Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn: Phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
(LSO) – Sau hơn 2 năm hoạt động, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản của Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn (khu đô thị Phú Lộc III, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) đã từng bước mở rộng tại một số huyện trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị chuỗi sản xuất, đảm bảo cung ứng nguồn giống chất lượng và bao tiêu đầu ra ổn định cho khoai tây cùng một số nông sản khác.
Năm 2018, khi giá khoai tây trên địa bàn tỉnh thấp (2.000 đồng đến 2.500 đồng/kg), công ty đã liên kết thu mua với mức giá 5.000 đồng/kg. Từ việc liên kết thu mua, đến vụ đông xuân 2019-2020, công ty đã phát triển thành mô hình chuỗi giá trị sản xuất khoai tây thương phẩm. Theo đó, công ty đã liên kết với một số hợp tác xã, tổ sản xuất để cung ứng giống, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật gieo trồng, đồng thời thu mua khoai tây theo giá thị trường.
Vụ đông xuân vừa qua, công ty đã liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây tại xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng với diện tích 25 ha. Tại đây, công ty đã phối hợp với chính quyền xã triển khai 2 mô hình: mô hình giảm nghèo do xã mua giống từ công ty để cung cấp cho hộ nghèo và mô hình do công ty đầu tư giống cho người dân. Cuối vụ, công ty đã thu mua khoai tây cho người dân với mức giá thấp nhất là 9.000 đồng/kg.
Người dân xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc bán khoai tây cho Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn
Bà Triệu Thị Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc cho biết: Năm 2017, 2018, khi giá khoai tây thấp (khoảng 2.500 đồng/kg), nhiều hộ gia đình đã bỏ đất trồng màu, nông dân lo lắng về đầu ra cho sản phẩm khoai tây. Vào vụ đông xuân 2019 – 2020, việc liên kết với Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn đã góp phần đảm bảo nguồn giống chất lượng, cam kết đầu ra ổn định để bà con yên tâm sản xuất. Năm vừa qua, khoai tây được giá, công ty đã thu mua mức trung bình 9.000 đồng (có thời điểm đạt 11.000 đồng/kg). Từ mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Thời gian tới, Hợp tác xã dịch vụ và thương mại nông nghiệp Bằng Mạc sẽ tiếp tục phối hợp với công ty phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây. Đồng thời, thí điểm thêm mô hình trồng khoai lang với diện tích dự kiến là hơn 20 ha.
Ngoài Bằng Mạc, thời gian qua, công ty đã liên kết sản xuất được 150 ha khoai tây tại 10 xã thuộc các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng. Công ty đã phối hợp với chính quyền các xã, hợp tác xã để hợp đồng, cam kết với người dân, đảm bảo hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ khoai tây ổn định, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Trong vụ đông xuân vừa qua, công ty đã thu mua hơn 200 tấn với mức giá từ dao động từ 8.000 đồng đến 9.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Khương, Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nguyễn Lạng Sơn cho biết: Xuất phát từ việc nông dân gặp khó khăn khi tìm đầu ra, giá cả thị trường bấp bênh, không ổn định, công ty đã thành lập chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây thương phẩm. Ngoài việc quan tâm hỗ trợ giống và các vật tư nông nghiệp, kỹ thuật, việc bao tiêu sản phẩm của công ty được thực hiện một cách linh hoạt. Cụ thể, khi liên kết sản xuất với các xã hay hợp tác xã, công ty đều có cam kết bảo lãnh ngân hàng, đảm bảo thu mua sản phẩm cho người dân sau thu hoạch. Đồng thời, giá thu mua của công ty linh động theo mức giá thị trường, ví dụ như vụ khoai tây vừa qua, công ty đã thu mua mức giá trung bình 8.500 đồng/kg, mức giá đảm bảo lợi nhuận để nông dân yên tâm tái sản xuất.
Từ hiệu quả mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ khoai tây, tháng 3/2020, công ty đã phát triển thêm mô hình trồng gừng với quy mô hơn 10 ha tại các xã Xuân Long và Tân Thành, huyện Cao Lộc. Được biết, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục phát triển mô hình liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ khoai tây, khoai lang, gừng với diện tích hơn 200 ha tại 5 huyện đã thực hiện và mở rộng thêm tại một số huyện khác như: Văn Lãng, Tràng Định, Văn Quan.
Ý kiến ()