Công tác Đảng, công tác chính trị góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc năm 1952
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 có ý nghĩa quan trọng về quân sự và chính trị, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo cơ sở vững chắc để quân và dân ta tiếp tục phát huy quyền chủ động chiến lược, mở các chiến dịch và tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) đã khẳng định rõ vai trò là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội ta.
Phát huy kết quả của Chiến dịch Hòa Bình, với quyết tâm không cho địch rảnh tay bình định, củng cố thế chiếm đóng của chúng ở đồng bằng và trung du, đặc biệt là chiến trường chính Bắc Bộ, cùng với lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân bước vào cuộc chỉnh huấn về chính trị, quân sự, về tổ chức, biên chế và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong bộ đội chủ lực, Trung ương Đảng đã chỉ đạo Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh (BTTL) hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến trong Thu-Đông 1952, trong đó xác định hướng tiến công chính là vùng Tây Bắc.
Tháng 9-1952, căn cứ đề nghị của Tổng Quân ủy và BTTL, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm: Tiêu diệt sinh lực địch; tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc; giải phóng một bộ phận đất đai ở Tây Bắc và cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng-Bí thư Đảng ủy Chiến dịch; đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị-Phó bí thư Đảng ủy chiến dịch; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng; đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm Cung cấp. Phương châm tác chiến chiến dịch được Tổng Quân ủy, BTTL xác định là “đánh điểm, diệt viện”; tuy nhiên, tùy vào tình hình mà định ra kế hoạch linh hoạt và phù hợp.
Từ ngày 6 đến ngày 9-9-1952, Tổng Quân ủy và BTTL tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia chiến dịch. Chỉ đạo CTĐ, CTCT, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Công tác chính trị phải nắm vững chiến dịch này là chiến dịch có thời gian dài, bộ đội phải liên tục chiến đấu… Việc lãnh đạo tư tưởng cần phải làm cho thấu triệt quyết tâm động viên liên tục chiến đấu, phát huy đến cùng tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ. Đối với dân thì phải bảo đảm việc giữ vững đúng kỷ luật chính trị, đối với đơn vị bạn thì giữ vững tinh thần đoàn kết, phối hợp. Đó là một bảo đảm rất quan trọng cho chiến dịch được thành công.
Chiến sĩ và nhân dân Tây Bắc viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lòng biết ơn Chính phủ đã giải phóng đồng bào khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và tay sai. Ảnh tư liệu |
Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đến dự Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc và huấn thị: “Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường sắp đến, và quyết tâm là chiến dịch này đánh cho thắng lợi. Quyết tâm của Trung ương chưa đủ, còn phải để cho các chú cân nhắc kỹ thấy rõ cái dễ và cái khó để truyền cái quyết tâm đó cho các chú. Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sĩ”.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo “Chuẩn bị công tác chính trị Chiến dịch Tây Bắc” với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Tổng cục Chính trị yêu cầu: Phải phát huy sức mạnh lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chi bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ của công tác chính trị chiến dịch. Các cấp ủy phải thảo luận kỹ để hiểu rõ quyết tâm của Trung ương và bàn kỹ về công tác lãnh đạo, đồng thời động viên các cấp ủy cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Song song với việc tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy, phải phát huy cho được sức mạnh của công tác lãnh đạo chi bộ.
Thực tiễn cho thấy, CTĐ, CTCT trong Chiến dịch Tây Bắc là một quá trình được tiến hành liên tục qua các giai đoạn, từ chuẩn bị đến thực hành tác chiến và kết thúc chiến dịch. Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đã tập trung xây dựng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội; kiện toàn các tổ chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chiến dịch; tập trung giáo dục nâng cao nhận thức, phát huy vai trò trách nhiệm của mọi người trong thực hiện nhiệm vụ cung cấp; chú trọng công tác lãnh đạo đối với dân công phục vụ tiền tuyến.
Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của chiến dịch, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Tổng Quân ủy và BTTL, của Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, thư căn dặn của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của chiến dịch, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, âm mưu, thủ đoạn của địch… Đồng thời, phổ biến các quy định về chấp hành kỷ luật chiến trường, đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng “giết giặc lập công”, kịp thời động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội và tinh thần bền bỉ phục vụ tiền tuyến của dân công và nhân dân cả nước.
