Cộng tác viên dân số vùng cao-những bước chân không mỏi
LSO-Sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi sinh sản của người dân vùng cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số- những người luôn ở vị trí xung kích của ngành dân số.
Phụ nữ xã vùng cao Mẫu Sơn (Lộc Bình) đăng ký chăm sóc SKSS và kế hoạch hóa gia đình |
Mùa hè, mới hơn 5 giờ sáng, con gà rừng đã cất tiếng gáy chào ngày mới và rủ nhau ra nương nhặt bới kiếm mồi; mặt trời đã nhô khỏi dãy núi phía đông, soi sáng sườn núi Mẫu. Chị Hoàng Thị Phương, CTV dân số thôn Nà Mìu (xã Mẫu Sơn-Lộc Bình) cũng dậy làm những công việc đầu tiên trong ngày và chuẩn bị ra Trạm y tế xã. Đối với chị, đây không chỉ là ngày để chị nắm tình hình của chị em trong thôn Nà Mìu đã thực hiện KHHGĐ mà còn là một dịp hiếm hoi để chị gặp gỡ những chị chưa có dịp thực hiện để động viên khích lệ họ chấp nhận các biện pháp tránh thai (BPTT).
Tâm sự với chúng tôi, chị nói: “Cách đây 1 tuần, nhân có cuộc họp thôn, em đã thông báo cho các hộ gia đình, chiều hôm trước, em lại gọi điện cho từng người nhắc lại công việc kẻo chị em quên”. Chị cho biết: thôn Nà Mìu có 31 hộ dân với 23 phụ nữ 15-49 có chồng nhưng mới có 10 người chấp nhận các BPTT. Dân số ít, song do các hộ gia đình thường sống rải rác trên các sườn núi, lại hay đi nương rẫy xa, nên những lần đi đến hộ thường không gặp được đối tượng cần gặp. Buổi họp thôn đông lắm cũng chỉ có đại diện 1/3 hộ gia đình, nhiều gia đình lại cử những cụ già hoặc các cháu đi họp, họ không nắm hết được nội dung cuộc họp, hoặc không hiểu đúng, hiểu kỹ vấn đề và về truyền đạt câu được câu chăng. Tuy vậy, do tất cả đều có điện thoại di động, nên mời gọi gì cũng dễ.
Khác với thôn Nà Mìu, thôn Khuổi Lầy gồm 18 hộ dân sống rải rác ven các sườn núi dọc đường lên khu du lịch Mẫu Sơn. Ông Triệu Sinh Phương, CTV dân số của thôn cho biết, đã 46 tuổi rồi nhưng cái chân vẫn còn mạnh, vẫn còn trèo núi, xuống khe đến với các hộ gia đình. Song khổ nỗi, mình là đàn ông nói đến chuyện sinh đẻ, chuyện tránh thai… cũng khó; nhưng mình lại có cách của riêng mình là nói chuyện với các ông chồng động viên vợ đi làm “kế hoạch”. Tuy vậy, cũng có người rất “khó bảo”, năm ngoái, đến một gia đình đã có 5 đứa con, mỗi đứa cách nhau năm một để vận động, chị ta giãy nảy lên: “Tao đẻ tao nuôi, có mượn mày nuôi đâu mà mày nói nhiều thế; trước đây mày cũng đẻ đến 4 đứa con đấy thôi”. Không nản chí, ông càng đến nhiều hơn, cũng lại mượn chính câu chuyện lạc hậu của mình để khuyên răn, động viên họ lựa chọn và thực hiện BPTT, vận động mãi vợ chồng họ cũng đồng ý.
Mẫu Sơn là xã thuần đồng bào Dao, có 8 thôn bản với 1231 nhân khẩu, toàn xã có 223 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng. Những năm trước đây, khi chính sách dân số chưa có sự tác động lớn đến địa phương, thì tình trạng tảo hôn, đẻ dày, đông con khá phổ biến theo tính chất “trời sinh voi ắt sinh cỏ”. Do có bài thuốc đặc biệt giúp phụ nữ nhanh hồi phục sau đẻ nên chị em cũng chẳng thèm quan tâm đến việc khám thai đúng kỳ, đẻ tại trạm hoặc đẻ có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Tuy vậy, cái sự nghèo của các gia đình, sự vất vả quá mức của người phụ nữ đã khiến các đợt truyền thông về dân số “trụ” lại được. Một vài người thực hiện tránh thai thấy khỏe mạnh, trẻ ra, đẹp ra, vừa làm được nhiều nương rẫy, lên khu du lịch Mẫu Sơn bán được nhiều đặc sản cho khách du lịch được các CTV lấy đó làm gương để nhân rộng. Đến nay, toàn xã đã có 124 chị áp dụng các BPTT, chiếm tỷ lệ 55,6%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong 6 tháng đầu năm 2014 đã giảm xuống còn dưới 15%.
Điều đặc biệt ở Mẫu Sơn là trong 8 CTV dân số thôn bản thì có tới 6 người là nam giới. Giải thích vấn đề này, anh Vi Trung Hiếu, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết, tuyên truyền dân số thường động chạm đến vấn đề “nhạy cảm”, riêng tư và thường không phải là “sở trường” của nam giới. Tuy vậy, do đặc điểm địa hình của địa phương, Mẫu Sơn rất cần đội ngũ CTV khỏe mạnh, ít “vướng víu” chuyện gia đình con cái để có thời gian đi đến từng hộ gia đình để vận động. Còn vận động cũng đơn giản, không cần phải quá khéo; đại để như: vợ chồng mày đẻ thế là nhiều rồi đấy, có thấy vất vả không? Thôi đừng đẻ nữa, trạm xá nó bảo có cái vòng đặt, cái thuốc uống hoặc tiêm tốt lắm, ra đó mà hỏi để thực hiện thôi…Chị Dương Mùi Nản, 30 tuổi, chị Hoàng Thị Tư 35 tuổi, thôn Khuổi Cấp đều nghe lời khuyên của CTV dân số mà đi thực hiện BPTT thành công; thấy vậy, chị Triệu A Múi 40 tuổi, thôn Nóc Mò đã có 3 con mà chưa áp dụng BPTT cũng thấy “lo lo”và đi đến trạm xá để được tư vấn áp dụng tránh thai.
Thêm 1 trường hợp áp dụng BPTT hiện đại, buổi giao ban, Trạm trưởng và cán bộ chuyên trách biểu dương, khen ngợi, đội ngũ CTV nam giới cũng thấy phấn khởi và thêm yêu “nghề”. Trao đổi với chúng tôi, chị Dương Thị Minh, Phó chủ tịch UBND xã- người đã có thâm niên 10 năm làm CTV dân số nói rằng, tuy tỷ lệ 55,6% áp dụng các BPTT vẫn còn thấp so với các đơn vị khác, nhưng nếu so với cách đây 10 năm và địa hình khó khăn ở Mẫu Sơn thì đây là sự nỗ lực lớn lao của những CTV- những người hàng ngày trên những lối mòn qua đèo cao dốc đứng để đưa chính sách dân số đến với từng gia đình, giúp họ có thêm nhận thức, thay đổi hành vi sinh sản để nâng cao chất lượng cuộc sống.
TRẦN KIM
Ý kiến ()