Công tác phòng, chống ma túy: Sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền có vai trò quyết định
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện đồng bộ Chỉ thị 21, ngày 18/4/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, Đảng bộ Thủ đô đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy vẫn là hiểm họa khó lường nên rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện đồng bộ Chỉ thị 21, ngày 18/4/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, Đảng bộ Thủ đô đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy vẫn là hiểm họa khó lường nên rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị.
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 21, Hà Nội đã khen thưởng |
Góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự
Thực hiện Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 29-CT/TU về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, nhiều chương trình, đề án, phong trào, mô hình phòng, chống và kiểm soát ma túy đã được triển khai, phát huy hiệu quả như “Chi bộ đảng, cụm dân cư lãnh đạo công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội”; gắn các tiêu chí phòng, chống ma túy trong việc đánh giá, xét duyệt danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa”, “tiêu chí xây dựng nông thôn mới”…
Các cấp, các ngành cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện công việc của cơ quan, đơn vị. Điển hình như Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, nhất là với Hội Người Cao tuổi, Hội Cựu Chiến binh chọn những người tâm huyết, nhiệt tình và có uy tín ở cộng đồng vận động, giúp đỡ con cháu trong gia đình, dòng họ, làng giềng không vi phạm luạt phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy cho học sinh… Đáng chú ý với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, 5 năm qua, các hội viên đoàn thể, lực lượng tình nguyện viên cấp xã, phường đã tăng cường xuống cơ sở, tiếp cận tuyên truyền cho trên 38.000 lượt người có nguy cơ mắc nghiện cao; trên 35.000 lượt người nghiện ma túy và người sau cai; tổ chức cho hàng trăm ngàn lượt hộ gia đình ký cam kết “Quản lý các thành viên trong gia đình không tham gia tệ nạn ma túy”…
Cũng trong 5 năm qua, người dân đã báo trên 3 vạn tin liên quan đến tệ nạn ma túy cho các cơ quan chức năng, trong đó có 13.319 tin có giá trị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh bắt giữ tội phạm ma túy. Các cơ quan chức năng thành phố với nòng cốt là lực lượng công an đã đấu tranh, triệt xóa 18 tụ điểm, 42 điểm phức tạp về ma túy. Lực lượng công an đã phát hiện, điều tra khám phá và xử lý hình sự trên 13.700 vụ với 16.130 đối tượng phạm tội ma túy…
Nhờ sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành, đến nay, một số phường, thị trấn, xã trước đây có tụ điểm ma túy hoạt động rất phức tạp nay đã cơ bản bị triệt xóa, giải quyết, địa bàn dần đi vào ổn định. Tính đến 30/6/2013, Thành phố Hà Nội còn 1 địa bàn trọng điểm cấp Thành phố; 3 tụ điểm, 13 điểm phức tạp về ma túy và 75 đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh. Kết quả này có được đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô…
Thành tích đó của Đảng bộ Hà Nội là sự đóng góp công sức của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị cơ sở. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Phúc Xá, quận Ba Đình Phạm Thị Hồng Hạnh cho biết: Phúc Xá là phường duy nhất của quận Ba Đình nằm hoàn toàn ngoài đê sông Hồng, có chợ đầu mối Long Biên, là địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn những vấn đề dễ phát sinh thành điểm nóng. Phúc Xá từng là tụ điểm ma túy “nổi tiếng” phức tạp của quận Ba Đình và thành phố Hà Nội. 5 năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của của các cấp ủy đảng, chính quyền, đến năm 2012, Phúc Xá chỉ còn 1 tụ điểm phức tạp tại khu dân cư số 6 và tính đến tháng 6/2013 trên địa bàn phường có 162 người nghiện, giảm 54 người so với năm 2008.
