Công tác xây dựng pháp luật được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt
Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, hệ thống pháp luật của Việt Nam không ngừng hoàn thiện và phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực.
Quang cảnh phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Trong tháng Tư này, công tác xây dựng pháp luật đã được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật, ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành Phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến về 3 dự án luật nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 mà dư luận đang hết sức quan tâm là: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Những hoạt động này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 27-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới,” được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Không ngừng hoàn thiện
Đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam là Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (ngày 24/5/2005).
Nghị quyết nhằm mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đổi mới căn bản công tác xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, hệ thống pháp luật của Việt Nam không ngừng hoàn thiện và phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực.
Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, mà còn bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị nói chung, của Chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước nói riêng được xây dựng đầy đủ và không ngừng hoàn thiện, đặc biệt sau khi Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 2013. Thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không ngừng được bổ sung, hoàn thiện.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. (Ảnh: Minh Huệ/TTXVN)
Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được quy định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013. Nguyên tắc kiểm soát quyền lực được thể chế hóa, là cơ sở cho việc tiếp tục tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước được xác định rõ hơn và có những bước tiến mới. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được xác định rõ hơn. Vai trò của pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, trong quản lý xã hội ngày càng được đề cao.
Pháp luật về dân sự, kinh tế với trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện, phù hợp hơn với luật pháp, thông lệ quốc tế. Chế độ sở hữu ngày càng hoàn thiện, các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp phát triển đa dạng. Hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các cam kết quốc tế khác.
Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện và thông thoáng hơn; quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được bảo đảm hơn.
Năm 2016, Luật Điều ước quốc tế ra đời đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đối ngoại, đặc biệt là chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tạo khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước.
Chất lượng của hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; tính công khai, minh bạch từng bước được nâng lên. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành đều chú trọng, quan tâm hơn đến công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, một số nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhiều dự án luật có vòng đời ngắn.
Luật sư Lê Minh Trường, Giám đốc Công ty luật Minh Khuê (Hà Nội) cho rằng hiện nay, các quy định pháp luật của Việt Nam ngày càng nhiều về số lượng, phong phú đa dạng về lĩnh vực, phạm vi điều chỉnh nhưng công tác hệ thống hóa pháp luật chưa thực hiện được nhiều.
Khi pháp luật đã được đa dạng hóa thì một quan hệ xã hội có thể chịu sự điều chỉnh từ nhiều quy định pháp luật, do vậy cần làm rõ thứ tự ưu tiên áp dụng các quy định pháp luật; kịp thời phát hiện những điểm mâu thuẫn, chồng chéo và những lỗ hổng để khắc phục, làm cho hệ thống pháp luật trở nên hoàn thiện hơn. Cần đẩy mạnh hệ thống hoá pháp luật nhằm phục vụ các hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật một cách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả hơn.
Bảo đảm quyền con người, vì sự phát triển đất nước
Điều 2 của Hiến pháp 2013 khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả…
Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán.
Mục tiêu trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền…
Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nhằm mục tiêu cao nhất là bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển. Mục tiêu quan trọng nhất là hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân…/.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cong-tac-xay-dung-phap-luat-duoc-trien-khai-manh-me-quyet-liet/858706.vnp
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()