Thứ 7, 23/11/2024 07:08 [(GMT +7)]
Công tác hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh bậc THCS
Thứ 4, 05/05/2010 | 15:19:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Hoạt động hướng nghiệp dạy nghề được áp dụng đối với học sinh (HS) THCS và THPT trong nhà trường đã nhiều năm. Song, tới nay việc tổ chức học và hiệu quả dạy nghề hướng nghiệp trong các nhà trường vẫn là điều cả thầy, trò và các bậc phụ huynh quan tâm.
Dạy nghề, hướng nghiệp là một hoạt động giáo dục không được cộng điểm vào các môn học chính mà để đánh giá ý thức, hạnh kiểm của HS. Sau khóa học, HS được cấp chứng chỉ và dựa vào học lực để được cộng từ 1 điểm (loại Khá) đến 1,5 điểm (loại Giỏi) trong kỳ thi tốt nghiệp, chuyển cấp. Mục đích của công tác này nhằm chuẩn bị mọi mặt cho HS sẵn sàng đi vào lao động sản xuất sau khi ra trường; bồi dưỡng, hướng dẫn việc chọn nghề của HS cho phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, đồng thời phù hợp với năng khiếu cá nhân của từng em. Việc dạy nghề cho HS bậc THCS giúp các em HS làm quen với các nghề phổ thông, rèn luyện trải nghiệm lao động và phát hiện sở trường, góp phần phân luồng và chuẩn bị cho HS lớp 9 lựa chọn các ban ở THPT một cách hợp lý.
Ươm giống cây thông con – một trong những kỹ thuật làm vườn. |
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Trưởng phòng GD & ĐT huyện Chi Lăng: Các trường THCS trên địa bàn đã tổ chức cho các em HS học nghề từ đầu năm lớp 8, học 2 tiết/tuần và đầu năm lớp 9 sẽ tiến hành thi. Như vậy, các em vừa không phải học trong hè, vừa giảm áp lực học tập và có thời gian đầu tư ôn thi tốt nghiệp khi bước vào cuối cấp. Ở huyện Chi Lăng, hầu hết các em tham gia học nghề làm vườn vì phù hợp với đặc điểm của địa phương. Những giáo viên được phân công giảng dạy rất nhiệt tình, truyền đạt kiến thức dễ hiểu, HS hứng thú học nghề. Điều đó phản ánh qua việc nhiều năm học kết quả thi nghề đều cao.
Tuy nhiên, có một thực tế, ở các nhà trường không có biên chế cho giáo viên dạy nghề, hướng nghiệp phổ thông chuyên trách. Hầu hết giáo viên dạy môn Sinh Vật dạy làm vườn, giáo viên dạy Vật Lý kiêm dạy nghề điện dân dụng, trừ giáo viên dạy Công nghệ thông tin được đào tạo bài bản. Hoạt động hướng nghiệp dạy nghề chủ yếu dạy trong nhà trường với rất ít thiết bị, vật liệu để thực hành. Giáo viên trong nhà trường chỉ đảm bảo dạy đầy đủ phần lý thuyết, còn phần thực hành thì cũng chỉ được “học trên lý thuyết”. Ở Chi Lăng, 22 đơn vị trường học có dạy nghề cho HS nhưng chỉ 8 đơn vị có phòng máy. Nhiều HS, nhất là HS vùng 3 phải chuyển sang học các nghề khác mà các em không thích, không mong muốn khi bước vào đời. Đây không chỉ là thực trạng của công tác dạy nghề ở huyện Chi Lăng. Cô Nguyễn Thị Minh Thùy, giáo viên dạy môn Tin học trường THCS thị trấn Đồng Mỏ cho biết, các em HS rất thích học môn Tin học vì có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư đầy đủ trang thiết bị học tập nên nhiều em không được học nhóm nghề ưa thích vì thế chưa có sự say mê với nghề mình phải học thay thế. Như vậy, xem như công tác dạy nghề hướng nghiệp chỉ được coi là có. Không ít HS chẳng ngần ngại nói rằng: học nghề chỉ là hình thức, cái chính là chúng em được cấp chứng chỉ học nghề phổ thông để được cộng điểm cho kỳ thi tốt nghiệp, chuyển cấp. Như vậy, vô hình chung, học nghề trở thành “phao cứu sinh” cho HS yếu.
Để làm tốt công tác hướng nghiệp dạy nghề trong nhà trường, thiết nghĩ nên dành nhiều thời gian tổ chức giờ học ngoại khóa, chuyên đề về nghề nghiệp với HS; các cơ sở sản xuất, các cán bộ nghiệp vụ có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ trường phổ thông bồi dưỡng hướng nghiệp, tạo điều kiện để HS thực tế tại các nhà máy, xưởng sản xuất, các loại hình hoạt động quản lý nhà nước để các em tiếp cận với các nghề trong xã hội; các ngành chức năng quan tâm, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất… để thầy và trò các nhà trường có điều kiện học những nghề cơ bản đang cần phát triển ở địa phương, giúp HS hứng thú và nâng cao năng lực nghề nghiệp trong tương lai.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()