Công tác đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
Công ty may Tùng Phương là một trong những doanh nghiệp ở Thanh Hóa sớm thành lập được chi bộ đảng, hoạt động nề nếp, hiệu quả. ( Ảnh: MAI LUẬN )Thực hiện Chỉ thị số 07 ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bước đầu mang lại một số kết quả. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 420 nghìn doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước hiện nay mới có chưa tới 4.650 doanh nghiệp có tổ chức đảng, chiếm 1,3%. Để phát triển tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp này cần có giải pháp đồng bộ.Cần sự vào cuộc của các cấp, các ngànhTrung tuần tháng 11 vừa qua, lễ ra mắt chi bộ Công ty Elma Việt Nam 100% vốn của Đài Loan (Trung Quốc), đóng tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai được tổ chức trang trọng với sự tham dự của Chủ tịch HĐQT công ty, đại diện các ban, ngành và nhiều chủ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Đây là dịp để tuyên truyền về vai...
|
Cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành
Trung tuần tháng 11 vừa qua, lễ ra mắt chi bộ Công ty Elma Việt Nam 100% vốn của Đài Loan (Trung Quốc), đóng tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai được tổ chức trang trọng với sự tham dự của Chủ tịch HĐQT công ty, đại diện các ban, ngành và nhiều chủ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Đây là dịp để tuyên truyền về vai trò tổ chức đảng trong các liên doanh hoặc DN 100% vốn nước ngoài. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Trần Thành Trai cho biết: Việc thành lập một chi bộ trong DN là công lao và sự kiên trì của nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị. Để chăm lo công tác đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN), Huyện ủy Nhơn Trạch thành lập tổ công tác 07, khảo sát tình hình đảng viên làm việc tại các công ty; gặp các nhà đầu tư, nói rõ vai trò của tổ chức đảng là góp phần cùng DN chăm lo phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi người lao động. Ban Tổ chức Huyện ủy, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, Liên đoàn Lao động huyện phối hợp tổ chức các lớp tìm hiểu về Đảng cho công nhân, tạo nguồn kết nạp đảng; đồng thời tập hợp đảng viên làm việc tại các DN sinh hoạt đảng nơi cư trú về sinh hoạt với Chi bộ Liên đoàn Lao động huyện. Khi DN có đủ ba đảng viên chính thức thì tổ chức thành lập chi bộ. Đến nay, huyện Nhơn Trạch có 13 tổ chức đảng trong DNNKVNN.
Việc khó nhất của công tác đảng trong DNNKVNN là kết nạp đảng viên ở DN chưa có tổ chức đảng. Ban Thường vụ Huyện ủy Trảng Bom (Đồng Nai) đã có sáng kiến thành lập Đảng bộ Liên đoàn Lao động huyện gồm các chi bộ ghép bởi các đảng viên từ nhiều doanh nghiệp trên địa bàn; mở các lớp tìm hiểu về Đảng vào ngày nghỉ cuối tuần. Với cách làm sáng tạo ấy, ba chi bộ ở các công ty VPIC, Phương Đông, Lâm Viễn,… được thành lập, thời gian đầu sinh hoạt tại Đảng bộ Liên đoàn Lao động huyện, sau khi vững mạnh mới tách ra sinh hoạt độc lập, trực thuộc Huyện ủy.
Với những cách làm linh hoạt, Đồng Nai đã thành lập được 114 tổ chức đảng gồm 3.318 đảng viên trong DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hầu hết các tổ chức đảng ở đây có nhiều đóng góp xây dựng DN ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Bằng chứng là trong 109 vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể trong sáu tháng đầu năm 2011, chỉ có năm vụ ở DN có tổ chức đảng.
Tìm hiểu vấn đề này ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết, Thành ủy đã ban hành gần 30 văn bản chỉ đạo; thành lập Ban Chỉ đạo ở thành phố và các quận, huyện; hằng năm dành khoảng bốn tỷ đồng hỗ trợ hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân; năm 2011, kết nạp 546 đảng viên. Nhưng trong số 79.464 DNNKVNN ở thành phố cũng mới có 802 tổ chức đảng, trong đó 354 tổ chức đảng ở DN nhà nước cổ phần hóa. Là địa bàn có 117.740 DNNKVNN, Thành ủy Hà Nội luôn coi trọng công tác này và gần đây đã khảo sát ở 26 quận, huyện; tổ chức hội thảo; đến một số tỉnh trao đổi kinh nghiệm; nhưng hai năm qua chỉ kết nạp được 476 đảng viên và thành lập thêm 73 tổ chức đảng trong DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ở nhiều tỉnh, thành phố khác cũng vậy. Số DNNKVNN ngày càng tăng nhanh, song số tổ chức đảng được thành lập chưa đáng kể.
