Công trình dân sinh thắm tình đồn – xã: Tăng cường tình đoàn kết quân dân
– Với phương châm “hướng về cơ sở để giúp dân”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn chủ động khắc phục khó khăn, kiên trì, gần dân, bám bản, tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở để triển khai, thực hiện mô hình, chương trình giúp đỡ bà con ở khu vực biên giới xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
BĐBP tỉnh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 231,74 km đường biên giới quốc gia và phụ trách địa bàn 21 xã, thị trấn thuộc 5 huyện biên giới của tỉnh. Thời gian qua, một trong những việc làm tiêu biểu của BĐBP trong thực hiện mô hình “Công trình dân sinh thắm tình đồn – xã” được cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân ghi nhận, đánh giá cao đó là hỗ trợ người dân trồng cây Trà Hoa Vàng tại xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc do Đồn Biên phòng Ba Sơn tổ chức thực hiện.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh và dân quân giúp dân thu hoạch, vận chuyển nông sản
Đồn Biên phòng Ba Sơn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia dài hơn 41 km và phụ trách địa bàn 3 xã: Cao Lâu, Xuất Lễ và Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc). Với đặc điểm vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, đời sống người dân trên địa bàn do đồn phụ trách còn nhiều khó khăn, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn đã họp bàn, thống nhất tìm hướng đi mới để giúp đồng bào dân tộc Dao ở xã Mẫu Sơn có điều kiện để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Lương Văn Lan, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc cho biết: Năm 2021, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Mẫu Sơn tổ chức khảo sát thực tế khu vực xã Mẫu Sơn cho thấy khí hậu, đất đai đây phù hợp với điều kiện để cây Trà Hoa Vàng sinh trưởng, phát triển. Từ đó, đồn đã hỗ trợ bà con cây Trà Hoa Vàng trồng thí điểm và thấy cây phát triển rất tốt, do vậy đến nay đồn đã mua 8.800 cây giống Trà Hoa Vàng, trị giá hơn 220 triệu đồng tặng cho 88 hộ đặc biệt khó khăn của xã Mẫu Sơn. Hiện nay, số cây đã trồng đang phát triển tốt, người dân rất vui mừng và phấn khởi, hứa hẹn có thêm thu nhập, nâng cao đời sống trong những năm tới.
Mục đích của mô hình “Công trình dân sinh thắm tình đồn – xã” nhằm góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo đời sống dân sinh, xây dựng nông thôn mới, tăng cường mối đoàn kết máu thịt quân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Căn cứ vào tình hình địa bàn, quán triệt, thực hiện nghị quyết, kế hoạch của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và chức năng, nhiệm vụ của mình, các đồn biên phòng đã trực tiếp tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn biên giới xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.
Thiếu tá Doãn Đức Giang, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Hình cho biết: Đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 22 km đường biên giới quốc gia và phụ trách địa bàn 3 xã: Thanh Long, Thụy Hùng và Trùng Khánh (huyện Văn Lãng). Những năm qua, đồn đã tham mưu, phối hợp với chính quyền các xã triển khai, thực hiện hiệu quả mô hình “Công trình dân sinh thắm tình đồn – xã”. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia làm được khoảng 300 m đường giao thông nông thôn ở xã Thanh Long; phối hợp với các đoàn thể trao tặng 1.000 cây bạch đàn giống cho 2 hộ dân ở xã Thanh Long trồng để phát triển kinh tế…
Bằng những việc làm cụ thể, từ năm 2018 đến nay, các đồn biên phòng đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn biên giới tổ chức triển khai, xây dựng được 332 công trình, phần việc với tổng trị giá hơn 8,4 tỷ đồng. Cụ thể: xây 13 nhà ở cho các gia đình chính sách, 99 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình; làm 4 công trình thắp sáng đường thôn, 1 cầu dân sinh, 1 ngầm qua suối, 1 công trình nước sạch; 1 khu vui chơi cho trẻ em, 1 vườn thuốc nam; sửa chữa 8 nhà văn hóa, 4 phòng học; làm gần 29 km đường bê tông nông thôn, đổ 1.572 m2 sân bê tông trường học và nạo vét 2,5 km kênh mương thủy lợi… Những phần việc thiết thực giúp dân phát triển kinh tế, xã hội thực sự đã trở thành những “cầu nối” góp phần tô thắm, thắt chặt tình cảm gắn bó mối quan hệ đoàn kết máu thịt giữa BĐBP với bà con các dân tộc biên giới.
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: BĐBP tỉnh đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những mô hình, cách làm hay, phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, nổi bật là mô hình “Công trình dân sinh, thắm tình đồn xã”. Nhờ đó, góp phần xây dựng thế trận lòng dân ở địa bàn biên giới ngày càng vững chắc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc trong tình hình mới.
Ý kiến ()