Công tác kiểm tra, giám sát thúc đẩy xây dựng Ðảng ta trong sạch, vững mạnh
Ðể bảo đảm cho tổ chức Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh trong tình hình hiện nay, không thể thiếu hoạt động kiểm tra, giám sát của Ðảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát trở thành tất yếu khách quan giúp cho Ðảng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu góp phần hoàn thành vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Kế thừa các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình phát triển luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Ðặc biệt trong 20 năm đầu của thời kỳ đổi mới, công tác kiểm tra của Ðảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Ðảng; thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; góp phần tăng cường, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn yếu, chất lượng và hiệu quả chưa cao; việc chủ động nắm chắc tình hình nhằm phát hiện sớm vi phạm vẫn chưa được thực hiện tốt, nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện; không ít tổ chức đảng và đảng viên bị vi phạm nhưng chưa được xử lý kịp thời; công tác tham mưu đề xuất cho cấp ủy tập trung kiểm tra ở những nơi, địa bàn trọng điểm còn hạn chế; công tác giám sát chưa thật mở rộng; một số địa phương, đơn vị chưa coi trọng nhiệm vụ kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, quyết liệt; không ít đơn vị, công tác kiểm tra, giám sát còn hình thức, kém hiệu quả.
Nhằm thường xuyên tăng cường công tác xây dựng Ðảng, qua mỗi nhiệm kỳ Ðại hội, quan điểm về công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng cũng được bổ sung, phát triển cho phù hợp với từng thời kỳ cách mạng và nhất là được thể hiện rõ ở tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) (2005-2010) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.
Trên cơ sở các quan điểm và định hướng đã được xác lập trong Nghị quyết chuyên đề này, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát cần được tập trung thực hiện trong thời gian tới góp phần xây dựng Ðảng trong sạch:
Một là, nâng cao nhận thức của toàn Ðảng, của mọi tổ chức đảng và đảng viên về vị trí, ý nghĩa công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.
Phải tiếp tục khẳng định: kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Ðảng, là bộ phận cấu thành trong toàn bộ công tác xây dựng Ðảng, là trách nhiệm của toàn Ðảng, của các tổ chức đảng và đảng viên. Ðảng Cộng sản Việt Nam đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Ðây là định hướng quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Song cần tiếp tục tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động nhằm làm cho công tác kiểm tra, giám sát thật sự có vai trò thúc đẩy sự hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các đảng bộ, là công cụ hữu hiệu ngăn ngừa sai phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng. Ðặc biệt trong tình hình hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Bởi vậy, các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy không được lơ là, cần nhận thức thật đầy đủ, chủ động và trực tiếp triển khai các nhiệm vụ về công tác kiểm tra, giám sát.
Hai là, đổi mới và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng; đổi mới hoạt động của công tác kiểm tra, giám sát.
Cần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chú trọng từ việc hoàn thiện, bổ sung các quy định, xây dựng ban hành nghị quyết đến việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Trước mắt tập trung triển khai, quán triệt Ðiều lệ Ðảng, Nghị quyết T.Ư khóa XI về xây dựng Ðảng, các quy định của Trung ương, của cấp ủy cấp trên và của cấp mình cho các tổ chức đảng, đảng viên trong toàn đảng bộ về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, quy chế, quy trình kiểm tra, giám sát của đảng bộ và cấp ủy cấp mình trong nhiệm kỳ; đồng thời phân công, tổ chức lực lượng thực hiện chương trình, kế hoạch, quy chế bảo đảm có hiệu quả thiết thực.
Ðổi mới hoạt động công tác kiểm tra, giám sát; cần xác định rõ nội dung đối tượng cho phù hợp. Thực hiện tốt các nhiệm vụ do Ðiều lệ Ðảng đặt ra và các nhiệm vụ do cấp ủy giao.
