LSO-Đến nay, toàn huyện Bắc Sơn có 6 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS. Có được kết quả trên, Bắc Sơn đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn trong nhiều năm qua và ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giáo dục.
Hiện nay, huyện Bắc Sơn đang duy trì tốt kết quả phổ cập GD tiểu học – chống mù chữ của 20/20 xã, thị trấn; 19/20 xã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Không thỏa mãn với những gì đạt được, huyện luôn cố gắng duy trì và phát triển thành tích trên. Thông qua các cuộc họp của thôn, làng, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể đã quán triệt các văn bản pháp quy về công tác chống mù chữ, phổ cập GD tiểu học, THCS và “Xây dựng xã hội học tập” gắn vào các chỉ tiêu thi đua của công tác Đảng, chính quyền để các cấp, các ngành nhận thức được trách nhiệm, từ đó vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của để xây dựng và tu sửa cơ sở vật chất trường học trên địa bàn, giúp đỡ và tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Song song với công tác tuyên truyền, huyện đã chỉ đạo ngành GD & ĐT huyện xây dựng kế hoạch cụ thể về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy đều được huyện quan tâm thường xuyên, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ theo hướng chuẩn hóa. Theo thống kê của phòng GD & ĐT huyện Bắc Sơn, toàn ngành GD huyện có 1286 người, trong đó có 1049 giáo viên giảng dạy trực tiếp trên các cấp học. Trong đó, có 215 giáo viên có trình độ đại học, 444 giáo viên có trình độ cao đẳng. Riêng năm học 2009 – 2010, đã cử 27 giáo viên đi học bồi dưỡng để nâng chuẩn.
|
Hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh, trường THCS chuẩn quốc gia ở Bắc Sơn |
Trong tiêu chí để trường đạt chuẩn quốc gia, ngoài chất lượng dạy và học còn xét đến điều kiện trường, lớp học. Đây là một mặt hạn chế đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Bắc Sơn. Đến nay, toàn huyện có 648 phòng học, trong đó có 325 phòng học kiên cố, còn 133 phòng học tạm và học nhờ. Nhà công vụ cho giáo viên có 152 phòng, riêng năm học trước xây mới được 22 phòng theo dự án kiên cố hóa năm 2008 và đang tiếp tục triển khai xây dựng 100 phòng học và 20 nhà công vụ của dự án năm 2009. Khắc phục khó khăn trước mắt, ngành GD & ĐT huyện lấy tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước làm nòng cốt để công tác công tác xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả. Nhờ đó mà chính quyền từ huyện đến cơ sở và mọi tổ chức, cá nhân đã có sự quan tâm đến công tác giáo dục. Dự kiến trong năm 2010 có 19/20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có đầy đủ trường của 3 cấp học; đầu tư 238 máy vi tính, 17 máy chiếu với 6 phòng máy, 43/48 trường có kết nối Internet để phục vụ công tác văn phòng và giảng dạy.
Những cố gắng của ngành GD & ĐT huyện tuy chưa mang lại hiệu quả như mong muốn nhưng đã cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân toàn huyện đến chất lượng giáo dục. Vì thế, kết quả năm học 2009 – 2010 cho thấy, ở bậc học mầm non có 93,7% trẻ đạt kênh A, trẻ đạt kênh B chiếm 6,3%; Ở bậc học tiểu học: 65,6% HS học lực khá – giỏi môn Tiếng Việt; 62,6% HS học lực khá – giỏi môn Toán, hạnh kiểm khá giỏi đạt 49,1%. Ở bậc học THCS, học lực khá – giỏi chiếm 38,08%, hạnh kiểm tốt – khá đạt 94,3%; tỉ lệ lên lớp cấp tiểu học là 97,2%, cấp THCS là 97,6%. Vấn đề giáo dục dân tộc được quan tâm, 96,5% HS vào học lớp 6, huy động phần lớn HS bỏ học đi học trở lại…
Theo ông Bùi Vinh Hoa, Trưởng phòng GD & ĐT huyện cho biết, theo kế hoạch, trong 5 năm tới, ngành đăng ký mỗi năm ít nhất có 1 trường trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia, góp phần thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng, hoàn thành kế hoạch phát triển giáo dục trên cơ sở chỉ đạo từng nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trên lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia là việc thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cũng như chất lượng HS. Hiện nay, huyện còn 20,5% phòng học chưa kiên cố, nhiều trường học chưa đảm bảo phương tiện, thiết bị dạy học, diện tích sân chơi. Tại những vùng sâu, vùng địa hình chia cắt, HS phải đi học xa nhà hàng chục km, một bộ phận cha mẹ chưa quan tâm nên còn tồn tại việc HS chưa chuyên cần… Để giải quyết được tình trạng này, ngành rất mong sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp ủy, chính quyền, sự đóng góp và đồng thuận từ phía người dân trên địa bàn, góp phần làm cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Bắc Sơn nói riêng, sự nghiệp giáo dục của toàn huyện nói chung có được những kết quả cao và bền vững.
Ý kiến ()