Công tác phổ cập giáo dục mầm non: Giải pháp đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng
LSO-Khi thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, với đặc điểm một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, vấn đề đặt ra đối với ngành GD&ĐT là làm sao vừa đẩy nhanh tiến độ phổ cập, vừa đảm bảo chất lượng phổ cập.
Cô giáo trường Mầm non xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng chăm sóc bữa ăn cho trẻ 5 tuổi |
Tách khối mầm non ra khỏi trường phổ thông, thành lập trường mầm non độc lập và tổ chức bán trú 2 buổi/ ngày là 2 giải pháp chính mà ngành GD&ĐT đưa ra. Tuy nhiên, khi thực hiện 2 giải pháp này, thì những khó khăn lại phát sinh như thiếu mặt bằng, thiếu vốn xây dựng, thiếu giáo viên và đội ngũ cô nuôi. Với quyết tâm vượt khó và bằng kinh nghiệm trong thời kỳ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, các địa phương đã tích cực vào cuộc để cùng ngành GD&ĐT tháo gỡ khó khăn. Với khẩu hiệu “ Phát huy mọi nguồn lực cùng chăm lo phát triển GDMN”, trong gần 3 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hàng trăm tỷ đồng, hàng chục ngàn m2 đất cho xây dựng trường MN, tạo dựng cơ sở vật chất cho các trường mới thành lập, mua sắm trang thiết bị cho nuôi dạy. Vì vậy công việc tách trường diễn ra khá suôn sẻ, nếu năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 142 trường mầm non, trong đó có 122 trường bán trú; thì năm học 2012-2013 đã có 185 trường, trong đó có 182 trường tổ chức bán trú.
Về đội ngũ giáo viên và cô nuôi, bằng các hình thức như tuyển dụng ký hợp đồng, chuyển giáo viên các cấp học khác về phụ giảng hoặc làm các công việc khác, đội ngũ giáo viên nhân viên được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng. Bên cạnh đó, trường CĐSP đã thực hiện đào tạo và bồi dưỡng 500 giáo viên mầm non cho các huyện. Bước vào năm học 2012-2013, toàn cấp học đã có 3.166 cán bộ giáo viên, trong đó tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ là 100%, của giáo viên là 93,73% (có 29,96% trên chuẩn). Đội ngũ nhân viên trên 1.400 người gồm nhân viên y tế, kế toán, văn phòng, cấp dưỡng… Các huyện đã linh hoạt trong vận dụng chế độ chính sách để trả tiền lương, tiền công cho giáo viên hợp đồng như hệ số lương cộng với các khoản khu vực, phụ cấp ưu đãi; các trường đã vận dụng xã hội hóa để tăng thêm chút thu nhập cho đội ngũ cô nuôi, vì vậy mức thu nhập của giáo viên và nhân viên không quá thấp, giúp họ nhiệt tình trong công tác nuôi dạy.
Với những cố gắng đó, số lượng huy động trẻ ra lớp không ngừng tăng. Nếu năm học 2010-2011, toàn tỉnh mới huy động được 37.513 trẻ trong độ tuổi ra lớp, đạt tỷ lệ huy động 24,5% ở độ tuổi nhà trẻ, 95,3% ở độ tuổi mẫu giáo, trong đó mẫu giáo 5 tuổi là 99,4%; thì năm học 2012-2013 đã huy động 42.613 trẻ ra lớp, đạt tỷ lệ huy động 29,5% ở độ tuổi nhà trẻ và 98,1% ở độ tuổi mẫu giáo, trong đó mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,9%. Số trẻ em được bán trú cũng tăng cao, từ 60,35% năm học 2010-2011 lên 81,9% năm học 2012-2013 (riêng trẻ 5 tuổi được bán trú đạt tỷ lệ 85,85%). Đến nay toàn cấp học đều thực hiện chương trình GDMN mới, nhiều trường đã đầu tư mua đồ dùng, đồ chơi đồng bộ, mua sắm phản nằm, dụng cụ cấp dưỡng, đảm bảo y tế trường học để chăm sóc sức khỏe học sinh, phòng chống các bệnh lây nhiễm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm nhanh, năm học 2012-2013, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở mẫu giáo 5 tuổi còn 7,73%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 7,9%. Toàn tỉnh đã có 118/226 đơn vị hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, đạt tỷ lệ 52,2%; trong đó có 60 xã duy trì, 58 xã đạt chuẩn mới, tăng 12 xã so với kế hoạch đề ra. Tiến độ phổ cập nhanh, chất lượng phổ cập ngày càng cao, đó là kết quả của những giải pháp đúng đắn và thiết thực.
Theo kế hoạch, năm học 2013-2014, toàn tỉnh sẽ có thêm 47 đơn vị hoàn thành phổ cập, đưa tổng số đơn vị hoàn thành lên 165 xã. Bà Vi Thị Giao, Trưởng Phòng GDMN- Sở GD&ĐT cho biết, sẽ cố gắng phấn đấu có 174 đơn vị hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, đạt tỷ lệ 77%. Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, duy trì và nâng cao chất lượng chuẩn, ngành GD&ĐT vẫn còn nhiều khó khăn, song tiếp tục thực hiện các giải pháp mà ngành đã đề ra trong giai đoạn đầu phổ cập, thực hiện nghiêm túc chính sách đối với đội ngũ giáo viên và học sinh. Đồng thời huy động tốt hơn các nguồn lực, nhất là đất đai, cơ sở vật chất cho 7 trường MN chưa được quy hoạch đất, 50 xã chưa có trường MN độc lập, nhất định ngành sẽ hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, tạo đà cho việc hoàn thành công tác phổ cập vào năm 2015.
Ý kiến ()