Thứ 7, 23/11/2024 07:31 [(GMT +7)]
Công tác xét xử tội phạm mua bán người
Thứ 6, 16/04/2010 | 09:30:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Từ năm 2004-2009, các cơ quan chức năng của tỉnh đã khởi tố 88 vụ 136 bị can về tội mua bán người. Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 87 vụ 135 bị can. Viện kiểm sát truy tố 87 vụ 135 bị can. Toà án xét xử 82 vụ 144 bị cáo (BC) với mức án: đến 3 năm tù: 7 BC; đến 7 năm tù: 72 BC; đến 15 năm tù: 52 BC; đến 20 năm tù: 13 BC.
Trong quá trình giải quyết các vụ án về tội mua bán phụ nữ, nay Bộ luật Hình sự sửa đổi gọi là tội mua bán người theo Điều 119, tội mua bán trẻ em theo Điều 120 cho thấy: Đa số người bị hại (NBH) có trình độ văn hoá thấp, từ 16 đến 24 tuổi, ở vùng sâu, vùng xa, thiếu vốn sống để phòng ngừa trước các thủ đoạn của kẻ phạm tội. Một số vụ án, (BC) xuất phát từ NBH, họ cũng đã bị lừa bán sang biên giới hành nghề mại dâm, sau khi trở về địa phương, vì hám lợi họ lại thực hiện hành vi phạm tội. Con đường chủ yếu để họ vượt biên là các đường mòn dọc biên giới. Công tác quản lý con cái ở vùng sâu, vùng xa còn lỏng lẻo, điều kiện gia đình khó khăn, nghỉ học sớm, không việc làm. Lợi dụng yếu tố này, các BC thường xuyên dùng những thủ đoạn như: yêu đương; rủ đi chơi, đi tìm việc làm với mức thu nhập cao. Các vụ án được phát hiện chủ yếu là do NBH sau khi bị bán trốn về, làm đơn tố cáo; người thân (bố, mẹ, anh, chị ruột…) làm đơn tố giác với chính quyền; bộ đội biên phòng phát hiện bắt quả tang, giam giữ các đối tượng để khai thác, làm rõ và khởi tố vụ án.
Trong tổng số các vụ án đã xét xử, rất nhiều vụ án bị hoãn do vắng mặt NBH, đại diện hợp pháp của NBH. Cùng với đó, công tác xét xử lưu động đối với loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn là do: NBH không muốn đến phiên toà vì sợ dư luận xã hội và sự kỳ thị của những người xung quanh nên ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền thông qua các phiên toà lưu động. Về kinh tế, họ không có đủ kinh phí đến cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc tham gia phiên toà lưu động. Sau khi trở về họ lại rời nhà đi tìm việc làm ở nơi khác rất khó liên hệ. Nhiều trường hợp, chính quyền địa phương cũng không thể xác định hiện tại NBH chuyển đi đâu hoặc cư trú ở đâu. Để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của NBH, những bản án đã tuyên buộc các BC phải bồi thường dân sự cho NBH theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phần lớn các BC không còn đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ về dân sự đối với NBH. Các vụ án xét xử về tội mua bán người, thông thường NBH không có điều kiện mời luật sư nên ít nhiều ảnh hưởng đến các điều kiện đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho mình…
Từ thực tiễn xét xử các vụ án về tội mua bán người trong thời gian qua cho thấy: để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ mua bán người xảy ra trên địa bàn và để các phiên toà xét xử tội phạm mua bán người phát huy ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của NBH, răn đe kẻ phạm tội, đề nghị nhà nước hỗ trợ về mặt tài chính giúp NBH có điều kiện tham dự các phiên toà cũng như việc triệu tập của các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, cần có một cơ chế đảm bảo quyền lợi cho NBH tái hoà nhập với cộng đồng xã hội, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống, tạo điều kiện cho họ có việc làm bằng sức lao động của mình. Công tác tuyên truyền cần thực chất, tập trung vào vùng sâu, vùng xa, nơi ít có điều kiện am hiểu về pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, tôn vinh giá trị, lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam . Các cơ quan hữu quan cần có biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát hiệu quả những đường mòn giáp biên. Xây dựng chương trình hỗ trợ tư pháp, thường xuyên mở lớp tập huấn tới Hội Phụ nữ các cấp để mọi thành viên của hội cũng như từng gia đình tự trang bị cho mình kiến thức để bảo vệ bản thân, đặc biệt là đối với các em gái.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()