Công tác vệ sinh, y tế trường học: Kết quả và những khó khăn
LSO- Y tế trường học là một bộ phận quan trọng trong thiết chế giáo dục ở mỗi nhà trường. Những năm qua, công tác y tế trường học đã được quan tâm song vẫn còn đó những khó khăn cần phải khắc phục.
TĂNG CƯỜNG CƠ SỞ VẬT CHẤT
Được đầu tư xây dựng đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các nhà trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã dần hoàn thiện theo quy định về vệ sinh trường học theo Quyết định số 1221/QĐ-BYT, ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bước vào năm học 2014-2015, toàn ngành có 756 trường có nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn, 813 trường, điểm trường có cây xanh bóng mát, có 1.445 nhà vệ sinh cho học sinh và 848 nhà vệ sinh cho giáo viên theo tiêu chuẩn vệ sinh quy định. Điều đáng nói là không chỉ những trường được đầu tư đồng bộ mà nhiều trường, nhất là những trường khu vực nông thôn đã bằng các nguồn vốn khác nhau để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp để đáp ứng các điều kiện tối thiểu theo quy định như Trường THCS xã Kai Kinh (Hữu Lũng) đã sử dụng nước giếng khơi qua máy lọc để đảm bảo nước sinh hoạt cho học sinh và xây dựng công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn; các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non đã đầu tư máy lọc nước để xử lý nước nguồn, đảm bảo an toàn cho học sinh…
Cán bộ y tế Trường THPT Việt Bắc kiểm tra sức khỏe cho học sinh
TĂNG CƯỜNG NHÂN LỰC CHO Y TẾ TRƯỜNG HỌC
Hình thành từ nhiều nguồn như tuyển dụng mới, hợp đồng nhân viên… đến năm học 2014-2015, toàn ngành GD&ĐT có 711 cán bộ y tế/729 trường học, đạt tỷ lệ 97,5%; trong đó có 469 cán bộ chuyên trách. Đây thực sự là vốn quý của ngành GD&ĐT vì trong nhiều năm phấn đấu, kiến nghị về biên chế và bổ sung biên chế, ngành mới có được đội ngũ này. Cho dù biên chế có hạn, nhưng khi loại hình bán trú ra đời và cấp học mầm non phát triển mạnh, ngành đã ưu tiên đặc biệt cho 2 loại hình này; đến nay, tất cả 86 trường phổ thông dân tộc bán trú, trên 200 trường mầm non đều đã tuyển dụng hoặc hợp đồng nhân viên y tế hoạt động ổn định. Họ không chỉ “giữ” mấy viên thuốc, ít dụng cụ sơ cứu, mà công việc của họ là tư vấn, giáo dục chăm lo sức khỏe, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường.
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng Phòng công tác HSSV- Sở GD&ĐT cho biết: những năm qua, cơ sở vật chất được tăng cường theo tiêu chuẩn vệ sinh trường học, đội ngũ cán bộ y tế trường học được bổ sung đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà trường chăm lo toàn diện về sức khỏe cho học sinh. Đó là kết quả của sự tham mưu sát, đúng của ngành GD&ĐT với UBND tỉnh; sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành GD&ĐT với ngành y tế, nhất là Trung tâm Y tế dự phòng, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Dân số/KHHGĐ và toàn hệ thống y tế từ tỉnh đến thôn bản trong việc đảm bảo sức khỏe học sinh, từ công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng, các bệnh mắt, phòng cong vẹo cột sống đến hạn chế được sự lây lan của bệnh sởi, tay-chân- miệng, thủy đậu, quai bị…; Phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
CÒN NHỮNG KHÓ KHĂN
Do thiếu kinh phí đầu tư nên tiến độ xây dựng phòng học mới trong 3 năm qua rất chậm chạp, trong khi đó, tốc độ thành lập trường mới khá nhanh, nếu năm học 2009-2010, toàn tỉnh mới có 635 trường thì năm học 2014-2015 đã là 729 trường. Vì vậy, nhiều trường vẫn trong tình trạng quá tải học sinh, phòng học chật hẹp, phòng vệ sinh chưa đúng tiêu chuẩn. Ngay trên địa bàn thành phố, Trường Mầm non 17/10 nằm trong khu phố chợ chật hẹp, học sinh không sân chơi, một lớp có trên 50 học sinh lớp 3 tuổi nhưng chỉ có 1 phòng vệ sinh… Trường Phổ thông dân tộc bán trú Bác Ái I (Tràng Định) chỉ có bếp tạm, nhà vệ sinh tạm, nơi ăn chốn ở của các cháu hết sức khó khăn. Báo cáo y tế tháng 5/2015 của ngành y tế cho biết, qua kiểm tra giám sát y tế tại 9 trường của huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn, có 4 trường xếp loại tốt, 1 trường xếp loại khá và 1 trường xếp loại đạt yêu cầu và vẫn còn 3 trường chưa đạt. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng của nhà trường chưa đạt theo Quy định 1221 của Bộ Y tế.
Bài, ảnh: MINH HỒNG
Ý kiến ()