Số lượng chưa tương xứng
Sau gần 16 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 07 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; gần năm năm thực hiện Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thuộc thành phố Hà Nội”, công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Hà Nội, có những chuyển biến tích cực bước đầu, song chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo thống kê, đến cuối năm 2011, thành phố có gần 118 nghìn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đăng ký kinh doanh, trong đó gần 83 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 1,4 triệu lao động, nộp ngân sách bình quân hằng năm hơn 22 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,4% tổng số tiền nộp ngân sách thành phố. Trong số doanh nghiệp đó, mới chỉ có 633 tổ chức đảng được thành lập, với tổng số 18.593 đảng viên, và phần lớn vẫn là tổ chức đảng trong loại hình doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50%. Còn trong các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp thành lập theo Luật Hợp tác xã, số lượng tổ chức đảng còn hạn chế.
Tìm hiểu tại Huyện ủy Từ Liêm, trước thời điểm đề ra nghị quyết, trong số 942 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn, có 83 đảng viên, làm việc tại 19 doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có 25 đảng viên. Chín doanh nghiệp có số lượng đảng viên đủ để thành lập tổ chức đảng, có doanh nghiệp 100% lao động có trình độ đại học trở lên, đã có đảng viên, nhưng tại thời điểm đó, chưa có doanh nghiệp nào trong khu vực này có tổ chức đảng.
Đồng chí Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành phố Hà Nội cho biết, trên cơ sở khảo sát phân tích kỹ thực trạng, chỉ rõ khó khăn, thuận lợi về công tác xây dựng Đảng ở loại hình doanh nghiệp này, Thành ủy xác định việc xây dựng Đảng trong khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước từ nay đến năm 2020 là nhiệm vụ trọng tâm. Việc Thành ủy ban hành Nghị quyết 09 “Về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, với tám nhóm giải pháp cụ thể, đồng bộ, thể hiện quyết tâm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế ngoài nhà nước trên địa bàn Hà Nội.
Xây dựng mô hình phù hợp
Hiện tại, tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp này trên địa bàn Hà Nội đang sắp xếp theo ba mô hình cơ bản: mô hình đảng bộ khối (Khối Doanh nghiệp, khối Du lịch, khối Công nghiệp); mô hình đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở (trực thuộc quận, huyện, thị ủy hoặc đảng ủy tổng công ty); mô hình chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở (trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn, hoặc đảng bộ cơ sở doanh nghiệp).
Từ Liêm là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, số doanh nghiệp ngoài nhà nước đăng ký hoạt động trên địa bàn tăng liên tục, do đó, ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo, Huyện ủy đã nâng cấp Chi bộ Ban quản lý dự án cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ thành Đảng bộ cụm công nghiệp Từ Liêm. Về nhân lực, Ban tổ chức Huyện ủy tăng cường một chuyên viên của Ban hỗ trợ nghiệp vụ công tác đảng. Theo đồng chí Nguyễn Công Bích, Bí thư Đảng ủy Cụm công nghiệp Từ Liêm, việc đó thể hiện quyết tâm của cấp ủy, bởi trước khi nâng cấp thành Đảng bộ (tháng 12-2009), chi bộ mới có 28 đảng viên, hoạt động ở những lĩnh vực độc lập, đề ra được một nghị quyết là rất khó. Từ khi đi vào hoạt động, Đảng bộ liên tục phát triển đảng viên mới, vận động các đảng viên đang làm việc trong cụm công nghiệp, sinh hoạt đảng ở nơi khác, chuyển về sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc Đảng bộ, đến nay, tổng số đảng viên trong Đảng bộ là 90 đồng chí. Đảng ủy đã vận động được một số doanh nghiệp ngoài cụm công nghiệp, thành lập tổ chức đảng trực thuộc, như Chi bộ TNHH Kiểm toán Hồng Hà. Ông Nguyễn Đăng Khanh, chủ doanh nghiệp này rất tâm đắc với việc thành lập các tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị – xã hội, và coi đó là nền tảng để doanh nghiệp hoạt động đúng định hướng, người lao động yên tâm, gắn bó và phấn đấu đóng góp để doanh nghiệp phát triển bền vững. Chi bộ Công ty TNHH Kiểm toán Hồng Hà thành lập tháng 11-2011, với ba đảng viên (trong tổng số 20 cán bộ, nhân viên, đều là trí thức trẻ, có trình độ đại học và trên đại học). Vừa qua, chi bộ kết nạp một đảng viên, và giới thiệu ba quần chúng ưu tú dự lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Có cách làm tương tự, Huyện ủy Thanh Trì thành lập Chi bộ khu công nghiệp (KCN), gồm các đảng viên của Ban Quản lý KCN và những đảng viên ở các doanh nghiệp trong KCN nhưng chưa có tổ chức đảng, khi đủ điều kiện sẽ thành lập chi bộ trong các doanh nghiệp. Trước năm 2000, Quận ủy Hai Bà Trưng có mô hình Đảng bộ các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh thu hút các chi bộ, đảng viên của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn sinh hoạt. Quận ủy Hoàn Kiếm có mô hình Đảng bộ HTX công nghiệp trực thuộc Quận ủy. Hiện nay, các mô hình tổ chức đảng này vẫn phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp.
