Công tác giáo dục dân tộc ở Cao Lộc: Hiện thực hóa chính sách của Đảng tới người dân
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cao Lộc trong giờ thí nghiệm môn hóa học
Đưa chính sách giáo dục dân tộc vào cuộc sống
Tọa lạc trên vùng đất bãi ven sông Kỳ Cùng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Cao Lộc nổi lên như một điểm sáng về công tác giáo dục dân tộc của huyện. Khu lớp học, khu nội trú với những ngôi nhà cao tầng khang trang sạch đẹp là nơi nuôi dạy trên 250 học sinh là con em các dân tộc: Tày, Nùng, Dao của các xã trong huyện. Dẫn chúng tôi đi thăm nơi ăn chốn ở của các cháu, cô giáo Hoàng Thị Phương Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: là những người trực tiếp đưa chính sách, chế độ của Đảng và nhà nước trở thành hiện thực cuộc sống hàng ngày của học sinh, đội ngũ giáo viên ở đây luôn làm tròn 2 “vai”: là cha, mẹ và là thầy cô của các em. Được nuôi dưỡng, rèn luyện trong 4 năm, từ những học sinh mới hoàn thành cấp tiểu học đến khi tốt nghiệp cấp THCS, các em luôn được sống trong tình yêu thương gắn bó thầy trò, bè bạn… Khi ra trường để học chuyên nghiệp, các em cảm nhận được sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với bản thân mình, để cố gắng hơn trên bước đường đi tới. Là trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) đầu tiên của cả tỉnh, được sự chăm lo của Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan đoàn thể của huyện Cao Lộc, Trường phổ thông DTBT xã Công Sơn luôn giữ vị trí tiên phong trong 85 trường phổ thông DTBT của toàn ngành GD&ĐT Lạng Sơn. Từ những chập chững đầu tiên, 4 năm qua, mái trường bán trú này đã trở thành “ngôi nhà chung” của con em đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Chính sự chuyển đổi nhanh loại hình đã giúp xã Công Sơn phát triển khá nhanh và toàn diện. Sau Công Sơn là Mẫu Sơn, Thanh Lòa với hàng trăm học sinh các cấp có nơi ăn, chốn ở, được học tập, rèn luyện và bồi dưỡng về kỹ năng sống, hình thành nhân cách sống. Ngoài các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, năm học 2014-2015, toàn huyện có 12 trường phổ thông từ cấp tiểu học đến THCS vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có học sinh bán trú với 621 học sinh là người dân tộc thiểu số. Trên cơ sở điều tra, khảo sát, thống kê kịp thời, ngành GD&ĐT đã tổ chức chi trả các nguồn hỗ trợ cho học sinh theo đúng chế độ chính sách với 325 học sinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, 326 học sinh được hỗ trợ gạo. Cùng với đó là hàng trăm học sinh của 2 trường THPT được hỗ trợ tiền ăn, ở, chu cấp gạo; hàng ngàn học sinh trường mầm non từ 3-5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn trưa theo đúng chế độ.
Huy động nhiều nguồn hỗ trợ cho giáo dục dân tộc
Là một huyện còn nghèo, thêm mỗi công trình cho giáo dục là một sự chắt chiu dành dụm của toàn huyện. Hơn ở đâu hết, khẩu hiệu “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển” luôn được thực hiện một cách chu đáo ở Cao Lộc. Hàng chục tỷ đồng để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, hỗ trợ nhà bán trú, bếp bán trú cho các trường mầm non và phổ thông dân tộc bán trú đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Hữu Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: trong vốn ngân sách hạn hẹp của huyện, mỗi sự đầu tư cho nhà trường cũng phải tính toán lắm để làm sao mang lại hiệu quả tức thời là cải thiện điều kiện ăn ở, học hành của học sinh vùng cao; vì học sinh vùng cao, học sinh dân tộc là những đối tượng đặc biệt, cần phải có sự quan tâm đặc biệt. Tất cả các chương trình, dự án của giáo dục đều được ngành GD&ĐT Cao Lộc đưa đến các trường vùng biên giới, dân tộc và vùng khó khăn như chương trình trường học mới VNEN, chương trình SEQĂP để học sinh dân tộc được hưởng lợi. Hỗ trợ cho các trường vùng cao, vùng dân tộc luôn được các ngành, các cơ quan đoàn thể của tỉnh và huyện Cao Lộc xác định là trách nhiệm xã hội cao cả của mình. Mỗi khi bước vào năm học mới, mỗi khi mùa đông đến, học sinh các trường bán trú thiếu chăn ấm, thiếu phương tiện sinh hoạt là cán bộ các cấp các ngành ngủ chưa yên. Cán bộ giáo viên toàn huyện, mặt trận Tổ quốc, công an huyện, hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên Cao Lộc… chính là “điểm tựa” vững chắc để học sinh các nhà trường vươn lên. Với ti vi, bàn ăn, ghế ngồi, tủ bát, 280 cặp áo phao trị giá trên 25 triệu đồng do Công an huyện trao tặng; với sự chăm lo thường xuyên của đơn vị kết nghĩa là trường Tiểu học thị trấn Đồng Đăng… học sinh Trường phổ thông DTBT xã Mẫu Sơn có nơi ăn ở đàng hoàng hơn, học sinh đi học qua sông, suối đỡ rủi ro hơn. Từ những cây xanh mà cán bộ, đoàn viên thanh niên xã Xuất Lễ dày công tìm kiếm tại những cánh rừng để đưa về trường, khuôn viên trường mầm non của xã thêm xanh hơn, đẹp hơn để các cháu vui chơi…
Làm việc với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Hồng Thúy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho rằng: trải qua bao thế hệ, các dân tộc thiểu số của huyện Cao Lộc luôn là những người bám đất, bám rừng, gìn giữ biên cương Tổ Quốc; họ chính là những người xây dựng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện thực hóa chính sách của Đảng và nhà nước tới từng nhà trường, từng học sinh chính là tiếp thêm nguồn lực để các thế hệ người dân tộc thiểu số vươn lên và hòa nhập với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ý kiến ()