Công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước: Trăn trở trước phần việc khó
Công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các thành phần kinh tế. Tại nhiều địa phương, bên cạnh những mặt tích cực, phần việc quan trọng này đang nảy sinh nhiều bất cập cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Còn nhiều rào cản, vướng mắc
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng trong các DN tư nhân, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ để củng cố, nâng cao chất lượng, số lượng các tổ chức đảng và đảng viên. Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư khóa XII về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân” yêu cầu rất rõ: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân”.
Tìm hiểu thực tế tại TP Hà Nội, từ năm 1996 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã ban hành hơn 30 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020”. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề đầu tiên ở một địa phương trong cả nước về công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09, với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng bộ TP Hà Nội đã thành lập được 1.711 tổ chức đảng, kết nạp 10.742 đảng viên (45 chủ DN tư nhân). Trong đó, từ năm 2020 đến 2022 kết nạp được 2.649 đảng viên, 6 tháng đầu năm 2023 kết nạp được 775 đảng viên.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nêu thực tế, công tác phát triển đảng viên trong các DN ngoài nhà nước tiếp tục là việc khó, thậm chí rất khó. Nguyên nhân một phần do các DN phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Số lượng người lao động thường xuyên có sự biến động; các tổ chức đảng thiếu bền vững do DN giải thể, công nhân nghỉ việc, đảng viên chuyển đi…
Qua khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với công tác phát triển đảng viên trong DN ngoài nhà nước hiện nay chủ yếu từ nhận thức, quan điểm, sự ủng hộ của chủ DN. Nhiều chủ DN không tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức đảng, bởi họ cho rằng thời gian sinh hoạt chi bộ, học tập nghị quyết… sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong khi đó, nhiều chủ DN tư nhân nhận thức chưa đầy đủ về Đảng. Dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng họ lo lắng khi có tổ chức đảng sẽ lãnh đạo toàn diện, làm mất vai trò của chủ DN…
Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (Thái Nguyên) là một trong những doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có tổ chức đảng hoạt động chất lượng, hiệu quả. Trong ảnh: Chi bộ Hành chính-Nhân sự thuộc Đảng bộ công ty tổ chức Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025. Ảnh: TRƯỜNG GIANG |
Một khó khăn khác đến từ phía người lao động. Bên cạnh một bộ phận người lao động có nguyện vọng, tự nguyện phấn đấu, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì phần lớn người lao động không mấy thiết tha. Nguyên nhân cũng bởi gánh nặng mưu sinh, cơm, áo, gạo, tiền hằng ngày, khiến họ không còn tâm trí, thời gian để nghĩ đến chuyện phấn đấu vào Đảng. Người lao động trong DN phải chịu nhiều áp lực về thời gian, năng suất, định mức lao động… nên việc học tập bồi dưỡng kiến thức về Đảng khó khăn, dẫn đến nhận thức, động cơ và mục đích phấn đấu vào Đảng còn hạn chế.
Cần những giải pháp đồng bộ từ cơ chế
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, trong giai đoạn 2020-2022, trên địa bàn cả nước có 14.521 đảng viên được kết nạp tại các DN ngoài nhà nước. Đội ngũ đảng viên trong các DN ngoài nhà nước đã phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên. Kết quả công tác phát triển đảng viên trong DN ngoài nhà nước đã mở rộng và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu vực ngoài nhà nước. Thực tiễn chứng minh, ở những DN có tổ chức đảng, công tác phát triển đảng viên tiến hành bài bản, đạt chất lượng thì DN đó phát triển ổn định, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, quyền và lợi ích của người lao động được chăm lo tốt hơn.
Để nâng cao chất lượng, số lượng đảng viên trong các DN ngoài nhà nước, thực sự tạo đột phá trong công tác này, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh, đó là tập trung tuyên truyền thay đổi nhận thức của chủ DN về vai trò của tổ chức đảng và đảng viên trong DN. Mặt khác, HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN thành lập tổ chức đảng. Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp làm việc với một số chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài để tuyên truyền, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thành lập tổ chức đảng và tạo điều kiện cho đảng viên sinh hoạt… Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới được 69 tổ chức đảng trong DN ngoài nhà nước, đạt 140,8% chỉ tiêu đề ra; kết nạp mới gần 1.500 đảng viên là công nhân lao động, chủ DN tư nhân và lãnh đạo DN.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn làm tốt công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong DN ngoài nhà nước thì yếu tố tiên quyết là phải có giải pháp cụ thể để chủ DN có nhận thức đúng về Đảng, vai trò của tổ chức đảng. Khi chủ DN đã nhận thức đúng đắn thì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cảm tình Đảng và kết nạp chủ DN vào Đảng. Trong đó cần xem xét đến lợi ích về chính trị, tinh thần, vật chất đối với đảng viên là chủ DN tư nhân, từ đó tạo động lực cho các DN quan tâm đến công tác này. Đặc biệt, nghiên cứu thực hiện mô hình bí thư chi bộ DN đồng thời là chủ DN hoặc chủ tịch công đoàn DN. Thực hiện mô hình này không những tạo thuận lợi cho sinh hoạt Đảng, sinh hoạt công đoàn mà còn hóa giải được nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/tran-tro-truoc-phan-viec-kho-734405
Ý kiến ()