Công tác xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương
Ngày 10-7 tại TP Ðà Nẵng, Ban Tuyên giáo T.Ư, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật và Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành, các tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên.
Ngày 10-7 tại TP Ðà Nẵng, Ban Tuyên giáo T.Ư, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật và Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành, các tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên.
Hội nghị đã đánh giá thực trạng công tác xuất bản sách lịch sử đảng bộ theo Chỉ thị (số 15-CT/T.Ư ngày 28-8-2002) của Ban Bí thư T.Ư Ðảng về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Ðảng cộng sản Việt Nam; công tác phối, kết hợp giữa các đảng bộ địa phương, ngành với cơ quan nghiên cứu lịch sử Ðảng; phân tích các nguyên nhân, hạn chế và đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành trong thời gian tới.
Từ năm 2002 đến nay, cả nước đã xuất bản hơn 730 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các ban, ngành tỉnh, thành phố; 780 công trình lịch sử đảng bộ cấp quận, huyện, thị xã và hơn 2.300 cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cấp xã, phường, thị trấn. Trong đó khu vực miền trung, Tây Nguyên đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều địa phương làm tốt như Ðà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Bình, Nghệ An… Tuy nhiên, công tác xuất bản vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng sách lịch sử đảng bộ địa phương được biên tập, xuất bản tại NXB Chính trị quốc gia-Sự thật còn ít.
Nghiên cứu quan điểm của Ðảng về văn học, nghệ thuật
Ngày 10-7, tại TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức lớp nghiên cứu “Quan điểm của Ðảng về văn học, nghệ thuật và hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật” với sự tham gia của gần 200 học viên đến từ 35 tỉnh, thành phố khu vực phía nam.
Lớp nghiên cứu nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thực hành cho các học viên trong công tác tư tưởng, tuyên truyền văn nghệ trên báo chí trong thời kỳ mới; củng cố sự hiểu biết có tính hệ thống về quan điểm, đường lối văn hóa, văn nghệ của Ðảng và tình hình phê bình văn học, nghệ thuật ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay; trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng thực hành viết bài phê bình văn học, nghệ thuật. Theo đó, các học viên được học các chuyên đề: đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của nhà nước về văn hóa, văn nghệ; nâng cao kỹ năng thực hành trong hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật; chống các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; công tác tư tưởng – văn hóa trong tình hình mới…
Lớp tập huấn sẽ bế giảng và trao chứng chỉ ngày 13-7.
Triển lãm Mỹ thuật “Tuyến Hậu cần chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”
Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Ngành Hậu cần Quân đội (11-7-1950 – 11-7-2013), sáng 10-7, tại Hà Nội, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật “Tuyến Hậu cần chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, của họa sĩ Nguyễn Ðức Dụ.
150 bức ký họa, 15 tranh sơn dầu trưng bày tại triển lãm của Họa sĩ Nguyễn Ðức Dụ, nguyên là chiến sĩ Trường Sơn đã phản ánh nội dung sinh động, hấp dẫn, hoạt động của ngành Hậu cần Quân đội trên tuyến hậu cần chiến lược Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh; hoạt động của các đơn vị, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngày đêm bám trụ tại các trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt nhất ở Trường Sơn để đưa vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men… chi viện cho chiến trường miền nam. Triển lãm mở cửa từ ngày 10-7 đến 10-8-2013, tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam ở xã Mỹ Ðình, Từ Liêm (Hà Nội).
Thành lập Lữ đoàn Thông tin 21
Sáng 10-7, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) (Bộ Quốc phòng) tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng tổ chức lại Trung đoàn Thông tin 21, thành Lữ đoàn Thông tin 21.
Lữ đoàn Thông tin 21, tiền thân là Phân đội thông tin, được tổ chức ngay từ khi thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BÐBP – ngày 3-3-1959). Năm 1997, đơn vị được nâng cấp lên Trung đoàn thông tin 21. Trải qua gần 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh đến các tỉnh, thành phố, hải đoàn, đơn vị, nhà trường biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ…
Tổ chức lại Trung đoàn Thông tin 21 thành Lữ đoàn Thông tin 21, nhằm bảo đảm tốt thông tin liên lạc của lực lượng BÐBP thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tham gia phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến biên giới, biển, đảo của Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()