Công tác lập pháp góp phần hoàn thiện thể chế
Nhìn lại nhiệm kỳ XIV, có thể khẳng định, công tác lập pháp đã thực sự tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV |
Hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XIV đã góp phần khẳng định được yếu tố hoàn thiện thể chế – một khâu đột phá của quá trình phát triển đất nước.
Đồng thời, hoạt động lập pháp đã góp phần tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 trên 4 định hướng lớn gồm: Hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Xác định hoạt động lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm, trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống.
Trong số 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật đã được thông qua, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế – xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhiều hiệp định thương mại, công ước, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.
Thông qua hoạt động lập pháp, đã khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh bình đẳng; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng, chống tham nhũng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền của đất nước; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế.
Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội luôn đề cao việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật; các quy định, hướng dẫn về kỹ thuật lập pháp được ban hành để áp dụng thống nhất, bảo đảm tính nhất quán của văn bản, hạn chế mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Nhiều đổi mới quan trọng về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được triển khai trong nhiệm kỳ như: Không ban hành chương trình cả nhiệm kỳ mà tập trung xây dựng chương trình hằng năm; tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo; sau mỗi phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có thông báo kết luận về các nội dung lớn, nội dung còn có các ý kiến khác nhau trong từng dự án, dự thảo, làm cơ sở, định hướng để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoặc có báo cáo giải trình bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tăng cường, ngày càng đi vào nền nếp; các hình thức thảo luận, lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được tích cực đổi mới, đa dạng, bảo đảm đúng quy trình, có chất lượng, tiết kiệm thời gian./.
Ý kiến ()