LSO-Lộc Bình là một trong 5 huyện miền núi biên giới của tỉnh có nhiều khu vực giáp biên, một bộ phận người dân đời sống thấp, trình độ dân trí không đồng đều. Đây cũng là địa bàn mà hoạt động buôn bán phụ nữ và trẻ em (BBPN&TE) tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Trước thực trạng đó, Công an huyện và Hội Phụ nữ huyện đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm BBPN&TE qua biên giới.
Công an huyện Lộc Bình gọi hỏi đối tượng phạm tội buôn bán người
Theo số liệu của Công an huyện Lộc Bình, những tháng đầu năm 2012, lực lượng chức năng đã bắt 1 vụ, 2 đối tượng là Hoàng Thị Nhanh (sinh năm 1991) ở Yên Khoái và Hoàng Thị Thuận (sinh năm 1994) ở Lợi Bác, Lộc Bình và khởi tố về tội buôn bán người trái phép qua biên giới. Hai đối tượng tuy còn trẻ tuổi nhưng đã có thủ đoạn lừa bán người sang Trung Quốc. Qua những vụ án như Nhanh và Thuận, cơ quan cảnh sát điều tra nhận định, tội phạm thường lợi dụng sơ hở, sự nhẹ dạ cả tin của một số phụ nữ, trẻ em để lừa bán sang Trung Quốc với những chiêu thức không mới như hứa tìm việc làm với mức tiền công cao, đi buôn bán, đi chơi hoặc giả vờ yêu để lừa bán bạn gái…Trước tình hình tội phạm BBPN&TE có chiều hướng phức tạp, Công an huyện, Hội Phụ nữ huyện và một số ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống tội phạm này. Trong đó, Công an huyện ngoài vai trò tuyên truyền còn là cơ quan thường trực, tham mưu, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện phòng, chống các loại tội phạm BBPN&TE qua biên giới. Thượng tá Lương Mạnh Linh, Phó trưởng Công an huyện Lộc Bình cho biết, đơn vị chỉ đạo các tổ, đội nghiệp vụ, hướng dẫn lực lượng công an xã, đội tự quản ở cơ sở đảm bảo thực hiện khai báo cư trú, nhất là với người lạ. Đặc biệt chú ý đến những địa bàn từng có đối tượng phụ nữ bị buôn bán trái phép hòa nhập cộng đồng để giúp đỡ. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền pháp luật cho người dân nâng cao cảnh giác, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Bên cạnh lực lượng công an, Hội Phụ nữ huyện cũng là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong phòng, chống BBPN&TE qua biên giới. Hàng năm, ngoài việc hỗ trợ vốn kịp thời để chị em phát triển sản xuất, yên tâm tham gia công tác hội; các cấp hội còn chủ động phối hợp lồng ghép với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền cung cấp kỹ năng truyền thông về phòng, chống BBPN&TE tại các xã; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, pa nô, áp phích, tờ rơi để nâng cao nhận thức cho hội viên, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã khó khăn. Trong năm 2011, Hội Phụ nữ huyện Lộc Bình đã phối hợp với công an, tư pháp, các ban, ngành tổ chức tuyên truyền được 353 cuộc cho gần 13.300 người tại 29/29 xã, thị trấn với những nội dung liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em như: Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em; Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống mua bán người… Do làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, vì vậy, tính riêng năm 2011 trên địa bàn không xảy ra BBPN&TE. Quý I/2012, Hội lồng ghép tuyên truyền được 96 cuộc với trên 2.500 lượt người. Đồng thời, triển khai sâu rộng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, xây dựng các mô hình câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; câu lạc bộ trợ giúp pháp lý… Bà Lý Thị Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Lộc Bình cho biết, cái khó trong công tác này là với 4 xã biên giới và nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa nên nhận thức của chị em còn thấp, tinh thần cảnh giác không cao. Đặc biệt, rất khó để ổn định cuộc sống cho những chị em bị buôn bán khi trở về địa phương phần vì hoàn cảnh khó khăn, éo le, phần vì tự ti, mặc cảm, ngại tiếp xúc… Còn đối với những phụ nữ trẻ hoặc trẻ vị thành niên chưa phải là hội viên, Hội cũng chú ý tuyên truyền gián tiếp thông qua sự giáo dục, chỉ bảo của các bà, các mẹ trong gia đình để các em có môi trường lành mạnh, ngăn ngừa phát sinh tội phạm.
Thiết nghĩ, để công tác phòng, chống BBPN&TE của huyện đạt hiệu quả, góp phần ổn định an ninh xã hội trên địa bàn, không chỉ riêng lực lượng công an, phụ nữ và một số ngành chức năng mà phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của việc nâng cao năng lực nhận biết và phòng ngừa, đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ bị buôn bán, lừa gạt. Tại các cấp học, cũng nên coi đây là vấn đề thời sự trong các hoạt động chính khóa, ngoại khóa để trang bị kiến thức, hiểu biết cho học sinh. Một vấn đề có ý nghĩa then chốt nữa là tạo công ăn việc làm cho người dân, vừa giải quyết nhu cầu xã hội, vừa nâng cao nhận thức về mọi mặt trong đó có nhận thức về các hoạt động lừa đảo nói chung, lừa gạt phụ nữ, trẻ em nói riêng.
Ý kiến ()