Đảng ủy, Bộ chỉ huy và cơ quan chính trị (CQCT) chiến dịch đã lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng, đoàn, hội đồng quân nhân, tổ 3 người, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu. Định hướng về công tác tổ chức, ngay tại Hội nghị cán bộ Chiến dịch Tây Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: Bộ đội phải được chấn chỉnh một cách nhanh chóng. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn tân binh và cán bộ để kịp thời bổ sung cho chiến dịch. CQCT đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ các cấp bảo đảm chất lượng trước khi bước vào chiến đấu, chú trọng đội ngũ cán bộ trên các hướng, mũi chủ yếu. Các tổ chức đảng được kiện toàn theo Nghị quyết của Trung ương Đảng về “Tổ chức đảng trong bộ đội chủ lực”; gắn kiện toàn cấp ủy với kiện toàn tổ chức chỉ huy, nhằm tăng cường sức lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ trong chiến đấu. Hội đồng quân nhân và chi đoàn được kiện toàn theo quy định của Đảng, hoạt động đúng chức năng, dân chủ quân sự được mở rộng, trí tuệ tập thể không ngừng được phát huy. Đây là những nhân tố hết sức quan trọng góp phần làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch.
Nhận thức rõ đặc điểm tình hình và những khó khăn về công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, ngay khi có kế hoạch tác chiến, Đảng ủy, Bộ chỉ huy và CQCT chiến dịch đã chỉ rõ nhiệm vụ của công tác cung cấp; yêu cầu, biện pháp nhằm tăng cường giáo dục cho mọi người thấy được tầm quan trọng của việc bảo đảm công tác cung cấp cho chiến dịch, thấy rõ những khó khăn, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi người. Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục chính trị, động viên lực lượng dân công quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tiền tuyến, chấp hành nghiêm các quy định sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu…
Trong giai đoạn thực hành chiến dịch, Đảng ủy, Bộ chỉ huy và CQCT chiến dịch đã lãnh đạo tư tưởng, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu liên tục cho cán bộ, chiến sĩ; không ngừng phát huy dân chủ quân sự, đề cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động, động viên bộ đội ra sức thi đua giết giặc lập công; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo chấp hành nghiêm các chính sách trong chiến đấu; tăng cường CTĐ, CTCT đối với công tác cung cấp và dân công phục vụ tiền tuyến.
Đây là chiến dịch ta đánh công kiên với quy mô lớn, lực lượng và hỏa lực của địch tương đối mạnh, bộ đội phải chiến đấu trong điều kiện ác liệt và có nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác lãnh đạo tư tưởng tập trung thực hiện bằng được yêu cầu tác chiến trong các bước, các thời điểm quan trọng của chiến dịch. Trước những khó khăn, nguy hiểm, để bộ đội có quyết tâm cao trong vượt sông, hành quân chiến đấu, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đã làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn của mỗi lần vượt sông; đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối giữ bí mật, chấp hành nghiêm các quy định trong vượt sông, hành quân chiến đấu; giáo dục tinh thần đoàn kết giữa các lực lượng, yêu thương, động viên, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Trong các đợt chiến đấu, Đảng ủy, Bộ chỉ huy và CQCT chiến dịch đã có những biện pháp tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và giữ vững quyết tâm chiến đấu. CTĐ, CTCT đã bám sát phương châm hoạt động tác chiến chiến dịch, nắm chắc diễn biến tư tưởng, xử trí kịp thời mọi tình huống. Đặc biệt, trên hướng, mũi chủ yếu, trong các trận đánh then chốt đã tập trung lãnh đạo quyết tâm giành thắng lợi để củng cố niềm tin chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ như trong hai trận then chốt ở Phân khu Nghĩa Lộ và Mộc Châu. CQCT chiến dịch đã chỉ đạo các cấp ủy, CQCT và cán bộ chính trị các cấp phải bám sát diễn biến chiến trường, kịp thời lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đấu, biểu dương kịp thời những đơn vị và cá nhân có thành tích.
Bước vào đợt 2 chiến dịch, CQCT chiến dịch đã chủ động ra chỉ thị “Về công tác chính trị đợt 2”, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng, phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, anh dũng chiến đấu, chống tư tưởng chủ quan, khinh địch và đề phòng đánh giá quá cao về địch dẫn đến bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch, phải quyết tâm thực hiện tốt yêu cầu chiến thuật. Nhờ đó tinh thần chiến đấu của bộ đội không ngừng được nâng cao. Đã có nhiều trận đánh tiêu biểu, nhất là trận Chân Mộng-Trạm Thản (17-11-1952) của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, bộ đội đã không sợ hy sinh, gian khổ, liên tục chiến đấu, lợi dụng địa hình hiểm trở, khôn khéo bí mật phục kích, chờ địch lọt vào trận địa mới nổ súng, đánh giáp lá cà, tiêu diệt và bắt hơn 400 tên địch, phá hủy 44 xe cơ giới.
Cấp ủy, CQCT các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phát huy dân chủ quân sự, đặc biệt trước những khó khăn, thử thách, trước mỗi vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình tác chiến và từng đợt chiến dịch, từng trận đánh với những biện pháp linh hoạt, nhằm phát huy trí tuệ của tập thể để xác định cách đánh, cách giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh, chưa mang tính thống nhất. Các phương án chiến đấu của đơn vị đều được dân chủ bàn bạc, thảo luận, tranh luận sôi nổi; kết luận chính xác, bảo đảm chắc thắng.
