Công tác tuyên truyền về dân số ở các xã vùng III: Còn đó những khó khăn
– Toàn tỉnh hiện có 200 xã, phường, thị trấn thì có 88 xã là khu vực III. Bên cạnh những khó khăn về cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế – xã hội thì công tác tuyên truyền chính sách dân số – kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) tại các xã vùng III vẫn còn nhiều trở ngại, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu DS-KHHGĐ đã đề ra.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Lương Năng, huyện Văn Quan tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho người dân
Những năm qua, đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số ở các xã vùng III đã nỗ lực tuyên truyền đến người dân về chính sách DS-KHHGĐ. Trung bình mỗi năm, CTV dân số ở xã vùng III đã thăm được trên 1.000 hộ dân, tuyên truyền cho trên 3.600 lượt người về tác động của việc sinh con thứ 3 đối với phát triển kinh tế gia đình; truyền thông tại các buổi họp thôn cho trên 150.000 lượt người nghe về chính sách DS-KHHGĐ; họp nhóm đối tượng được gần 900 buổi với 7.000 lượt người nghe về chăm sóc sức khỏe sinh sản… Dẫu vậy, việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ ở các xã vùng III vẫn còn nhiều khó khăn, khiến kết quả đạt được còn chưa đồng đều. Cụ thể số bà mẹ, trẻ em tham gia sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh ở các xã vùng III chỉ khoảng 30% (mặt bằng chung của toàn tỉnh là gần 50%). Toàn tỉnh có 55 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các xã, trong đó xã vùng III có câu lạc bộ chỉ chiếm khoảng 20%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở các xã vùng III còn cao, dao động từ 15 đến 30% (mặt bằng chung toàn tỉnh là 10%)…
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do hầu hết các xã vùng III có địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều khiến việc tuyên tuyền chính sách DS-KHHGĐ gặp nhiều khó khăn. Chị Hứa Thị Tấm, cán bộ chuyên trách dân số xã Liên Hội, huyện Văn Quan cho biết: Xã Liên Hội có 9 thôn, trong đó có 3 thôn ở sâu, xa có mật độ dân số khoảng 90 người/km2. Địa bàn rộng, dân cư thưa, đường đến các thôn còn khó khăn, nhất là ở khu vực thôn như Bản Nhang, Bản Thượng, Bản Hạ là một trở ngại lớn khiến chúng tôi khó tuyên truyền sâu rộng hơn đến người dân. Do đó gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu DS-KHHGĐ của toàn xã.
Cũng như ở xã Liên Hội, các CTV dân số xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động, nhất là ở các thôn đặc biệt khó khăn như Nà Kéo, Pá Ó, Lân Cà 1, Lân Cà 2, Lân Hoèn… Tại các thôn này, địa bàn sinh sống của người dân chủ yếu là đồi núi thấp, mỗi thôn chỉ có khoảng 70 hộ dân nhưng khoảng cách giữa 2 hộ dân có khi là cả một quả đồi. Vì vậy, việc tuyên truyền chưa được thường xuyên, hiệu quả đạt được còn thấp. Hằng năm, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ đạt khoảng 70%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã những năm gần đây dao động từ 15 đến 25%.
Một nguyên nhân nữa là do nhận thức của một số bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, người dân còn có tư tưởng sinh nhiều con để tăng nhân lực lao động; gia đình phải “có nếp, có tẻ”… Vì vậy, nhiều gia đình vẫn đẻ nhiều con dù đã được tuyên truyền, vận động. Ông Hoàng Văn Tuyến, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm y tế huyện Lộc Bình cho biết: Huyện Lộc Bình hiện có 21 xã, trong đó có 12 xã vùng III. So với các xã vùng I, vùng II, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở các xã vùng III còn rất cao, dao động từ 15 đến 30%/năm. Trong khi đó tỷ lệ chung toàn huyện năm 2018 là 14,2%, năm 2021 giảm còn 5,7%, 6 tháng đầu năm 2022 là 5,5%. Nguyên nhân không chỉ do địa hình rộng, giao thông đi lại khó khăn và còn do nhận thức của người dân về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ còn hạn chế so với người dân ở các xã vùng ngoài hoặc ở thị trấn.
Trước thực trạng trên, để công tác DS-KHHGĐ ở các xã vùng III có được những chuyển biến tích cực, thời gian tới, ngành dân số đã đề ra một số giải pháp khắc phục. Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền ở các xã III quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn trong việc thực hiện chính sách dân số tại địa phương; phát huy vai trò của trưởng thôn, người có uy tín để thay đổi, xoá bỏ các quan niệm lạc hậu về DS-KHHGĐ; chỉ đạo đội ngũ làm dân số đa dạng hình thức tuyên truyền, ưu tiên tuyên truyền đến người dân ở các vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh xã hội hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản tại các xã vùng III…
Việc thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ ở các xã vùng III là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, để góp phần thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới, nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, ngành dân số cần tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa các chỉ tiêu DS-KHHGĐ tại địa bàn các xã vùng III của tỉnh.
DƯƠNG KIM
Ý kiến ()