Công tác đối ngoại: Thúc đẩy hợp tác quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội
LSO-Trong những năm qua, công tác đối ngoại của tỉnh Lạng Sơn đã được triển khai một cách chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa.
LSO-Trong những năm qua, công tác đối ngoại của tỉnh Lạng Sơn đã được triển khai một cách chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa. Công tác đối ngoại đã giúp Lạng Sơn mở rộng quan hệ đối ngoại nhân dân, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Phó Thủ tướng Lào (thứ ba, hàng đầu từ trái sang) thăm cửa khẩu Tân Thanh (tháng 10/2011) |
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 17/3/2008 của BTV Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác đối ngoại trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đến 2010 và những năm tiếp theo”, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị và các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ, công tác đối ngoại trong tình hình mới đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đồng thời chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của mỗi cơ quan đơn vị. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh luôn được triển khai đồng bộ, đảm bảo tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng hoạt động đối ngoại cụ thể. Đặc biệt, công tác hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế thu được nhiều kết quả. Tỉnh ta đã tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, vận động viện trợ; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu thị trường và triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh, viện trợ. Thông qua tiếp xúc, hội đàm đã chủ động trao đổi, đề xuất với phía Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách biên mậu, trao đổi hàng hóa; ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tuân thủ, thực hiện nghiêm các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập; tăng cường công tác ký kết và thực hiện thỏa ước quốc tế. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã ký kết tổng cộng 7 thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND tỉnh; trong đó có 5 thỏa thuận ký kết với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), 1 thỏa thuận với Ngân hàng Châu Á (ADB) và 1 thỏa thuận với Tổ chức VECO (Bỉ). Các thỏa thuận đã ký kết đều được tích cực triển khai thực hiện. Hoạt động giao lưu trao đổi đoàn, hợp tác quốc tế diễn ra tương đối sôi động. Từ năm 2008 đến năm 2012, đã có gần 400 đoàn khách quốc tế với gần 2.800 lượt người gồm các cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài đến thăm chính thức, giao lưu hữu nghị, làm việc với lãnh đạo tỉnh, khảo sát, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu thị trường, xúc tiến hợp tác, tham quan học tập, hoạt động báo chí. Trong đó có nhiều đoàn lãnh đạo cấp Nhà nước, lãnh đạo cấp bộ, ngành trung ương và đại sứ quán các nước đến thăm, làm việc tại tỉnh. Trong 5 năm, đã có 740 đoàn với trên 4.700 lượt cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đi khảo sát, xúc tiến hợp tác, tham dự hội nghị, hội thảo, đào tạo, bồi dưỡng, tham quan, học tập tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đến hết năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 224,5 triệu USD; 22 dự án ODA được triển khai với tổng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng. Đặc biệt tỉnh ta đã vận động và tiếp nhận được 55 dự án phi chính phủ nước ngoài (NGO) vào địa bàn tỉnh với tổng giá trị cam kết gần 4,7 triệu USD. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 22 chương trình dự án, phi dự án của 12 tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào thực hiện trên địa bàn tỉnh với trị giá cam kết gần 3,3 triệu USD. Từ những kết quả đạt được, công tác đối ngoại đã và đang từng bước phát huy được vai trò cầu nối, xúc tiến và thúc đẩy hợp tác quốc tế, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi về mảnh đất, con người, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa của Lạng Sơn đến với bạn bè quốc tế.
Hàng hoá xuất nhập khẩu tập kết tại Ga Quốc tế Đồng Đăng |
Để tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 26- CT/TU, trước mắt công tác đối ngoại của tỉnh cần phải được các cấp, các ngành tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, công tác quản lý, định hướng, dự báo, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động đối ngoại cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và an ninh, quốc phòng. Tiếp tục duy trì và phát huy cơ chế phối hợp hiện có giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc). Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế để tạo sự chuyển biến tích cực trong triển khai các hoạt động đối ngoại, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh những năm tiếp theo.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()