Tương tự, Thanh Trì là huyện có nhiều xã tiềm ẩn phức tạp về mua bán lẻ và sử dụng ma túy, tình trạng người tỉnh ngoài đến thuê nhà tạm trú tại huyện có hoạt động mua bán lẻ ma túy bằng các thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi như: mua, bán qua điện thoại hoặc trao đổi trên mạng internet. Đến nay, số tụ điểm ma túy đã được kiểm soát, tệ nạn ma túy từng bước được kiềm chế, số người nghiện mới giảm dần, hoạt động sử dụng và mua bán ma túy công khai không còn. Từ năm 2008 đến năm 2013 đã bắt giữ 423 vụ mua bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy (vượt chỉ tiêu thành phố giao). Công tác quản lý sau cai nghiện dần đi vào hoạt động có nền nếp, tỷ lệ tái nghiện có chiều hướng giảm.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Mặc dù công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đạt được kết quả tích cực, t uy nhiên, trên thực tế, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường , tình hình tội phạm về ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động bán lẻ ma túy vẫn diễn ra liên tục hằng ngày, hằng giờ. Hoạt động vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ các tỉnh trọng điểm về và đi qua Hà Nội có chiều hướng tăng với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi…
Trong khi đó, công tác nắm tình hình địa bàn của một số nơi chưa thường xuyên, không kịp thời phát hiện, trấn áp, giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm, có nơi, có chỗ để tình trạng phức tạp, kéo dài. Một số địa phương, đơn vị còn để phát sinh người nghiện, hình thành tụ điểm hoạt động ma túy dưới nhiều hình thức, cả công khai hoặc núp bóng sau các cơ sở nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí như: nhà hàng, khách sạn, vũ trường…
Để thực hiện tốt Chỉ thị 21, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị |
Cá biệt, có một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị còn thiếu tính chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy ở địa bàn; còn có tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng công an. Công tác tuyên truyền có lúc, có nơi còn hình thức. Việc tuyên truyền cho một số đối tượng có nguy cơ mắc nghiện ở một số địa bàn dân cư chưa được quan tâm đúng mức.
Đó là chưa nói đến một số văn bản về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy có điểm không phù hợp với tình hình thực tiễn, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh… Công tác quản lý sau cai, tạo việc làm cho người sau cai ở cộng đồng còn khó khăn. Tỷ lệ tái nghiện tuy đã được kiểm chế nhưng vẫn ở mức cao…
Để khắc phục hạn chế này, từ kinh nghiệm của đơn vị mình, Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá Phạm Thị Hồng Hạnh khẳng định, phải huy động cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện các phong trào như “xây dựng số nhà, tổ dân phố, cơ quan, trường học không có tệ nạn ma túy” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chủ động lắng nghe ý kiến đóng góp của cán bộ từ phường tới khu dân cư để đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các ban ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác phòng chống ma túy.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Trì Trần Văn Khương lại khẳng định vai trò của công tác tuyên truyền. Phải gắn các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống ma túy với nhiệm vụ chính trị thường xuyên của địa phương, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hậu quả, tác hại của ma túy để mỗi người tự phòng, chống và tích cực tham gia tố giác tội phạm. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh kiềm chế sự gia tăng tội phạm về ma túy, giải quyết triệt để các tụ điểm ma túy, điểm phức tạp về tệ nạn ma túy. Tổ chức xét xử lưu động một số vụ án ma túy để răn đe, giáo dục… Điều quan trọng nhất cần sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy và chính quyền các cấp. Yêu tố này mới có vai trò quyết định. Ở đâu lực lượng công an được cấp ủy, chính quyền quan tâm, hỗ trợ tối đa thì phát huy được vai trò nòng cốt thực sự
Đồng tình với các quan điểm này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải xác định, quán triệt rõ, phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải ưu tiên để ổn định xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự của mỗi địa phương và toàn thành phố. Nếu địa bàn không ổn định thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội. Do đó, quá trình thực hiện phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với hiệu lực quản lý của chính quyền với phương châm: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, công an là nòng cốt tham mưu và trực tiếp cùng các ban, ngành, đoàn thể và toàn dân tham gia thực hiện, lấy phòng ngừa làm cơ bản, chủ động tấn công trấn áp.
Đồng thời, các cấp, các ngành thành phố rà soát lại hệ thống các chính sách đã ban hành về phòng, chống và kiểm soát ma túy trên cơ sở quy định của pháp luật nhằm tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ; động viên, khuyến khích được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, góp phần làm tốt công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()