Công tác phòng chống HIV/AIDS: Tăng cường nguồn lực địa phương và từ người dân
LSO- Ước tính tổng nhu cầu kinh phí hoạt động cho chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Lạng Sơn giai đoạn 2015-2020 sẽ gấp đôi giai đoạn trước, trong đó kinh phí từ ngân sách tỉnh và sự đóng góp từ người dân sẽ giữ vai trò chủ đạo.
Nguồn kinh phí của tỉnh tăng mạnh
Trong giai đoạn 2009-2014, tổng kinh phí chi cho công tác phòng chống HIV/AIDS là 77,022 tỷ đồng, hình thành từ 3 nguồn, trong đó nguồn từ các dự án quốc tế là 43,568 tỷ đồng- chiếm đến 56,57%, kinh phí Trung ương là 30,274 tỷ đồng- chiếm 39,31% và kinh phí tỉnh còn rất khiêm tốn là 3,180 tỷ đồng ( 4,12%). Từ 3 nguồn kinh phí này, công tác phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn đã được triển khai toàn diện theo 4 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Lạng Sơn đã đảm bảo được mục tiêu “3 giảm” một cách khá bền vững. Tỷ lệ nhiễm HIV được không chế ở mức 0,21% (mục tiêu 0,3%), số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS giảm.
Thực hiện “Kế hoạch hành động và triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” tại Lạng Sơn, ước tính giai đoạn 2015-2020, tổng kinh phí chi cho công tác này là 122,515 tỷ đồng- gấp 1,6 lần giai đoạn trước. Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế ngày càng giảm, kinh phí chương trình MTQG phòng chống HIV/AIDS hạn chế, đòi hỏi sự cần thiết phải tăng kinh phí địa phương. Vì vậy, ngày 16/7/2015, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ký Nghị quyết phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh giai đoạn 2015-2020 từ nguồn ngân sách tỉnh là 14,128 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,53% tổng nhu cầu, gấp 4,5 lần giai đoạn trước.
Cán bộ y tế Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lạng Sơn khám bệnh cho bệnh nhân chương trình Methadone
Nguồn lực từ người dân
Trong 4 dự án mà công tác phòng chống HIV/AIDS thực hiện giai đoạn 2015-2020, thì kinh phí cho công tác dự phòng lây nhiễm chiếm 66,12%, kinh phí cho công tác chăm sóc điều trị chiếm 29,52%. Tuy đã có 6 “ kênh” huy động, song nguồn viện trợ quốc tế giảm từ 7,1 tỷ đồng năm 2015 xuống còn dưới 1,8 tỷ đồng năm 2020, thì nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) và người dân tự chi trả sẽ phải tăng từ 1,9 tỷ đồng năm 2015 lên trên 20,6 tỷ đồng năm 2020. Như vậy, trong 6 năm (từ năm 2016-2020), riêng 2 nguồn này đã có thu dự toán là trên 84 tỷ đồng- chiếm tỷ lệ trên 70% tổng kinh phí huy động.
Cơ sở để đảm bảo nguồn huy động từ người dân là từ tháng 1/2016 người bệnh phải trả tiền cho các dịch vụ Methadone theo Quyết định số 2105/QĐ-UBND, ngày 17/11/2015 của UBND tỉnh. Mặt khác, tuy hiện nay trong số 538 người đang điều trị bằng thuốc ARV đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú, mới có 298 người có thẻ BHYT (tỷ lệ 55%). Họ vẫn dùng ARV miễn phí do nguồn viện trợ quốc tế còn. Tuy nhiên đến năm 2017, khi viện trợ quốc tế chấm dứt thì họ phải trả tiền thuốc điều trị ARV thông qua tự trả hoặc BHYT.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người nhà bệnh nhân điều trị bằng Methadone cho rằng, quyết định xã hội hóa một phần và sau đó sẽ là toàn bộ quá trình điều trị bằng Methadone là đúng đắn và họ sẵn sàng ủng hộ để con em mình được hưởng dịch vụ điều trị này. Tuy nhiên, bệnh nhân điều trị ARV thì đã có sự hoang mang. Chị Hoàng Thị H. trú tại Đồng Đăng cho biết: điều trị ARV đã gần 10 năm nay, cứ yên trí rằng đã có nhà nước bao cấp. Trước sự thay đổi này, chị buộc phải mua BHYT từ cuối năm 2016 để có thuốc sử dụng liên tục và được điều trị các bệnh cơ hội.
Làm việc với chúng tôi, bà Nông Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS nói rằng: nếu trước đây, nguồn kinh phí của tỉnh chỉ là “phụ”, thì nay sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh được biểu hiện cụ thể về nâng kinh phí cho công tác phòng chống HIV/AIDS từ 4,12% giai đoạn 2009-2014 lên 11,53% giai đoạn 2015-2020 sẽ trở thành nguồn lực mạnh. Sự tham gia của người dân trong chi trả các khoản dịch vụ Methadone và tham gia BHYT sẽ trở thành nguồn lực chính trong công tác duy trì và nâng cao chất lượng các đề án, là sự đảm bảo cho chất lượng điều trị Me thadone và ARV.
Bài, ảnh: MINH HỒNG
Ý kiến ()