Thứ 4, 25/12/2024 01:14 [(GMT +7)]
Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về
Thứ 3, 20/04/2010 | 08:43:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Lạng Sơn có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn láng giềng Trung Quốc dài trên 250 km, những năm qua, tình hình phụ nữ Việt Nam (PNVN) bị lừa bán sang Trung Quốc, bị ép làm gái mại dâm, lấy chồng…diễn ra phức tạp với số lượng khá lớn do nhiều nguyên nhân, động cơ khác nhau nên hầu hết các nạn nhân đều tìm cách chạy trốn hoặc nhờ lực lượng chức năng Trung Quốc giải cứu để trở về gia đình.
Từ thực tế trên, các lực lượng chức năng Việt Nam-Trung Quốc (công an, bộ đội biên phòng (BĐBP)) đã tiến hành gặp gỡ, trao đổi, cùng phối hợp phòng, chống tội phạm (PCTP) buôn bán người, giải cứu nạn nhân từng bước có hiệu quả.
Thực hiện kế hoạch của Bộ Tư lệnh BĐBP và Tiểu Ban chỉ đạo phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em (PN&TE) tỉnh, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động PCTP buôn bán PN&TE từ năm 2004-2010; kế hoạch từng năm và mở đợt cao điểm PCTP buôn bán PN&TE; chỉ đạo các đồn biên phòng (ĐBP) chủ động nắm tình hình, thu thập tin tức, tài liệu có liên quan đến hoạt động của loại tội phạm này, bổ sung hồ sơ điều tra, khảo sát tình hình buôn bán PN&TE định kỳ. Đồng thời, thực hiện đúng quy định trong quy trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về.
Nhộn nhịp khách du lịch qua cửa khẩu Hữu Nghị – Ảnh: M.V. H |
Từ năm 2004 đến nay, số PNVN tự về đến ĐBP trình báo là 161 nạn nhân; số PNVN do phía Trung Quốc trao trả: 50 vụ, 139 nạn nhân; số nạn nhân trong vụ án buôn bán PN&TE do BĐBP phát biện bắt giữ: 44 vụ, 55 đối tượng, 73 nạn nhân…
Trong những năm qua, công tác tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán trở về được các ĐBP thực hiện theo đúng quy định. Sau khi tiếp nhận, tiến hành phỏng vấn, phân loại, xác minh về địa phương nạn nhân thường trú. Căn cứ vào lời khai và kết quả xác minh xác định đúng là nạn nhân, đơn vị đã có các hoạt động hỗ trợ, đồng thời thông báo và giao nạn nhân cho gia đình. Trường hợp nạn nhân có nguyện vọng tự về, xét thấy đảm bảo các yếu tố an toàn, sau khi hướng dẫn cho nạn nhân về địa phương làm các thủ tục cần thiết, các ĐBP đã nhanh chóng giải quyết, đồng thời thông báo, trao đổi với Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh nơi nạn nhân cư trú biết để phối hợp thực hiện. Trong quá trình tiếp nhận, giúp đỡ nạn nhân trở về, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên biên phòng đều thực hiện nhiệm vụ với tinh thần, thái độ đúng mực, tôn trọng nạn nhân…Do đó, sau khi trở về địa phương, gia đình nhiều nạn nhân đã viết thư cảm ơn đến các đơn vị.
Công tác phối hợp đấu tranh PCTP có liên quan hai bên biên giới, trong đó có tội phạm buôn bán PN&TE giữa các lực lượng chức năng Việt Nam – Trung Quốc có nhiều tiến triển và đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2004 đến nay, các ĐBP đã đề nghị lực lượng chức năng Trung Quốc phối hợp, giải cứu 12 trường hợp, kết quả, giải cứu thành công 9 trường hợp.
Tuy nhiên, công tác hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán trở về tại các ĐBP còn gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận; điều kiện phục vụ sinh hoạt, vệ sinh, nơi ăn ở, y tế, đồ dùng trang bị sinh hoạt… thiếu thốn. Mới xây dựng được 1 nhà tiếp nhận nạn nhân tại ĐBP Tân Thanh, 10 ĐBP còn lại chưa có nhà tiếp nhận. Hàng năm, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về (Chương trình 130/CP) cho BĐBP tỉnh, nhưng số kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chi phí tiền ăn cho nạn nhân 10.000 đồng/người/ngày là thấp so với thời giá hiện nay…Vì vậy, để góp phần thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán trở về, cần có sự quan tâm của các ban, ngành chức năng trong việc đầu tư xây dựng cơ sở tiếp nhận tại các ĐBP, nhất là đồn trọng điểm có đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp nhận nạn nhân; tăng mức kinh phí đảm bảo cho hoạt động tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán trở về…
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()