Thứ 6, 22/11/2024 13:28 [(GMT +7)]
Công tác kiên cố hóa trường lớp học khi người dân vào cuộc
Thứ 4, 28/09/2011 | 09:32:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Khi được thông báo xây dựng lại phòng học, cán bộ, giáo viên và nhân dân xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) mừng lắm, không mừng sao được khi bao thế hệ học sinh của xã phải chịu ngồi trong những phòng học cột gỗ, vách đất thấp tè, mùa hạ mưa rơi trên bục giảng, mùa đông gió lạnh vờn với những tấm áo mỏng manh của học trò.
Nhờ Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động có hiệu quả nên công trình nhà học trường tiểu học 2 Vũ Lễ (Bắc Sơn) đạt yêu cầu về chất lượng và tiến độ |
Mừng đấy, nhưng lo đấy. Làm sao phải có quỹ đất để xây dựng và tách trường? Với sự tham mưu của ban giám hiệu nhà trường, HĐND xã đã ban hành nghị quyết về quy hoạch mặt bằng, tạo quỹ đất xây dựng trường THCS. Theo nghị quyết này, gần 4000m2 đất từ quỹ đất chung của xã được trích ra bàn giao cho nhà trường. Tuy vậy, đất dành cho trường mầm non và tiểu học lại “vướng” vào các phòng học đang sử dụng.
Cùng với việc huy động sự đóng góp của dân với 3 triệu đồng mua thêm vật liệu, chính quyền xã đã huy động nhân công của 6 thôn trên địa bàn với 383 hộ dân xúm tay lại khiêng phòng học ra khu đất tạm để lấy mặt bằng cho xây dựng. Để góp phần bảo vệ trường lớp đã xây dựng, cũng bằng nguồn xã hội hóa (XHH), địa phương đã chi 56 triệu đồng xây dựng tường rào cho trường THCS.
Trước tình trạng trường mầm non và trường tiểu học không có nhà vệ sinh, địa phương đã quyết định dành trên 30 triệu đồng cho 2 công trình vệ sinh của 2 trường này; và nếu “ thuận buồm xuôi gió”, từ nay đến cuối năm 2011, trường tiểu học và mầm non Quỳnh Sơn sẽ có nhà vệ sinh.
Kinh nghiệm qua các đợt kiên cố hóa trường lớp học và nhà ở công vụ giáo viên ở huyện Bắc Sơn đã cho thấy, khi và chỉ khi công tác giải phòng mặt bằng được chuẩn bị tốt, phù hợp với quy hoạch của nhà trường, thì công trình được xây dựng với tiến độ nhanh, nó không những phát huy tác dụng trước mắt, mà còn phù hợp với tổng thể của sự phát triển toàn diện.
Vì vậy, tư tưởng “được chăng hay chớ” đã được khắc phục, các nhà trường, địa phương đã có “tầm nhìn” xa hơn, rộng hơn, hướng tới sự đồng bộ hóa, hiện đại hóa của trường chuẩn quốc gia trong tương lai. Vì vậy, để tiếp nhận chương trình, trường tiểu học 2 xã Vũ Lễ đã mua thêm được 2.700m2 đất để xây dựng lớp học và nhà công vụ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, một số hộ dân ở Lân Kẽm cũng đóng góp được trên 7 triệu đồng mua thêm 44 m2 đất xây dựng điểm trường.
Là một tỉnh miền núi đất rộng, người thưa, tìm được một địa điểm phù hợp để xây dựng trường học không phải dễ. Nhiều khi có tiền cũng không dễ mua, nhưng khi người dân đã thấy được lợi ích của giáo dục với việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực để góp phần xóa đói giảm nghèo; khi công tác tuyên truyền đã khơi nguồn, đi đúng vào tâm lý của người dân, thì họ sẽ không hề tiếc nuối. Việc gia đình ông Đoan ở xã Vũ Sơn hiến 2520m2, ông Dương Hữu Toàn xã Tân Thành hiến 1306 m2, ông Dương Công Tuyển xã Quỳnh Sơn hiến 564m2…là biểu hiện sinh động sự ủng hộ giúp đỡ có hiệu quả của người dân Bắc Sơn với giáo dục, với tương lai của chính con em mình.
Sự vào cuộc của người dân không chỉ là hiến tặng đất đai, mà còn tham gia giám sát các công trình kiên cố hóa. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở các địa phương đã được thành lập và hoạt động khá hiệu quả. Những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ đến chất lượng của công trình đều được người dân phát hiện, phản ánh đến chủ đầu tư, hoặc trao đổi trực tiếp với nhà thầu để khắc phục.
Cùng đi với đoàn kiểm tra của HĐND tỉnh đến một số công trình kiên cố hóa, đồng chí Bí thư huyện ủy Bắc Sơn cho rằng, trong từng công trình cụ thể, vai trò của ban giám sát đầu tư của cộng đồng hết sức quan trọng nếu nó làm hết chức năng nhiệm vụ của mình. Cho dù trình độ chuyên môn của các thành viên Ban giám sát còn nhiều hạn chế, song những kiến thức sơ đẳng về xây dựng, những thứ có thể nhìn nhận và đánh giá một cách trực quan như mác bê tông, sắt, gạch…thì các thành viên có thể nhận biết và góp ý. Trên thực tế, nơi nào Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động hiệu quả, thì chất lượng công trình nơi ấy tốt hơn.
Khác với những chương trình khác, chương trình kiên cố hóa trường lớp học là loại công trình đặc biệt, vì nó liên quan đến sinh hoạt học tập của học sinh. Vì vậy nó đòi hỏi rất cao về tính hợp lý của thiết kế cũng như kỹ thuật xây dựng. Tinh thần làm chủ của người dân không chỉ là tạo điều kiện cho công trình được triển khai thuận lợi, mà còn góp phần làm cho nó tốt hơn, đẹp hơn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()