Cần tập trung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có dấu hiệu ban hành những văn bản trái với quy định, nơi có biểu hiện bao che cho vi phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành Ðiều lệ Ðảng, các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hiện phòng, chống tham nhũng lãng phí; việc rèn luyện phẩm chất, lối sống của đảng viên; việc chỉ đạo và thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; công tác cán bộ; việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…
Ủy ban Kiểm tra cần nắm vững thẩm quyền, trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ; đồng thời tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra cấp trên, tăng cường sự đồng thuận nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Ba là, tăng cường và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong tổ chức hoạt động cũng như trong công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật đảng, đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Ðảng, không có ngoại lệ. Các tổ chức đảng vừa là chủ thể, vừa là đối tượng kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của toàn Ðảng, quá trình thực hiện phải vận dụng tốt mối quan hệ giữa tự giác và bắt buộc, giữa tự phê bình và phê bình, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Phải thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản về công tác kiểm tra, giám sát. Thí dụ như nguyên tắc dựa vào tổ chức đảng, dựa vào tinh thần tự giác của tổ chức đảng và đảng viên, làm tốt công tác thẩm tra, xác minh; phát huy trách nhiệm xây dựng Ðảng của quần chúng nhân dân, tăng cường phối kết hợp với công tác kiểm toán, thanh tra của Nhà nước, thanh tra nhân dân, giám sát của các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, nghề nghiệp… quá trình thực hiện phải công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ.
Bốn là, tăng cường sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.
Ðảng ta đã khẳng định trong Ðiều lệ Ðảng: “Ðảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng”. Cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn mối liên hệ mật thiết giữa Ðảng với dân, khi nhân dân thực hiện tốt được vai trò giám sát, tham gia góp ý xây dựng Ðảng thì khi đó tạo nên mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa nhân dân với cán bộ, đảng viên; tổ chức đảng cũng như các thành viên của mình có điều kiện thuận lợi hoàn thiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Vì vậy, cần phát huy sự tham gia ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội vào việc hoạch định, xây dựng các chủ trương, chính sách, nghị quyết, nhất là những giải pháp chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường kỷ luật trong Ðảng.
Tổ chức tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, kiên quyết đấu tranh và xử lý những cán bộ, đảng viên hoặc tổ chức đảng, cơ quan có hành vi cản trở hay đối phó với sự giám sát, phản ánh của nhân dân đối với những sai phạm, tham nhũng trong tổ chức đảng cũng như ngoài xã hội.
Năm là, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần thực hiện tốt việc chủ động tham mưu cho cấp ủy và triển khai kiểm tra theo Ðiều 32 Ðiều lệ Ðảng.
Muốn đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, cần có sự liên hệ, gắn bó chặt chẽ giữa sự lãnh đạo của cấp ủy với sự chủ động tham mưu của Ủy ban Kiểm tra các cấp. Khắc phục tình trạng thụ động, chạy theo vụ việc. Cần có sự linh hoạt trong nắm tình hình mà chủ động đề xuất chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy theo từng thời gian, nội dung cụ thể cho phù hợp, hiệu quả.
Ủy ban Kiểm tra các cấp cần chú trọng kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm, coi đây thật sự là nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát; tránh lối tư duy né tránh, ngại va chạm. Tăng cường mở rộng phạm vi và đối tượng giám sát, coi trọng giám sát thường xuyên, kịp thời cảnh báo ngăn ngừa những khả năng xảy ra vi phạm, khuyết điểm. Xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm; gắn quá trình kiểm tra sau thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X) với việc xem xét, xử lý đảng viên vi phạm, và thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Tập trung giải quyết tốt các đơn thư tố cáo, khiếu nại của đảng viên và nhân dân, chú ý những nơi có những vấn đề nổi cộm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân ở cơ sở.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; xây dựng hệ thống bộ máy và đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
Tập trung đầu tư nghiên cứu cả ở tầm vĩ mô và vi mô; tăng khả năng dự báo về tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là những vi phạm mới do tác động của toàn cầu hóa, cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ. Chú trọng hoàn thiện các chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm. Ðịnh kỳ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các cấp tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm tra, giám sát theo các khu vực, lĩnh vực.
Xây dựng, hoàn thiện các quy định và đổi mới công tác tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, bố trí, luân chuyển, sử dụng, khen thưởng; đồng thời làm cơ sở để cán bộ phấn đấu, rèn luyện và khen thưởng khi lập thành tích; xem xét, xử lý trách nhiệm khi có khuyết điểm, vi phạm. Có chính sách hợp lý để thu hút, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh, tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng và ứng xử có văn hóa.
Ý kiến ()