Khi ba bên đồng thuận
Đồng chí Tạ Văn Được, Phó Bí thư Quận ủy Hoàng Mai cho biết, bên cạnh việc rà soát, thống kê, phân loại, lập danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể, nắm chắc số lượng đảng viên đang làm việc trong doanh nghiệp, Quận ủy coi trọng việc đổi mới công tác tư tưởng, tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, vận động, thuyết phục để nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác đảng và bảo đảm quyền lợi của ba bên: cấp ủy – doanh nghiệp – người lao động là giải pháp quan trọng gỡ nút thắt khó trong công tác phát triển Đảng khu vực ngoài nhà nước; từng bước nâng cao vị trí, vai trò tổ chức đảng trong các doanh nghiệp.
Làm việc với Đảng ủy Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà, chúng tôi nhận thấy, công tác đảng ở đây được quan tâm và duy trì khá bài bản. Theo đồng chí Hoàng Mạnh Hiền, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc công ty, thuận lợi cơ bản là công tác tư tưởng được tiến hành thường xuyên, tạo nên sự thông suốt về nhận thức từ cấp ủy cấp trên, nên chủ doanh nghiệp ủng hộ và tạo điều kiện cho các tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động. Với chi bộ năm đảng viên khi thành lập năm 2003, đến nay Đảng bộ công ty có ba chi bộ, 37 đảng viên. Đảng ủy có văn phòng làm việc, biên chế và trả lương cho ba cán bộ chuyên trách. Nhờ đó, Đảng bộ thực hiện tốt công tác phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp vì mục tiêu chung là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất với chủ doanh nghiệp về cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đánh giá cán bộ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân và người lao động…
Thực tế chỉ ra, khi công nhân và người lao động nhận thấy những quyền lợi thiết thực khi tham gia các tổ chức chính trị trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, đều bình đẳng về cống hiến và hưởng thụ, họ sẽ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, phấn đấu trở thành hội viên, đoàn viên, đảng viên… Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Gấm, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hà Nội – Thăng Long bày tỏ sự tin tưởng khi làm việc trong môi trường gồm những người trẻ, có năng lực và khao khát cống hiến; tự hào khi được chi bộ bồi dưỡng, rèn luyện và được giới thiệu tham dự lớp bồi dưỡng phát triển Đảng.
Những bất cập cần tháo gỡ
Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội đã đề ra một cơ chế mở cho các loại hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước hoạt động thuận lợi. Đó là tùy theo vị trí, quy mô, số lượng đảng viên, ngành nghề, địa điểm sản xuất, kinh doanh, loại hình và nguyện vọng của doanh nghiệp, có thể thành lập các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc các Đảng ủy khối: Doanh nghiệp, Công nghiệp, Du lịch, các đảng ủy Tổng công ty hoặc trực thuộc cấp ủy nơi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc này cũng nảy sinh một số bất cập, chồng chéo. Đồng chí Nguyễn Việt Xô, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội bộc bạch, trong khối có 25 doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, hầu hết là doanh nghiệp tự tìm đến, đề đạt nguyện vọng thành lập tổ chức đảng, chứ thật ra, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội không có “địa bàn”, nên để hoàn thành chỉ tiêu, ngoài việc xúc tiến thành lập chi bộ trực thuộc 25 tổ chức đảng đã có, Đảng ủy đành… chờ doanh nghiệp tự tìm đến. Mặt khác, cần xây dựng quy trình, hướng dẫn cụ thể về việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp để doanh nghiệp biết và chủ động đề xuất khi có nhu cầu.
Việc thành lập các đảng bộ khu, cụm công nghiệp đã giảm đầu mối tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp trên cơ sở, nhưng cũng nảy sinh những bất cập trong xác định chức năng, nhiệm vụ, bởi mỗi chi bộ, đảng bộ doanh nghiệp có chức năng, nhiệm vụ riêng, nên khó tránh khỏi việc Đảng bộ khu, cụm công nghiệp chỉ thực hiện nhiệm vụ đảng vụ. Trong mô hình tổ chức đảng này, việc duy trì sinh hoạt định kỳ, đủ đảng số theo quy định cũng không dễ.
Về kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ công tác đảng và các đoàn thể trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, Thành ủy đã có chủ trương tăng cường biên chế, bố trí cán bộ chuyên trách; mời cộng tác viên theo chế độ hợp đồng và vận dụng trả một khoản phụ cấp từ ngân sách của thành phố; ban hành cơ chế tài chính đặc thù… tuy nhiên khá eo hẹp, trong khi đó nhiều doanh nghiệp có thể chi những khoản kinh phí đáp ứng được hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, nhưng chi phí này chưa được coi là chi phí hợp lý trước thuế. Đây cũng là điểm cần sự phối hợp của các cấp, ngành để kịp thời điều chỉnh.
Ý kiến ()