LSO-Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), triển khai Chương trình quốc gia PBGDPL giai đoạn 2005-2010 và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, những năm học vừa qua, mặc dù đã có những nỗ lực trong công tác PBGDPL, song hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.
Pháp luật mới đến…giáo viên
Với nhận thức GDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn ngành. Việc PBGDPL trong đội ngũ cán bộ giáo viên (CBGV) luôn được quan tâm với nhiều hình thức khác nhau. Trong chương trình tập huấn bồi dưỡng hè, đội ngũ CBGV được cập nhật những nội dung pháp luật. Việc phổ biến và quan triệt thực hiện luật pháp được đưa vào nội dung của các cuộc sinh hoạt chi bộ, hội đồng nhà trường, các tổ chuyên môn theo hướng sát thực như pháp luật về giáo dục; phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Lao động; Luật Giao thông đường bộ; Luật phòng chống ma túy, mại dâm; pháp lệnh về dân chủ ở cơ sở…
Việc thực hiện luật pháp của nhà nước trong đội ngũ CBGV gắn với những vấn đề thiết thực và được lồng ghép với các phong trào, các cuộc vận động của ngành như Chỉ thị 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD; Chỉ thị về “Nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (QLGD)”, bao trùm là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
tled-2-copy.jpg” alt=””> |
Học sinh thăm quan khu lưu niệm Bác Hồ ở huyện Tràng Định Ảnh: Thanh Hòa |
Sự chuyển biến rõ nét trong đội ngũ CBGV các nhà trường là ý thức tự giác chấp hành luật pháp của mỗi CBGV; phòng chống có hiệu quả tình trạng TNXH xâm nhập học đường. Việc thực hiện pháp luật cộng với tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của đội ngũ là nhân tố cơ bản để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD, tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Mỗi đảng viên, CBGV trở thành những công dân mẫu mực trong các khu dân cư; là nòng cốt trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khối phố, thôn bản văn hóa.
…Chưa tạo sự chuyển biến đến người học
Qua phản ánh của một số nhà trường, có một thực trạng chung là thiếu thời gian và đội ngũ cán bộ làm công tác bồi dưỡng GDPL cho người học do “gánh nặng” về thời lượng chương trình. Một số nhà trường có quan tâm mời cán bộ tuyên giáo, cảnh sát giao thông, Ban chỉ huy QS huyện, tư pháp, Trung tâm dân số… tuyên truyền PBGDPL, mà trọng tâm là ATGT, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, về sức khỏe sinh sản vị thành niên… Tuy vậy, thời lượng của các chương trình này cũng quá ít, chưa đủ để cung cấp kiến thức nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho người học.
Hiện nay, việc dạy pháp luật trong nhà trường được thực hiện lồng ghép trong một số bộ môn, nhưng chủ yếu là bộ môn Giáo dục công dân (GDCD). Nhìn vào Chương trình môn GDCD cấp THPT hiện nay có thể thấy trong suốt 105 tiết học, nội dung chỉ nặng về giáo dục nhận thức, mà nhẹ về giáo dục hành vi; trong khi đặc điểm nhận thức là “từ trực quan sinh động đến tư duy trìu tượng” và “từ tư duy trìu tượng đến thực tiễn”.
Nhiều giáo viên có ý kiến rằng, GDPL cho người học, đặc biệt là học sinh các cấp THCS và THPT cần phải cụ thể, sát thực để các em có thể chuyển đổi hành vi của mình. Ví dụ, khi đề cập đến Chỉ thị về “Chống tiêu cực trong thi cử…” nội dung của chỉ thị được thực hiện ngay trong các giờ kiểm tra, thi cử; học về Luật Giao thông đường bộ, cần tạo sự chuyển biến ngay trong hành vi tham gia giao thông của học sinh… Một số luật, pháp lệnh do thiếu quỹ thời gian nên ít được cập nhật và không được lồng ghép. Vì vậy người học chỉ hiểu “lơ mơ” và ít có tác dụng điều chỉnh hành vi của các em khi ra ngoài xã hội. Do chính bộ môn GDCD và các hình thức lồng ghép “có vấn đề”, mà tình trạng thanh thiếu niên nói chung và học sinh nói riêng vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng.
Giải pháp nào cho GDPL trong nhà trường
Nhà trường gồm người dạy và người học, người dạy “thấm” pháp luật, nhưng không có điều kiện “truyền đạt” cho người học, đó là thực trạng. Cải tiến chương trình theo hướng giảm kiến thức “hàn lâm” là công việc thuộc các chuyên gia và những nhà QLGD, song trước mắt cần tăng thời gian cho môn học này, tránh tư tưởng coi đây là “môn phụ”. Mặt khác, đổi mới hình thức PBGDPL cho người học theo hướng thiết thực, hiệu quả là việc làm mang tính cấp bách. Chúng ta đã kiện toàn đội ngũ giáo viên môn GDCD, song cần được bồi dưỡng nhiều hơn, chuyên sâu hơn để có thể đổi mới công tác giáo dục đạo đức và pháp luật cho học sinh.Song song với trang bị tủ sách giáo khoa dùng chung, tủ sách văn hóa, cần trang bị một cách đồng bộ và cập nhật tủ sách pháp luật cho các nhà trường; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với các ngành chức năng trong bồi dưỡng pháp luật; giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh, nhằm lấp dần “khoản trống” thiếu ý thức chấp hành pháp luật của các công dân tương lai.
Ý kiến ()