LSO-Quản lý hơn 4.500ha đất rừng khai thác và rừng phòng hộ, đồng thời chuyên thu mua, sản xuất lâm sản chính trên địa bàn huyện Hữu Lũng, Công ty Cổ phần (CP) lâm sản Thịnh Lộc - Shinec đã và đang đóng góp tích cực vào hiệu quả phát triển nghề rừng của tỉnh. Công nhân Công ty cổ phần lâm sản Thịnh Lộc vận hành dây chuyền sản xuất ván épTỉnh Lạng Sơn hiện nay chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó, Công ty CP lâm sản Thịnh Lộc – Shinec tại thôn Tân Thành, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng là một điển hình. Công ty được thành lập năm 2007 tiền thân là công ty TNHH Thịnh Lộc. Qua 5 năm đến nay, vốn điều lệ của Công ty đã tăng lên 22 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng, khai thác và sản xuất, chế biến lâm sản.Ông Lê Minh Tuân, Giám đốc Công ty cho biết: “trước năm 2007, khi còn là công ty TNHH, cơ sở vật chất của công ty chỉ gồm 2 dãy nhà lợp prô-ximăng cột...
LSO-Quản lý hơn 4.500ha đất rừng khai thác và rừng phòng hộ, đồng thời chuyên thu mua, sản xuất lâm sản chính trên địa bàn huyện Hữu Lũng, Công ty Cổ phần (CP) lâm sản Thịnh Lộc – Shinec đã và đang đóng góp tích cực vào hiệu quả phát triển nghề rừng của tỉnh.
Công nhân Công ty cổ phần lâm sản Thịnh Lộc vận hành dây chuyền sản xuất ván ép
Tỉnh Lạng Sơn hiện nay chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó, Công ty CP lâm sản Thịnh Lộc – Shinec tại thôn Tân Thành, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng là một điển hình. Công ty được thành lập năm 2007 tiền thân là công ty TNHH Thịnh Lộc. Qua 5 năm đến nay, vốn điều lệ của Công ty đã tăng lên 22 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng, khai thác và sản xuất, chế biến lâm sản.
Ông Lê Minh Tuân, Giám đốc Công ty cho biết: “trước năm 2007, khi còn là công ty TNHH, cơ sở vật chất của công ty chỉ gồm 2 dãy nhà lợp prô-ximăng cột gỗ, sản xuất những mặt hàng thô, đơn giản như ván cốt pha, gỗ xẻ bao bì, doanh thu hàng năm chỉ vài trăm triệu đồng, nộp ngân sách nhà nước vài chục triệu đồng. Từ năm 2007 đến nay, Công ty đã đầu tư 20 tỷ đồng để xây dựng và đưa vào sử dụng 7000m2 nhà xưởng khung thép khang trang. Đồng thời đầu tư nhập thiết bị, máy móc và đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất ván ép để làm ván sàn, ván trần, ván ốp tường và đóng các loại nội thất xuất ra thị trường chính trong nước: Hà Nội, Bình Dương và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc. Ban đầu, Công ty có chưa đến 20 lao động, thì nay đã lên đến 300 lao động, nhiều lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao”. Mạnh dạn đầu tư cơ sở nhà xưởng, máy móc, nâng cao tay nghề cho người lao động và tìm kiếm mở rộng thị trường, Công ty từng bước phát triển quy mô sản xuất; sản lượng sản xuất và doanh thu ngày một tăng. Riêng năm 2011, Công ty đã sản xuất 15.493 m3 gỗ thành phẩm, đạt doanh thu 43 tỷ đồng, trong đó doanh thu ngoại tệ hơn 1,1 triệu đô la, chiếm 50% tổng doanh thu. Những tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh khó khăn chung, Công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, hết tháng 7 doanh thu đạt gần 22 tỷ đồng. Đến giữa tháng 8/2012, công ty đã sản xuất tổng cộng trên 25.000m3 gỗ thành phẩm và trên 2.500 tấn gỗ dăm, nâng tổng doanh thu trong 4 năm đạt 90 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng.
Ngoài nguồn nguyên liệu thu mua từ các hộ dân trồng rừng trên địa bàn huyện và các vùng lân cận như Lục Nam, Yên Thế (Bắc Giang), để đảm bảo và chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu đầu vào, Công ty đã xây dựng dự án trồng rừng tại một số huyện khác trong tỉnh và đã được tỉnh phê duyệt. Tính đến thời điểm này, Công ty đã đầu tư trên 50 tỷ đồng cho việc trồng rừng, khai thác và quản lý 4.500 ha đất rừng chủ yếu là bạch đàn và thông. Trong đó, khoảng 1.500 ha thông tại huyện Đình Lập, 1.100 ha bạch đàn tại huyện Hữu Lũng và gần 2.000 ha rừng phòng hộ. Tính trung bình hàng năm, Công ty triển khai trồng mới từ 200 – 300 ha rừng với chu kỳ khép kín từ khâu chăm sóc, bảo vệ, đến khai thác, chế biến, qua đó việc sản xuất, kinh doanh của Công ty luôn được duy trì ổn định.
Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đạt được những kết quả nhất định, song Công ty CP lâm sản Thịnh Lộc cũng đang gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Giám đốc điều hành, hiện nay Công ty đang ưu tiên tập trung giải quyết vấn đề về vốn, trong đó rất cần vốn vay để tiếp tục phục vụ đầu tư cho lĩnh vực trồng rừng, do trong những năm qua công ty đã đầu từ khá nhiều cho công tác trồng rừng mà trồng rừng thì đòi hỏi đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm. Tình trạng khó khăn về vốn cũng một phần do về tài sản thế chấp của công ty chưa đủ điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn từ phía ngân hàng. Cùng với việc tìm kiếm nguồn để tiếp tục đâu tư cho trồng rừng thì việc đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng, đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành cũng là vấn đề mà Công ty đang tập trung giải quyết để tiếp tục vươn lên.
Anh Dũng
Ý kiến ()