Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được tiến hành quyết liệt, đồng bộ, mang lại hiệu quả thực chất
Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của các cơ quan, đơn vị. PBGDPL là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, có vai trò như “cầu nối” giữa pháp luật và thực tiễn cuộc sống. Chỉ khi làm tốt công tác PBGDPL mới giúp cho các cơ quan, đơn vị, mỗi tổ chức và cá nhân xác định đúng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức để chấp hành pháp luật một cách tự giác, nghiêm minh.
Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Thực hiện chức năng “đội quân công tác”, những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn ngày càng vững mạnh, thắt chặt hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quân đội với nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội. Với đặc thù đóng quân rộng khắp trên địa bàn cả nước, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến; đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác tốt, đặc biệt, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, Quân đội ta có rất nhiều thuận lợi trong tham gia PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Đoàn công tác Vùng 5 Hải quân tuyên truyền pháp luật và trao cờ Tổ quốc, thiết bị cứu sinh tặng ngư dân. Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Những kết quả trong công tác PBGDPL của toàn quân là hết sức tích cực, toàn diện, nổi bật là: Trong 10 năm qua, đã có hàng chục đề án về PBGDPL được triển khai thực hiện đạt hiệu quả tốt, điển hình như: Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong Quân đội giai đoạn 2016-2020”; Đề án “Tuyên truyền PBGDPL về phòng, chống tham nhũng cho các tầng lớp nhân dân và công chức, viên chức giai đoạn 2018-2021”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Dân quân tự vệ”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023”; Đề án “Tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021-2025” và mới đây nhất là Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027”... Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức gần 1.000 lượt đơn vị làm điểm về PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa trong “Ngày Pháp luật” để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn quân; tổ chức hơn 600 buổi hội thảo, tọa đàm về Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam và các nghị định, thông tư liên quan đến quân sự, quốc phòng; biên tập, phát hành gần 178.900 bộ (4 đĩa) các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật; 400.000 cuốn tài liệu PBGDPL; 40.000 cuốn sách “Văn bản PBGDPL và nghiệp vụ PBGDPL”; 85.500 cuốn tài liệu “Kỹ năng PBGDPL cho nhân dân”; 770.000 tờ gấp pháp luật; 220 đầu sách pháp luật cấp cho các cơ quan, đơn vị; tập huấn cho hơn 10.000 lượt báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; phát hành 170 bản tin pháp luật; tổ chức 13 lần “Ngày hội Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông”...
Cán bộ Vùng 5 Hải quân tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Ngoài ra, hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội còn tổ chức học tập 6-12 chuyên đề về pháp luật bắt buộc cho các đối tượng; tổ chức tuyên truyền, quán triệt các nghị định, thông tư, chỉ thị của cấp trên và quy định của đơn vị; tổ chức hội nghị đối thoại dân chủ về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị. Bên cạnh những nội dung PBGDPL theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị còn chú trọng thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp với tình hình đơn vị, đặc điểm tâm lý của cán bộ, chiến sĩ... Toàn quân đã gắn công tác PBGDPL với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng các cuộc vận động, các phong trào, mang lại hiệu quả thiết thực. Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, điển hình như mô hình “Ngày Pháp luật” trong Quân đội với nội dung tuyên truyền khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, quy định của Bộ Quốc phòng, giáo dục quân nhân, người lao động trong Quân đội và nhân dân ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ pháp luật. Mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật, mỗi tuần một điều luật” nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý quân nhân” với hơn 4.500 tổ trong toàn quân, đã tư vấn, giúp đỡ hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ. Mô hình “Tuổi trẻ với pháp luật” được triển khai rộng rãi ở nhiều đơn vị với hình thức sinh hoạt nhẹ nhàng, sinh động, phù hợp với tâm lý thanh niên, với mục tiêu thu hút, tập hợp đông đảo thanh niên và thông qua các hình thức sinh hoạt để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh niên...
