Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc: Xây dựng doanh nghiệp khoa học và công nghệ vì nông dân
LSO-Tăng cường phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện không chỉ là hướng đi của ngành khoa học, mà ngành công thương cũng rất chú trọng đến việc phát triển các loại hình doanh nghiệp này.
LSO-Tăng cường phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện không chỉ là hướng đi của ngành khoa học, mà ngành công thương cũng rất chú trọng đến việc phát triển các loại hình doanh nghiệp này. Tuy vậy, ở Lạng Sơn hiện nay doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KH&CN mới chỉ có một – đó là Công ty Cổ phần (CP) Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc.
Nhân giống hoa địa lan tại Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc |
Tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết, hoạt động chính của doanh nghiệp KH&CN là thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Trong mấy năm qua chỉ có Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc là mạnh dạn nộp hồ sơ đăng ký xin chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN. Sau khi xem xét về ngành nghề và tiềm lực của đơn vị, đến ngày 26/6/2012, Sở KH&CN đã cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ” cho Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc (số 01/2012/ DNKHCN) với các lĩnh vực hoạt động như: nhân và chăm sóc cây giống, sản xuất, bán các loại hạt giống, cây giống nông, lâm nghiệp; nghiên cứu và phát triển thực nghiệm khoa học tự nhiên và kỹ thuật kiểm nghiệm giống mới; xây dựng mô hình kinh doanh giống tốt, nghiên cứu, tuyển chọn, cải thiện giống thực vật, động vật rừng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống.
Qua Sở KH&CN Lạng Sơn, tôi có dịp tham quan khu vực vườn ươm của Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc, thật bất ngờ khi được biết, một số loại cây rau rừng được người tiêu dùng coi như loại rau đặc sản của xứ Lạng như: bò khai, cây mắc niễng, dền rừng, rau sam, rau má rừng, rau đắng cảy…, mấy năm trước công ty đã cất công sưu tầm, bảo vệ để đến nay có thể nhân giống để bán cho bà con nông dân trồng. Ngoài rau rừng, một số cây dược liệu quý chỉ có thể tìm thấy ở trong rừng như: cây lôi công đằng, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, ba kích, kim tuyến, hoài sơn, huyết đằng, huyết giác, pác cọp, dây đau xương, mã hồ, ngũ vị tử nam, giảo cổ lam… cũng đã được công ty nhân giống thành công ngay trong vườn của công ty. Để phục vụ chăn nuôi, công ty có cả một bộ sưu tầm rất nhiều giống cỏ cho năng suất cao như cỏ voi, cỏ voi tím, cỏ VA06, cỏ CR1 (chịu rét), cỏ ghi nê, cỏ sậy, cỏ lá lạc (phủ đất), cỏ khổng lồ, cỏ Flimegia… Việc làm tưởng như vô nghĩa của các cán bộ, kỹ sư Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc ngày nào hiện đã góp phần lưu giữ nguồn gen các loại cây, hoa quý để có thể cung cấp rộng rãi giống cho bà con nông dân có nhu cầu trồng.
Để từng bước đáp ứng được nhu cầu xã hội ngày càng cao, dựa trên những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành sinh học, công ty đã đầu tư, nghiên cứu sản xuất giống vô tính có chất lượng cao, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm. Công ty đã nhân giống vô tính thành công các loại cây lâm sản ngoài gỗ như: cây trám ghép, cây hồi ghép, cây sấu ghép; các loại cây gỗ quý như: hoàng đàn Hữu Liên, nghiến, pơmu, bách xanh; tập đoàn cây lấy gỗ mọc nhanh như: sồi, dổi, sau sau Lào, cáng lò… “Tỉnh Lạng Sơn có hơn 80% diện tích là rừng và đất rừng, vì thế không có lý gì bà con nông dân trên địa bàn lại không thể phát huy thế mạnh này và làm giàu từ rừng…”, kỹ sư Hoàng Lê Minh, nguyên Giám đốc Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc nói vậy. Có lẽ với chính cái lý này, trong nhiều năm qua, các cán bộ, kỹ sư của công ty đã nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ và phát triển thành công một số loại cây cho chất lượng gỗ rất tốt.
Không chỉ cây lấy gỗ, Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc cũng đã nghiên cứu rõ được đặc tính di truyền của một số loại cây ăn quả đặc sản như: cam, chanh, quýt, bưởi, phật thủ… Từ đó, đơn vị đã ghép thành công các giống cây ăn quả trên tất cả những thân cây giống khác nhau và đều cho năng suất quả rất cao. Ngoài ra, hiện tại công ty đã nghiên cứu và chăn nuôi thành công một số loài thú quý hiếm như khỉ, lợn rừng, nhím, gà quí phi, gà sáu ngón, gà tè. Việc chăn nuôi rất khoa học để vừa lưu giữ nguồn gen, vừa cung cấp giống gia súc, gia cầm đặc sản cho người chăn nuôi. Để từng bước đáp ứng được nhu cầu xã hội ngày càng cao, dựa trên những tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiện nay, Công ty đang tham gia nghiên cứu hàng loạt đề tài: Nghiên cứu nhân giống bách vàng Hà Giang, kim giao Tràng Định, chọn tạo xây dựng mô hình cây gỗ lớn mọc nhanh để thay thế cây thông Mã Vĩ, liên kết với Công ty Cổ phần Traphaco nghiên cứu xây dựng vùng chuyên canh cây làm thuốc, các loại rau rừng đặc sản, xây dựng mô hình trồng rau an toàn, tư vấn chuyển giao kỹ thuật xây dựng trang trại cho các hộ nông dân, tham gia các gian hàng triển lãm techmart, hội chợ thương mại… được các ngành và đông đảo bà con đánh giá cao về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cây lâm nghiệp. Bà con nông dân nếu ai vẫn còn đang loay hoay chưa biết nên nuôi con gì, trồng cây gì thì nên dành thời gian đến thăm Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc. Tại Công ty còn có sẵn một gian hàng cung cấp các vật tư phục vụ cho công việc trồng trọt và chăn nuôi của các hộ nông dân. Thực tế, đã có nhiều bà con nông dân sau khi đến với công ty đã gặt hái được nhiều thành quả về kinh tế.
Theo thống kê mới nhất của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học – Bộ KH&CN, trên toàn quốc hiện có 2.000 doanh nghiệp KH&CN, tuy vậy, Lạng Sơn mới chỉ có 1 doanh nghiệp. Thực tế này cho thấy, nền sản xuất công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao tại tỉnh vẫn chưa phát triển. Hy vọng, câu chuyện một công ty dám làm KH&CN như Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc sẽ đánh thức “giấc ngủ đông” của một số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trên địa bàn.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()