Thứ 6, 04/04/2025 14:49 [(GMT +7)]
Công tác dạy nghề nông thôn trong các trung tâm giáo dục thường xuyên
Thứ 2, 27/06/2011 | 09:00:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trước đây chúng ta vẫn quen với việc các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) là nơi để dạy bổ túc văn hóa và phổ cập giáo dục bậc trung học; tổ chức hướng nghiệp cho học sinh (HS) cuối cấp, nhằm góp phần phân luồng HS sau khi rời ghế nhà trường phổ thông. Vì thế, công tác dạy nghề chỉ dừng lại ở việc dạy hướng nghiệp nghề cho các đối tượng này.
![]() |
Giờ học lý thuyết của học viên lớp học nghề tại TTGDTX huyện Lộc color:purple”> Bình |
Có thể nói, bước chuyển đánh dấu sự nỗ lực của các TTGDTX của tỉnh Lạng Sơn trong việc dạy nghề cho HS là việc thực hiện Quyết định 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; kế hoạch 51 ngày 2/6/2010 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc triển khai thực hiện Quyết định 1956; Công văn 4808 ngày 13/8/2010 của Bộ GD&ĐT, công văn 1267 ngày 24/8/2010 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho các TTGDTX. Từ năm học 2010-2011, các TTGDTX trong tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai công tác dạy nghề như đội ngũ giáo viên dạy nghề tương đối ổn định và cơ bản đạt chuẩn theo quy định. Một số trung tâm có đội ngũ giáo viên cốt cán, có năng lực về Lâm nghiệp, Vật lý, Sinh học…; địa phương có TT dạy nghề với cơ sở vật chất phục vụ công tác này được củng cố và trang bị. Có định hướng đúng đắn và nhiều điều kiện thuận lợi, các TTGDTX đã tổ chức điều tra, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS trong TT. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH kí văn bản liên ngành 1130 ngày 8/9/2010 quy định khá cụ thể về việc hướng dẫn dạy nghề cho HS các TTGDTX. Ông Cao Văn Đông, Trưởng phòng GDTX, Sở GD&ĐT tỉnh cho biết, hầu hết HS học tại TTGDTX sẽ trở về địa phương để tham gia sản xuất ở nông thôn. Vì vậy, dạy nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng) cho các đối tượng này rất cần thiết và phù hợp.
Theo đó, năm học 2010-2011, có 4 đơn vị là TTGDTX Bắc Sơn, Chi Lăng, Lộc Bình, TTGDTX 2 tỉnh (huyện Hữu Lũng) được chỉ đạo thực hiện thí điểm dạy nghề cho HS trong TT. Như vậy, từ tháng 10/2010, các TT được chọn thí điểm dạy nghề đã tổ chức khai giảng 15 lớp nghề cho 502 học viên (HV) theo học. Các nghề được HV chọn đều có tính thực tiễn cao, phù hợp với đặc điểm của địa phương như: Sửa chữa điện dân dụng, kỹ thuật tạo giống bằng phương pháp giâm hom, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, kỹ thuật trồng rừng kinh tế. Ông Hoàng Văn Chiêu, Giám đốc TTGDTX huyện Lộc Bình cho biết, trước đây, năm học nào TT cũng tổ chức dạy hướng nghiệp cho HS để các em có được định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Năm học 2010-2011, TT có tổ chức học nghề sửa chữa điện dân dụng và kỹ thuật chăn nuôi gia cầm với 4 lớp nghề cho 120 HV. Các em vừa có thể học văn hóa, lại vừa học được một ngành nghề cụ thể, hoàn chỉnh, có tính thực tiễn cao để ứng dụng vào đời sống. Sau thời gian khoảng 2-3 tháng (tùy theo nghề học) các em được cấp chứng chỉ nghề và có thể ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất tại gia đình, cộng đồng. Bên cạnh đó, các em còn được hưởng học phí và vẫn được cộng điểm thi tốt nghiệp. Như vậy, so với học hướng nghiệp, việc học nghề ngắn hạn có nhiều ưu thế hơn. Ông Cao Văn Đông cho biết thêm, tính đến cuối tháng 1 năm 2011, các lớp dạy nghề ngắn hạn tại 4 TTGXTX đã kết thúc chương trình học. Kết quả, với 486 em dự thi thì 93,4% HV được cấp chứng nhận khá giỏi, trung bình 3,9% và 2,7% HV không đạt. Như vậy, việc dạy nghề ngắn hạn cũng đã đạt được một số kết quả nhất định. Thời gian tới, trên cơ sở Sở LĐ-TB&XH xây dựng các TT dạy nghề thì Sở GD&ĐT cũng sẽ triển khai việc dạy nghề ngắn hạn cho tất cả các TTGDTX trong tỉnh, hướng đến 100% HS trong các TT được học nghề ngắn hạn, góp phần thực hiện mục tiêu đề án 1956.
Có thể nói, mô hình dạy nghề ngắn hạn song song với dạy hướng nghiệp và đào tạo trung cấp nghề tại một số TTGDTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã phần nào phát huy hiệu quả. Bước đầu các TT đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để HS có điều kiện tốt nhất vừa học nghề, vừa không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Sau khi kết thúc chương trình học, các em đã là những lao động có trình độ, tay nghề ở một số nghề nhất định, đáp ứng nhu cầu của xã hội, tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

Poll
Ý kiến ()