Có thể nói, việc thành lập tổ chức đảng trong DNNKVNN gặp rất nhiều khó khăn. Khó vì chủ DN và cả một số cấp ủy chưa mặn mà. Không ít chủ DN, nhất là các liên doanh, hay DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa hiểu rõ vai trò của tổ chức đảng, sợ thành lập rồi lại can thiệp sâu vào hoạt động của công ty; đảng viên đi học nghị quyết, sinh hoạt đảng trong giờ hành chính, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Hầu hết công nhân làm việc trong các DN là thanh niên ở các vùng nông thôn, trình độ nhận thức hạn chế, chỉ lo việc làm và thu nhập, mà ít quan tâm các hoạt động chính trị, xã hội. Do vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền Chỉ thị số 07 của Bộ Chính trị khóa VIII và Kết luận số 80 của Ban Bí thư khóa X về vấn đề này, để chủ DN, người lao động hiểu đúng vai trò của tổ chức đảng trong DNNKVNN.
Năng lực cấp ủy quyết định vai trò của tổ chức đảng
Đến Quỹ Tín dụng phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội, chúng tôi thấy phong cách làm việc của nhân viên khá chuyên nghiệp. Vốn điều lệ của đơn vị chỉ có sáu tỷ đồng nhưng tổng vốn hoạt động gấp 50 lần con số ấy. Hơn mười năm qua, Chi bộ kết nạp mười đảng viên trong số hơn 30 cán bộ, nhân viên. Bí thư Chi bộ, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Huấn đưa cho chúng tôi xem các sổ ghi chép và nghị quyết của chi bộ. Sinh hoạt đều đặn hằng tháng, chi bộ tập trung kiểm điểm nghiêm túc việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như công tác đảng của từng đảng viên. Đồng chí tâm sự, chi bộ trong DNNKVNN không thể hoạt động như chi bộ cơ quan nhà nước, không thể lãnh đạo trực tiếp các mặt công việc, mà thông qua đảng viên. Đảng viên là người “truyền tải” nghị quyết của chi bộ vào hoạt động của đơn vị bằng tuyên truyền và bằng chính việc làm của mình. Vì thế, đảng viên phải am hiểu chuyên môn và gương mẫu trong công việc.
Theo chúng tôi, có một điều rất quan trọng, bí thư, phó bí thư chi bộ ở quỹ tín dụng này đều là cán bộ chủ chốt, có ý thức Đảng cao. Điều ấy đúng như Bí thư Đảng ủy Tập đoàn BITEXCO Trần Thị Thắm (Đảng bộ Khối Du lịch Hà Nội) khẳng định, bí thư cấp ủy không chỉ am hiểu công tác đảng mà phải có trình độ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế và nhất thiết phải giữ trọng trách trong DN; cấp ủy phải chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với chủ DN. Được biết chủ DN này chưa là đảng viên nhưng có nhận thức sâu sắc về Đảng và quan tâm đến công tác này. Chi bộ BITEXCO thành lập năm 2008 với ba đảng viên, nay là đảng bộ gồm 77 đảng viên, trong đó 29 đồng chí kết nạp tại DN, 43 đồng chí (chiếm 56%) là cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên.
Để tạo cơ chế, nâng cao vị thế của tổ chức đảng, nhiều cấp ủy đã xây dựng quy chế phối hợp với lãnh đạo DN. Chi bộ Nhà máy bia Việt Nam (Đảng bộ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn), được sinh hoạt trong giờ hành chính; được tham gia ý kiến về công tác tổ chức cán bộ, tài chính và định hướng chiến lược của nhà máy thông qua cấp ủy và thành viên HĐQT của phía Việt Nam,… là do có quy chế phối hợp với ban lãnh đạo nhà máy. Nhưng, quy chế ấy chỉ có ý nghĩa thiết thực, khi cấp ủy là người có trình độ chuyên môn cao, có tiếng nói trọng lượng trong DN.
Những năm gần đây, tổ chức đảng trong DNNKVNN từng bước thể hiện được vai trò của mình. Song, phần lớn còn lúng túng về phương thức hoạt động, về xác định nội dung, thời gian sinh hoạt. Lý do đưa ra là thiếu cơ chế, thiếu quy định pháp lý, DN chưa tạo điều kiện. Đó là một phần thực trạng. Theo đồng chí Uông Văn Thụ, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy khối DN Hà Nội, còn có nguyên nhân nữa là, người làm công tác đảng thường kiêm nhiệm, nhiều người năng lực yếu, chưa am hiểu về chuyên môn thuộc lĩnh vực hoạt động của DN. Có những hoạt động của tổ chức đảng, đảng ủy cấp trên phải “cầm tay chỉ việc”. Thế nhưng, việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho những người làm công tác này chưa được chú trọng đúng mức.