CQCT chiến dịch đã chỉ đạo các đơn vị: Phải triệt để dùng mọi hình thức tuyên truyền cổ động để phổ biến thành tích. Cấp ủy, CQCT các đơn vị đã hướng dẫn và trực tiếp tiến hành công tác cổ động chiến trường, cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm, thi đua giết giặc lập công và nâng cao quyết tâm chiến đấu, nhất là những tình huống khẩn trương, phức tạp. Công tác cổ động chiến trường đã được các đơn vị vận dụng linh hoạt. Những bức thư của Trung ương Đảng, những lời khen ngợi, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch sau mỗi thắng lợi đều được các đơn vị truyền đạt đến cán bộ, chiến sĩ, qua đó đã khích lệ tinh thần anh dũng chiến đấu, thúc đẩy phong trào thi đua và nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, mệnh lệnh chiến đấu. Sau mỗi đợt của chiến dịch, CQCT chiến dịch chỉ đạo các đơn vị tiến hành kiểm điểm kết quả thực hiện phong trào thi đua, tổ chức bình công, báo công, kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.
Chấp hành tốt công tác chính sách trong chiến đấu không những thể hiện ý thức tự giác chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, mà còn là một nhiệm vụ quan trọng của chiến dịch. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ chỉ huy và CQCT chiến dịch đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách trong chiến đấu, từ công tác chính sách đối với thương binh, tử sĩ; công tác chính sách đối với tù hàng binh; công tác binh, địch vận; công tác dân vận… Những nhân tố đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.
CTĐ, CTCT đã bám sát diễn biến của chiến dịch, kịp thời động viên lực lượng cấp dưỡng nâng cao trách nhiệm phục vụ cơm chín, nước sôi, bảo đảm cho bộ đội ăn no, ăn nóng, có sức khỏe tốt nhất. Lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung cán bộ thực hiện nhiệm vụ cung cấp, tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Tăng cường lãnh đạo nâng cao nhận thức cho mọi người về trách nhiệm chung đối với công tác cung cấp và thái độ, trách nhiệm phục vụ của nhân viên cung cấp. Nhất quán quan điểm công tác hậu cần không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, nhân viên hậu cần mà là trách nhiệm chung của các cấp ủy, chỉ huy, cơ quan và mọi người trong đơn vị. Chính vì thế, trong suốt chiến dịch, công tác cung cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững sức khỏe bộ đội, bảo đảm tốt cho việc tác chiến dài ngày.
Cùng với động viên công tác cung cấp, CQCT chiến dịch đã chỉ đạo cấp ủy các đơn vị giải quyết kịp thời tình hình tư tưởng, tăng cường động viên đối với dân công trước mỗi trận chiến đấu, trước mỗi khó khăn để lực lượng dân công nêu cao tinh thần phục vụ bộ đội kịp thời, có đủ lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men đáp ứng yêu cầu của chiến dịch. Tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ dân công những kiến thức cơ bản về công tác động viên dân công; phân công cán bộ trực tiếp sinh hoạt với bộ phận dân công, phát huy dân chủ trong sinh hoạt để khơi dậy tinh thần sáng tạo của dân công trong phục vụ chiến dịch. Trong chiến dịch, dân công luôn yên tâm công tác, quan hệ giữa bộ đội và dân công đoàn kết, gắn bó, hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ chiến dịch.
Ngay từ khi chuẩn bị chiến dịch, Tổng cục Chính trị đã quan tâm đến công tác vận động quần chúng, đề nghị Tổng Quân ủy tăng cường cán bộ dân vận cho chiến trường Tây Bắc, đồng thời chỉ đạo cơ sở các cấp và bộ đội luồn sâu, đi sát, sống giữa lòng nhân dân, nắm tình hình, giác ngộ, động viên, vận động quần chúng một lòng một dạ tin theo Đảng, Bác Hồ, tận tâm phục vụ và tham gia đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch. Nhờ làm tốt công tác dân vận, trong chiến dịch ta đã huy động được một lực lượng lớn nhân lực, vật lực từ trong nhân dân. Khi tổ chức cho bộ đội vượt sông Thao để tham gia đợt 1 chiến dịch, ta huy động được hơn 400 thuyền nan, 350 thuyền gỗ của nhân dân hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Khi khả năng huy động lương thực từ hậu phương lên gặp khó khăn, Tổng Quân ủy đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức giúp dân gặt hái, xay giã và vận động nhân dân ủng hộ bộ đội. Nhờ vậy, ta đã huy động được 1.140 tấn gạo, 40 tấn thịt, 15.500 dân công. Với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, nhiều nơi giáp hạt thiếu ăn nhưng nhân dân vẫn tự nguyện đóng góp lương thực, thực phẩm, hăng hái đi dân công, vừa phục vụ tiền tuyến, vừa bảo vệ hậu phương.
