LSO-Hiện nay, mạng lưới giao dịch của các Ngân hàng thương mại không ngừng mở rộng, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Từ đó, các ngân hàng thu hút khách hàng, tăng nguồn huy động vốn, góp phần đầu tư cho phát triển kinh tế của địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 ngân hàng đang hoạt động, trong đó có 2 ngân hàng chính sách, 8 ngân hàng thương mại. Mạng lưới giao dịch của các ngân hàng mở rộng, không chỉ phục vụ ở các khu dân cư thành thị mà đã hướng đến các đối tượng khách hàng ở nông thôn. Cùng với đó, các ngân hàng từng bước trang bị máy móc công nghệ cao, chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới có nhiều tiện ích... Với những đổi mới đó, đặc biệt là từ khi có dịch vụ thẻ ATM, lượng khách hàng đến với Ngân hàng ngày càng đông hơn, giao dịch tại các ngân hàng trở nên sôi động hơn. Trong vòng 5 năm trở lại đây, người dân...
LSO-Hiện nay, mạng lưới giao dịch của các Ngân hàng thương mại không ngừng mở rộng, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Từ đó, các ngân hàng thu hút khách hàng, tăng nguồn huy động vốn, góp phần đầu tư cho phát triển kinh tế của địa phương.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 ngân hàng đang hoạt động, trong đó có 2 ngân hàng chính sách, 8 ngân hàng thương mại. Mạng lưới giao dịch của các ngân hàng mở rộng, không chỉ phục vụ ở các khu dân cư thành thị mà đã hướng đến các đối tượng khách hàng ở nông thôn. Cùng với đó, các ngân hàng từng bước trang bị máy móc công nghệ cao, chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới có nhiều tiện ích… Với những đổi mới đó, đặc biệt là từ khi có dịch vụ thẻ ATM, lượng khách hàng đến với Ngân hàng ngày càng đông hơn, giao dịch tại các ngân hàng trở nên sôi động hơn. Trong vòng 5 năm trở lại đây, người dân Lạng Sơn đã quen thuộc với các dịch vụ ngân hàng, từ dịch vụ truyền thống cho vay, gửi tiền tiết kiệm đến các giao dịch hiện đại chuyển khoản, thanh toán… Từ các dịch vụ, ngân hàng đã thu hút một lượng khách hàng lớn, tăng cường nguồn huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư.
|
Giao dịch tín dụng ở Chi nhánh ngân hàng Công Thương Lạng Sơn |
Bên cạnh thực hiện các bước đổi mới, hiện đại hoá hoạt động ngân hàng, không ngừng nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, các ngân hàng còn có những giải pháp huy động bằng nhiều hình thức: phát hành các kì phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, gửi tiết kiệm ngắn hạn, trung và dài hạn với nhiều mức lãi suất cụ thể, hấp dẫn, kèm theo đó là những giải pháp về khuyến mại, marketing… Đặc biệt, bộ phận tiếp thị, chăm sóc khách hàng luôn làm tốt nhiệm vụ tư vấn, tìm hiểu, tiếp thị… các sản phẩm dịch vụ tới khách hàng. Điển hình, với dịch vụ thẻ ATM đang phát triển, các ngân hàng đã tận dụng việc mở rộng trả lương qua hệ thống máy ATM để huy động vốn. Công tác huy động vốn trong những tháng đầu năm 2011 có nhiều khó khăn do lãi suất, giá vàng… và nhiều yếu tố khác của thị trường tác động. Mặt khác, các ngân hàng phải chấp hành nghiêm túc mức lãi suất huy động không vượt quá 14%/năm quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN. Tuy nhiên, với một hệ thống các giải pháp đồng bộ và tích cực, nguồn vốn huy động của các ngân hàng vẫn tăng trưởng, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 5/2011 đạt 6.280 tỷ đồng, tăng 515 tỷ đồng so với năm 2010. Trong đó, ngân hàng chiếm thị phần huy động vốn lớn là: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2.305 tỷ đồng, chiếm 36,7%; Ngân hàng Đầu tư và phát triển 1.654 tỷ đồng, chiếm 26,3%; Ngân hàng TMCP Công thương 896 tỷ đồng, chiếm 14,3%.
Từ nguồn vốn huy động, các ngân hàng thương mại đã đảm bảo đầu tư tín dụng, thanh toán, chi trả cho khách hàng. Trong bối cảnh cạnh tranh, khó khăn hiện nay, các ngân hàng đều nỗ lực thực hiện các giải pháp về đổi mới và chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ… hướng tới các nhu cầu của khách hàng. Đó cũng là điều kiện bắt buộc để tăng trưởng số dư huy động, đảm bảo các hoạt động thanh toán và đầu tư, tiếp tục thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.
Lâm Như
Ý kiến ()