Chính vì thấy rõ vai trò của cán bộ, một số DN, nhất là DN tư nhân thường đưa người nhà, bạn bè thân quen có mối quan hệ rộng, hoặc có cương vị trong bộ máy Nhà nước trước khi về hưu vào làm việc cho công ty, giúp công việc hành chính, làm công tác đảng, hoặc làm bí thư nếu DN có chi bộ, nhưng thực chất là lo giải quyết các mối quan hệ cho chủ DN.
Cần một mô hình tổ chức đảng hợp lý
Phó Giám đốc Công ty CP Tấn Phát (quận Đống Đa, Hà Nội) Lương Ánh Dương bộc bạch, công ty có 11 đảng viên trong số 60 cán bộ, nhân viên. Với mong muốn đảng viên có nơi sinh hoạt, tháng 7-2010, các anh gửi công văn lên Quận ủy Đống Đa, xin thành lập chi bộ. Quận ủy đã nghiên cứu hồ sơ và đề nghị về đảng ủy phường làm thủ tục để thành lập. Hơn một năm rồi, việc ấy vẫn chưa thành. Khi chúng tôi hỏi lý do, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Đống Đa cho biết, Công ty CP Tấn Phát xin thành lập chi bộ nhưng chỉ muốn trực thuộc Quận ủy, mà không muốn về phường. Theo anh Lương Ánh Dương, thì Đảng ủy Khối công nghiệp Hà Nội đã đồng ý nhận hồ sơ để xem xét lập chi bộ cho công ty.
Như vậy, mô hình tổ chức đảng trong DNNKVNN chưa được xác định một cách rõ ràng. Riêng ở Hà Nội, đang có tới năm mô hình: trực thuộc đảng bộ xã, phường; trực thuộc đảng bộ cơ sở khối DN quận, huyện; trực thuộc các quận ủy, huyện ủy; trực thuộc các đảng bộ khối: công nghiệp, DN, Du lịch; trực thuộc các đảng bộ tổng công ty. Không ít cấp ủy lúng túng khi sắp xếp các tổ chức đảng này trực thuộc cấp nào. Hầu hết các chi bộ trong DN đều muốn trực thuộc quận, huyện ủy. Như thế sẽ bất lợi cho quận, huyện ủy vì số lượng đầu mối phình ra. Còn nếu trực thuộc đảng bộ xã, phường thì hầu như hoạt động của chi bộ không mấy “ăn nhập” với cấp ủy địa phương, vì có những DN chỉ thuê địa điểm trên địa bàn phường, còn hoạt động kinh doanh ở nhiều nơi, đảng ủy phường không biết hết, không thể lãnh đạo các hoạt động của DN được. Phó Bí thư Chi bộ, Giám đốc Quỹ Tín dụng phường Quang Trung, quận Hà Đông Mai Thị Minh Hương là Đảng ủy viên Đảng ủy phường dự đầy đủ các buổi sinh hoạt đảng ủy, nhưng theo chị, những nội dung của các cuộc sinh hoạt ấy rất ít liên quan đến hoạt động của quỹ tín dụng; quỹ lại có những cơ sở ở các phường khác mà phường Quang Trung không quản lý. Đó là những bất hợp lý.
Từ thực tế này cho thấy, cần linh hoạt theo tình hình từng địa phương. Những tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất thì thành lập đảng bộ khu công nghiệp, khu chế xuất, tương đương cấp huyện; những quận, huyện có nhiều DN thì thành lập đảng bộ cơ sở khối DNNKVNN. Những chi bộ có ít đảng viên, quy mô hoạt động không lớn nên để trực thuộc đảng ủy phường; những tổ chức đảng có đông đảng viên hoặc nhiều chi bộ, quy mô hoạt động của DN rộng mà ở huyện đó chưa có đảng bộ cơ sở khối DNNKVNN thì để trực thuộc cấp huyện ủy.
Hiện nay, số DN nhà nước cổ phần hóa ngày một nhiều, số DN không thuộc khu vực nhà nước cũng ra đời ngày càng lớn. Do vậy cần quan tâm công tác đảng trong các loại hình DN này, mà trọng tâm vẫn là việc phát triển đảng, thành lập các tổ chức đảng và nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ đối với những người làm công tác Đảng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()