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: ĐỖ LÂM |
Nhìn chung, công tác PBGDPL trong Quân đội những năm qua đã được quán triệt, triển khai toàn diện, đồng bộ, nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của các cơ quan, đơn vị; hình thức đa dạng, phong phú, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và huy động được các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng và cán bộ, chiến sĩ tham gia. Nền nếp, chế độ công tác PBGDPL được thực hiện khoa học, thống nhất từ Bộ Quốc phòng đến đơn vị cơ sở. Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên giảng dạy pháp luật, đội ngũ phóng viên, biên tập viên pháp luật không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng. Các nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL, đặc biệt là việc thực hiện xã hội hóa được thực hiện ngày càng tốt hơn. Kết quả công tác PBGDPL đã góp phần ổn định tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội không ngừng được nâng cao. Tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội đã có chuyển biến tích cực, góp phần từng bước nâng cao sức mạnh của Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Những năm tới, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại và bảo vệ, phát triển đất nước, việc phát huy vai trò của Quân đội trong triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL cũng như công tác tuyên truyền, PBGDPL cho bộ đội và nhân dân càng đặt ra cấp thiết. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nội dung, giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác PBGDPL.
Đây là vấn đề có ý nghĩa tiên quyết, vì chỉ khi quán triệt nghiêm túc, nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác PBGDPL thì mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị mới có thể thông suốt, tập trung nguồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực chất, hiệu quả. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác tuyên truyền, PBGDPL, nhất là Kết luận số 80-KL/TW ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật PBGDPL; Thông tư số 42/2016/TT-BQP ngày 30-3-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định công tác PBGDPL trong Bộ Quốc phòng... Cần xác định công tác PBGDPL là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức và mọi cán bộ, chiến sĩ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên phải chịu trách nhiệm chính về kết quả công tác PBGDPL của cơ quan, đơn vị mình; lấy kết quả, tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL ở từng cơ quan, đơn vị.
Hai là, việc tổ chức thực hiện cần quyết liệt, đồng bộ, mang lại hiệu quả thực chất.
Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp cần chủ động, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phát huy vai trò và thực hiện đầy đủ, có chất lượng các nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và từng thành viên của hội đồng trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ phối hợp PBGDPL. Phát huy tốt vai trò nòng cốt của các cơ quan chính trị, tư pháp, pháp luật và cơ quan báo chí trong tổ chức tuyên truyền, PBGDPL; vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, PBGDPL, tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, nhất là cấp cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới về nội dung và hình thức PBGDPL theo hướng đa dạng, sinh động, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, cơ quan, đơn vị, địa bàn, từ đó mang lại hiệu quả thực chất, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; từng bước xây dựng ý thức, thói quen tìm hiểu và chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ; bám sát kế hoạch công tác đã đề ra để triển khai bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả cao các nhiệm vụ PBGDPL; chú ý lồng ghép thực hiện PBGDPL với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động; gắn công tác PBGDPL với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy và môi trường văn hóa; gắn công tác PBGDPL với tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong giờ nghỉ, ngày nghỉ để quản lý bộ đội.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng trong và ngoài Quân đội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Quân đội là lực lượng quan trọng, xung kích trong tham gia tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân. Tuy nhiên, nếu chỉ một mình lực lượng Quân đội thì việc tuyên truyền, PBGDPL không thể đạt hiệu quả cao nhất mà cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần làm tốt việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các đề án về tuyên truyền, PBGDPL. Các cơ quan, đơn vị Quân đội phải làm tốt công tác dân vận, nắm chắc phong tục, tập quán của nhân dân, đặc điểm địa bàn, môi trường hoạt động để lựa chọn nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị kết nghĩa tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân đảm bảo hiệu quả thiết thực.
Bốn là, cần quan tâm đầu tư kinh phí, bổ sung phương tiện, vật chất cho công tác PBGDPL từ nguồn ngân sách nhà nước và tích cực huy động từ các nguồn hợp pháp khác để nâng cao chất lượng hoạt động PBGDPL. Bên cạnh đó, cần thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện những khâu yếu, mặt yếu để tập trung chỉ đạo khắc phục kịp thời; đồng thời, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác PBGDPL; thực hiện đúng chế độ báo cáo bảo đảm trung thực, khách quan, không để xảy ra tình trạng giấu giếm khuyết điểm, vi phạm.
Ý kiến ()