Thứ 7, 23/11/2024 02:37 [(GMT +7)]
Công tác giáo dục dân tộc ở Lộc Bình
Thứ 5, 15/03/2012 | 08:47:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Là một huyện có diện tích rộng, nhiều đơn vị xã, thị trấn, trong đó có nhiều xã vùng cao, biên giới dân tộc, trong những năm qua, Lộc Bình luôn quan tâm đến công tác giáo dục dân tộc (GDDT), coi đây là giải pháp chủ yếu nâng cao dân trí, bồi dưỡng chất lượng nguồn nhân lực để đồng bào các dân tộc vươn lên giảm nghèo bền vững.
Giờ vui chơi ở khu nội trú của học sinh Trường PTDT bán trú xã Lợi Bác (Lộc Bình)
Điểm yếu nhất của học sinh dân tộc nói chung và ở Lộc Bình nói riêng là khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng giao tiếp xã hội, hình thành kỹ năng sống – các yếu tố để sau này các em có thể tự lập thân lập nghiệp trong thời đại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Vì vậy, thực hiện chủ trương của ngành, ngành GD Lộc Bình đã chỉ đạo các nhà trường triển khai nội dung Tiếng Việt và tăng cường Tiếng Việt cho học sinh ngay từ cấp học mầm non. Chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tăng cường công tác quản lý và thực hiện giáo dục dân tộc; tăng các lớp bán trú, lớp 2 buổi/ ngày, dạy học tăng thời lượng, dạy tích hợp các bộ môn; quan tâm giáo dục kỹ năng sống và khả năng hội nhập. Làm việc với chúng tôi, Trưởng phòng GD huyện cho rằng, chính việc thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại các trường chuyên biệt, các trường vùng cao, biên giới, vùng ĐBKK, đảm bảo 100% CBGV được hưởng chính sách theo quy định. Bên cạnh đó, quan tâm bồi dưỡng về chuyên môn, tạo điều kiện và cơ hội cho các thày cô giáo vươn lên trở thành giáo viên giỏi, tạo nhân tố mới cho công tác giáo dục ở vùng dân tộc, vùng ĐBKK. Việc 1 giáo viên môn Sinh- Địa và 1 giáo viên môn Tiếng Anh ở trường THCS xã Hữu Lân đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh trong hội thi vừa qua là một minh chứng điển hình.
Thực hiện tốt chính sách về giáo dục dân tộc ở Lộc Bình còn được thể hiện ở công tác tuyển sinh, chế độ cử tuyển, chính sách đối với học sinh, giáo viên, cán bộ công tác tại vùng dân tộc miền núi, chính sách hỗ trợ công tác phổ cập học sinh THCS… công khai minh bạch đúng chế độ, có tác dụng thu hút và động viên học sinh dân tộc đi học, thu hút và “giữ chân” giáo viên giỏi gắn bó với vùng dân tộc đã tạo sự đồng thuận cao của người dân, động viên họ cho con đến trường, chống lưu ban bỏ học. Ngoài việc thực hiện tốt việc duy trì loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, việc thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú chính là “cú hích” mạnh để đưa công tác giáo dục dân tộc lên một bước mới. Từ lâu nay, cái khó của công tác GDĐT huyện Lộc Bình, nhất là giáo dục cấp THCS vẫn gặp nhiều trở ngại. Với việc phân bố mỗi xã 1 trường THCS, thì học sinh các xã vùng cao, vùng khó khăn thường đi xa từ 10-15 cây số từ thôn bản ra xã. Học sinh còn nhỏ, đường sá xa xôi, nhiều em thấy rất nản chí; nhiều gia đình không có khả năng cho con trọ học trong suốt 3 năm theo học. Trong khi quy mô của trường phổ thông dân tộc nội trú còn có hạn, thì chính chủ trương của Chính phủ cho phép mở loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú đã mang lại cơ hội cho nhân dân các dân tộc thiểu số. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Lợi Bác nói rằng, việc thành lập trường phổ thông dân tộc THCS bán trú đã tạo cơ hội cho con em các dân tộc trong xã có điều kiện học lên. Sự hạn chế về học hành của học sinh dân tộc ngoài yếu tố về địa hình, đường sá, còn có yếu tố quan trọng là khả năng kinh tế của người dân. Việc trường phổ thông dân tộc bán trú ra đời đã khắc phục được 2 vấn đề này. Còn các thầy các cô ở trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mẫu Sơn thì cho rằng, nếu không thành lập trường THCS dân tộc bán trú ở khu vực phía tây Mẫu Sơn, thì với địa hình rất khó khăn, học sinh các thôn như Khuổi Lầy, Khuổi Tẳng… cũng chỉ học hết lớp 5 rồi ở nhà theo bố mẹ phát nương làm rẫy.
Thực hiện Thông tư 24/2010/TT-BGD&ĐT, ngày 2/8/2010 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú, ngay trong năm học 2011-2012, ngành GD Lộc Bình đã chuyển đổi và thành lập được 4 trường (trường THCS bán trú xã Ái Quốc, trường Tiểu học bán trú xã Ái Quốc, trường THCS bán trú xã Mẫu Sơn và trường THCS bán trú xã Lợi Bác). “Vạn sự khởi đầu nan”, việc chuyển đổi và thành lập loại hình phổ thông dân tộc bán trú dựa trên CSVC của trường phổ thông, nên cũng chỉ có phòng học và nhà công vụ giáo viên, chưa hội đủ các điều kiện để tổ chức ăn, ở cho các cháu. Sự tham mưu của ngành GD, vai trò lãnh đạo và chỉ đạo cũng như sự khâu nối trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong và ngoài địa phương đã từng bước tháo gỡ được vấn đề nan giải. Với khu nhà nội trú học sinh và các dụng cụ phục vụ do các cơ quan đơn vị tài trợ như Công an tỉnh, Đoàn thanh niên…một số trường đã ổn định nơi ở cho các cháu.
Tuy nhiên, điều kiện ăn ở sinh hoạt của học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú còn nhiều khó khăn, nhất là về nơi ở. Trong khi nguồn lực nhà nước còn có hạn, thì nguồn lực địa phương có vị trí quyết định trong việc cải thiện sinh hoạt cho các cháu. Được như vậy, tác động của các chính sách về giáo dục dân tộc sẽ mạnh hơn, đồng bào các dân tộc cảm nhận đầy đủ hơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với họ.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()