Công tác kiều bào đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội
Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30.
Trong những năm qua, nhờ chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những bước đột phá và có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, các đại biểu dự Hội nghị đã nêu nhiều ý kiến đóng góp cho công tác kiều bào trong thời gian tới.
Phát huy giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ
Đánh giá về cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan là một trong số ít cộng đồng tại châu Âu phát triển mạnh. Vì vậy, công tác cộng đồng luôn là một trọng tâm trong các nhiệm vụ của Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ba Lan.
Theo ông Vũ Đăng Dũng, việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan là một trong những điểm nổi bật, khác biệt so với cộng đồng người Việt ở các quốc gia khác. Chính vì vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan luôn cổ vũ, đồng hành tất cả các hoạt động của cộng đồng nhằm phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, thể hiện bản sắc của người Việt Nam đang sinh sống làm ăn tại Ba Lan, đặc biệt là việc duy trì, nuôi dưỡng giá trị này với các thế hệ trẻ thứ 2, thứ 3 tại Ba Lan.
Đại sứ Vũ Đăng Dũng cho rằng để duy trì được giá trị văn hóa của Việt Nam tại cộng đồng, một trong những công cụ quan trọng là việc giảng dạy và học tập tiếng Việt. Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan luôn ủng hộ phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt của thế hệ trẻ, nhất là thế hệ thứ 2, thứ 3.
Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, cộng đồng người Việt tại đây đã thành lập một trường dạy tiếng Việt để duy trì và phát triển ngôn ngữ Việt cho thế hệ trẻ người Việt. Hằng năm, cộng đồng người Việt tại Ba Lan tổ chức rất nhiều sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa với nhiều hình thức khác nhau để thể hiện sức mạnh của cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan.
Đại sứ Vũ Đăng Dũng nhận định tại Ba Lan có rất nhiều hội đoàn người Việt. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, những hội đoàn này cần có các biện pháp củng cố tổ chức, hoạt động nhằm đáp ứng hơn nữa các nhu cầu thiết thực, lợi ích chính đáng của cộng đồng Việt Nam tại đây. Hiện nay, lãnh đạo của các hội đoàn đều là những thế hệ cao tuổi. Do đó, thách thức lớn hiện nay là việc đưa lớp trẻ người Việt tham gia vào các hội đoàn.
Do vậy, một trong những nhiệm vụ sắp tới của cộng đồng người Việt Nam cũng như cơ quan đại diện là phải huy động được sự tham gia của thế hệ trẻ vào các tổ chức, hội đoàn tại Ba Lan. Nếu làm được việc này thì sức mạnh của cộng đồng Việt thông qua các hội đoàn sẽ ngày càng gia tăng, góp phần đáng kể vào việc duy trì và phát triển bản sắc Việt ở Ba Lan.
Chung tay phát triển phong trào gìn giữ văn hóa Việt
Cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Đức rất đông với khoảng 170.000 người, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Đoàn Xuân Hưng chia sẻ: Người Việt Nam có mặt tại khắp các khu vực tại Đức, đều hướng về quê hương đất nước; chú trọng gìn giữ, tuyên truyền nét đẹp văn hóa của dân tộc cho con em, cộng đồng, bạn bè Đức và bạn bè quốc tế tại Đức.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định với trách nhiệm cũng như tình cảm với cộng đồng người Việt Nam tại Đức, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã hỗ trợ cộng đồng nhiều hoạt động khác nhau nhằm thúc đẩy phong trào giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt; đồng thời, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao tổ chức các sự kiện văn hóa với sự chung tay của cộng đồng người Việt Nam tại Đức. |
Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng góp phần tuyên truyền về di sản, lịch sử văn hóa Việt Nam. Từ tháng 10/2016 đến tháng 1/2018, đã có 3 cuộc triển lãm mang tên “Báu vật khảo cổ Việt Nam” diễn ra tại Đức. Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức.
Diễn ra tại các địa điểm nổi tiếng của Đức, triển lãm đã thut hút rất nhiều lượt khách quốc tế, người dân Đức đến tham quan.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh quốc gia, thông qua đó giúp bạn bè hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam.
Nhắc đến tình yêu đất nước, hướng về biển đảo quê hương, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết hàng năm, Đại sứ quán đều cử đoàn đại diện kiều bào về thăm Trường Sa theo chương trình của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp cùng các cơ quan trong nước; tổ chức các hội thảo, buổi giới thiệu về biển đảo quê hương, về tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam.
