Công tác khí tượng thủy văn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết
Lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành chỉ thị riêng cho ngành khí tượng thủy văn (KTTV), trong đó yêu cầu chú trọng đầu tư nâng cấp trang thiết bị, nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo KTTV trong phòng, chống thiên tai (PCTT), đặc biệt là nguy cơ xảy ra thiên tai nguy hiểm, bất thường. Để hiểu rõ hơn về chỉ thị quan trọng này, GS, TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đã chia sẻ với các cơ quan báo chí về những vấn đề có liên quan.
GS, TS Trần Hồng Thái. |
Phóng viên (PV): Thường trực Ban Bí thư vừa ký ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ý nghĩa của việc ban hành chỉ thị này với đất nước và ngành KTTV như thế nào, thưa ông?
GS, TS Trần Hồng Thái:Đây là lần đầu tiên ngành KTTV được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị riêng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác KTTV. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của công tác KTTV không chỉ trong phát triển bền vững mà còn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi thông tin, dữ liệu KTTV có vai trò, ảnh hưởng tới 11/17 Mục tiêu phát triển bền vững và đang là cơ sở dữ liệu “đầu vào” của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, nhất là đối với công tác PCTT. Thông tin KTTV giữ vai trò tối quan trọng ở cả 3 giai đoạn: Phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả. Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW thể hiện yêu cầu và nhìn nhận, đánh giá công tác KTTV là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây cũng là điều kiện tiên quyết, cơ sở chính trị hết sức quan trọng để ngành KTTV nỗ lực toàn diện các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
PV: Chỉ thị của Ban Bí thư đề cập đến chất lượng dự báo, cảnh báo, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KTTV. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
GS, TS Trần Hồng Thái:Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV của Việt Nam dần tiệm cận tới trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo KTTV có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; nguồn lực dành cho công tác KTTV còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV chưa được đầy đủ, thiếu thống nhất; năng lực, trình độ của cán bộ chưa đồng đều, chưa làm chủ được một số công nghệ hiện đại; tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm chưa được quan tâm đúng mức.
Hệ thống máy chủ CRAY phục vụ dữ liệu lớn cho hệ thống dự báo khí tượng thủy văn. Ảnh: LINH HẠNH |
PV: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KTTV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chỉ thị đã đưa ra những giải pháp cụ thể thế nào, thưa ông?
GS, TS Trần Hồng Thái:Chỉ thị nêu rõ, ngành KTTV phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến khu vực châu Á. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV. Công tác KTTV là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục, phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu với độ tin cậy, chính xác cao; chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng, trang thiết bị theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTV; củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác KTTV, gắn với đổi mới phương thức hoạt động hiệu quả; phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là người đứng đầu.
Bên cạnh đó, cần kết hợp nguồn lực từ ngân sách nhà nước với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế cho công tác KTTV. Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động KTTV của quốc gia, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV. Chỉ thị cũng yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chỉ thị.
Với trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, ngành KTTV sẽ phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, sáng tạo, đổi mới để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()