Công tác giáo dục mầm non ở Nhạc Kỳ còn nhiều khó khăn
LSO – Cuối tháng 9/2012, chúng tôi có dịp về với xã Nhạc Kỳ, một xã vùng 3 của huyện Văn Lãng. Ấn tượng đầu tiên là con đường liên xã đi qua trụ sở UBND xã làm còn dở dang, các đường nhánh liên thôn cũng chưa được bê tông hóa toàn bộ, mà chỉ một vài nhánh chính đã làm xong. Đời sống nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, chính vì vậy mà công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là cấp học mầm non còn nhiều hạn chế.
Theo số liệu thống kê của UBND xã, hiện nay, Nhạc Kỳ có 7 thôn bản, 344 hộ với 1.624 nhân khẩu. Do đặc thù là xã vùng khó khăn, nhiều thôn bản hẻo lánh nên các lĩnh vực nói chung, giáo dục nói riêng chưa có điều kiện phát triển, nhất là giáo dục mầm non. Hiện nay, xã Nhạc Kỳ chưa có trường mầm non riêng mà vẫn ghép chung với trường tiểu học. Trong năm học 2011-2012, cấp học mầm non có 3 lớp với 27 trẻ, chiếm 75% so với tổng số 36 trẻ trên địa bàn. Kết thúc năm học, số trẻ ra lớp đạt 31/36 cháu, đạt 86,1%; khối lớp 5 tuổi là 15/15 cháu, đạt 100%. Ông Hà Văn Tuyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: năm học 2011-2012 là năm thứ hai nhà trường chỉ đạo thực hiện giáo dục mầm non mới trong toàn trường. Chính vì thế vào đầu năm học, nhà trường đã chủ động chỉ đạo tổ chuyên môn cũng như giáo viên xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường đầu tư trang thiết bị giáo dục, tài liệu, phương tiện cho cấp học giáo dục mầm non để thực hiện theo chương trình mới. Đồng thời tổ chức trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm và hỗ trợ việc thực hiện chương trình trong tổ về các tiết dạy mẫu, hướng dẫn cách xây dựng kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ, xây dựng mục tiêu chủ đề tổ chức các hoạt động cho trẻ theo hướng tích cực.
Bước vào năm học 2012-2013, cấp học mầm non ở xã Nhạc Kỳ có 4 lớp, với 36 trẻ, trong đó có 1 lớp nhóm trẻ, 3 lớp mầm non. Hiện nay trường thực hiện học 2 buổi/ngày, cả nhóm trẻ và mẫu giáo đều không thực hiện ăn bán trú; mẫu giáo 5 tuổi cũng không có lớp tách riêng mà học ghép theo 3 độ tuổi tại trường chính và các điểm phân trường khác. Cô giáo Hoàng Thị Nhiệm, phụ trách cấp học mầm non của xã cho biết: như các chị thấy đấy, xã chúng tôi khó khăn đủ bề, lớp mầm non chỉ có bấy nhiêu trẻ thôi nên việc tách trường cũng khó, không đủ số lượng theo yêu cầu của ngành. Hiện nay, chúng tôi có 2 lớp ở điểm trường chính, 1 lớp ở phân trường thôn Lương Thác, 1 lớp ở phân trường thôn Khun Phung.
Mặc dù đã được quan tâm đầu tư song thực tế, các thiết bị phục vụ cho công tác dạy học của cấp học mầm non còn nhiều hạn chế. Chúng tôi vào một lớp mầm non tại trường chính thì đồ dùng phục vụ cho dạy học ở đây còn rất sơ sài, chỉ có một số đồ dùng thiết yếu phục vụ giảng dạy, các chủ đề, chủ điểm, góc hoạt động của bé còn thiếu…
Nói về những khó khăn trong công tác giáo dục mầm non, ông Tuyền cho biết thêm: chúng tôi đã tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương quy hoạch đất cho cấp học mầm non, đầu tư kinh phí xây dựng lớp học đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Tuy nhiên, mặt bằng chung của xã còn nhiều khó khăn nên những kiến nghị, đề xuất đó vẫn chưa được thực hiện. Vì thế, chúng tôi tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện hiệu quả những mục tiêu đề ra trong năm học này. Theo đó, chúng tôi phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ thấp còi ở độ tuổi mẫu giáo, đạt các tiêu chí về chất lượng giáo dục trẻ toàn diện, trong đó trẻ ra lớp 5 tuổi năm học này là 12/12 trẻ. Cùng với đó, chúng tôi tăng cường công tác quản lý chỉ đạo, thực hiện nề nếp quy chế chuyên môn, tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, thực hiện tốt các chuyên đề về đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, giáo dục về môi trường, phổ biến kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ cho các bậc phụ huynh trên địa bàn.
Rời xã Nhạc Kỳ khi chiều còn vương nắng, trên những con đường làng trẻ em đang nô đùa, tiếng cười trẻ thơ hồn nhiên như níu bước chân của chúng tôi. Và sau chuyến đi này, chúng tôi mong rằng, dịp quay trở lại, bộ mặt nông thôn xã Nhạc Kỳ sẽ đổi thay và lúc đó Nhạc Kỳ sẽ có trường mầm non…
Ý kiến ()