ chức Đảng, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, công đoàn.
Cán bộ công nhân Công ty Cổ phần SX&TM Lạng Sơn trồng cây tại Khu đô thị Nam Hoàng Đồng – Ảnh: ĐÔNG BẮC |
45 năm từ Nhà máy Mì sợi Tam Thanh thành công ty cổ phần là cả một chặng đường đầy gian lao và vinh quang. Chặng đường đã khẳng định sự kế thừa phát huy những giá trị lịch sử. Bài học kinh nghiệm ấy đã giúp cho công ty đứng vững và trưởng thành. 45 năm với lịch sử là một chặng đường quá ngắn, thế nhưng với công ty đấy là cống hiến bền bỉ của bao thế hệ, để làm nên những chiến công góp phần xây dựng quê hương Xứ Lạng trên con đường phát triển ngày càng giàu đẹp.
H.P.D
Ý kiến ()