Đại sứ cho biết kiều bào ở Đức thăm Trường Sa trở về đều thấy thêm tự hào và yêu quê hương hơn. Họ trở thành diễn giả chia sẻ với cộng đồng người Việt, những người bạn Đức về tình yêu quê hương, biển đảo đất nước.
Tại Cộng hòa Liên bang Đức, cộng đồng người Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ Trường Sa gồm những người từng đi Trường Sa nhằm phổ biến rộng rãi cho cộng đồng thông tin về biển đảo quê hương, thông qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của kiều bào, cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đại sứ quán Việt Nam tại Đức hỗ trợ rất tích cực Câu lạc bộ Trường Sa, đồng thời cũng có kế hoạch trong công tác vận động tham gia tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, nếu có điều kiện đóng góp một phần nhỏ kinh phí nhằm động viên các chiến sỹ Trường Sa.
Thu hút nguồn lực từ kiều bào
Nêu ý kiến về công tác thu hút, phát huy nguồn lực của kiều bào đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Lương Thanh Nghị cho biết tại Hội nghị Việt kiều toàn thế giới tổ chức năm 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của khoảng 500 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, kiều bào ta đã đưa ra khoảng 50 đề xuất, kiến nghị liên quan tới rất nhiều vấn đề cụ thể, phục vụ cho phát triển của Việt Nam nói chung, của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác nói riêng.
Hiện nay, một số đề xuất trong đó đã được triển khai như: Đề án về thành phố thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh, các vấn đề rất thiết thực liên quan đến nạn kẹt xe, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp… và đã có một số dự án rất thành công.
Cùng với đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng tranh thủ sự đóng góp của các trí thức khoa học trẻ Việt Nam từ các tổ chức như: Hội chuyên gia khoa học Việt Nam toàn cầu, Nhóm sáng kiến Việt Nam ở Hoa Kỳ, nhóm Việt Challenge ở Hoa Kỳ…
Một số nhà khoa học đã về nước tìm hiểu, từ đó cung cấp những thông tin rất hữu dụng cho các cơ quan trong nước tham khảo. Đây là những thông tin rất bổ ích cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế số, phát triển bền vững, năng lượng sạch, big data, blockchain…
Cuối năm 2017, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp nhằm kết nối các bạn trẻ Việt Nam đang khởi nghiệp ở trong nước với các bạn trẻ ở nước ngoài. Diễn đàn đó được tổ chức tại San Francisco (Hoa Kỳ), ngay tại thung lũng Silicon nơi tập trung rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang làm việc ở đó.
Tháng 6/2018 vừa qua, Ủy ban tiếp tục tổ chức chương trình này tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội rất tốt nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài gắn kết với trong nước, kết nối với giới khởi nghiệp trẻ và các cơ quan quản lý ở trong nước, từ đó tạo sự hài hòa, thấu hiểu lẫn nhau.
Ông Lương Thanh Nghị đánh giá qua những diễn đàn này, các địa phương và các cơ quan ở trong nước thu thập được nhiều thông tin để từ đó xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả, thu hút được nhiều bạn trẻ đang sinh sống làm việc ở nước ngoài về nước tham gia.
Về mặt kinh tế, thời gian qua, ngày càng nhiều kiều bào về nước đầu tư kinh doanh. Tính đến hiện tại có gần 3.000 dự án với tổng số vốn gần 4 tỷ USD được đầu tư ở 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những dự án đó đã mang lại giá trị kinh tế lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân trong nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Bên cạnh đó, lượng kiều hối cũng có xu hướng gia tăng. Trong hai năm 2016 và 2017, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về đạt tổng cộng khoảng 25 tỷ USD. Đặc biệt, khoảng 60% kiều hối gửi về được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ông Lương Thanh Nghị cho biết hiện nay, một trong những trọng tâm của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là thu hút sự đóng góp của các bạn trẻ người Việt ở nước ngoài.
Hiện nay, có khoảng 130.000 sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại nước ngoài, là nguồn nhân lực quý báu trong tương lai. Vừa qua, Ủy ban đã tổ chức một số hoạt động gặp gỡ và kết nối xây dựng một mạng lưới kiều bào trẻ về nước lập nghiệp.
Ông Lương Thanh Nghị hy vọng trong thời gian tới, đây sẽ là một lực lượng nhân lực rất quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam./.
Ý kiến ()