Trải qua 3 đợt tiến công, trên cả hai mặt trận hướng chính Tây Bắc và hướng phối hợp ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch. Nhiều tiểu đoàn và đại đội thuộc lực lượng cơ động của địch bị xóa sổ, ta giải phóng một vùng rộng lớn gần 30.000km2 với 250.000 dân, nối liền Tây Bắc với căn cứ Việt Bắc và Thượng Lào, làm thất bại âm mưu lập “xứ Thái tự trị” và “xứ Nùng tự trị” của thực dân Pháp.
Kết thúc chiến dịch, Đảng ủy, Bộ chỉ huy và CQCT chiến dịch đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục củng cố, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tiếp theo và làm tốt nhiệm vụ củng cố địa bàn Tây Bắc. Triển khai kiện toàn tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ mới, tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm chiến đấu, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về chính sách, tổ chức bình công, báo công. CQCT chiến dịch đã chỉ đạo các đơn vị nắm chắc diễn biến tư tưởng của bộ đội, tuyệt đối giữ bí mật sau khi kết thúc chiến dịch, khắc phục tư tưởng tự kiêu, say sưa với chiến thắng hoặc bi quan, chán nản, vô kỷ luật. Kịp thời khuếch trương chiến thắng, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong chiến đấu.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và BTTL; kế thừa kinh nghiệm các chiến dịch trước, CTĐ, CTCT trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 đã có bước phát triển mới; trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, bám sát diễn biến của chiến dịch, tiến hành các hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến chiến dịch. Xây dựng cho bộ đội và dân công quyết tâm chiến đấu cao, chấp hành nghiêm kỷ luật và các chính sách trong chiến đấu. Cùng với công tác quân sự, hậu cần…, CTĐ, CTCT đã đóng góp một phần quan trọng, làm nên thắng lợi của chiến dịch, tạo đà cho giai đoạn tổng phản công kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc.
70 năm trôi qua, thời gian và chứng cứ lịch sử giúp chúng ta đánh giá ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ thực tiễn quá trình tiến hành CTĐ, CTCT trong Chiến dịch Tây Bắc, để tiếp tục xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi hoạt động CTĐ, CTCT trong quân đội cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò của CTĐ, CTCT trong thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng.
CTĐ, CTCT là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, một mặt công tác cơ bản của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp, nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CTĐ, CTCT. Xác định rõ đây là mặt công tác cơ bản của lãnh đạo, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và CQCT các cấp, bảo đảm ở đâu có bộ đội là ở đó có hoạt động CTĐ, CTCT; là “linh hồn, mạch sống”, là nhân tố quyết định đến thắng lợi trong chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ của Quân đội ta.
Thứ hai, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động CTĐ, CTCT ở từng cơ quan, đơn vị và toàn quân.
Thực tiễn cho thấy, ở đâu, đơn vị nào mà hiệu lực và vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng được phát huy thì ở đó CTĐ, CTCT được tăng cường và đạt hiệu quả cao; ngược lại, ở đâu thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, nghiêm túc thì ở đó CTĐ, CTCT kém hiệu lực và kết quả không cao. Do đó, phải thường xuyên xây dựng, củng cố hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quân đội, nhất là tổ chức đảng ở cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Nội dung lãnh đạo phải toàn diện, song cần tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; phát huy vai trò CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp. Cùng với đó, phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị về CTĐ, CTCT cho cấp ủy và tổ chức đảng các cấp; xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thực sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị của đơn vị.
Các đơn vị hành quân lên mặt trận Tây Bắc. Ảnh tư liệu |
Thứ ba, nâng cao năng lực tiến hành CTĐ, CTCT cho đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong quân đội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cán bộ là gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Do vậy, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT phụ thuộc vào năng lực của người trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và tiến hành. Trước hết cần quán triệt, thực hiện tốt Quy định số 236/QĐ-CT ngày 21-2-2019 của Tổng cục Chính trị “Về chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của chính ủy, chính trị viên, chủ nhiệm chính trị; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của CQCT các cấp trong QĐND Việt Nam”. Đội ngũ cán bộ chính trị các cấp phải được kiện toàn về số lượng, nâng cao về chất lượng, làm cơ sở để phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Mỗi cán bộ chính trị, nhất là chính ủy, chính trị viên phải luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mình đối với công việc; phải thường xuyên rèn luyện về nhân cách, không ngừng học tập, phấn đấu nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ ở mọi lúc, mọi nơi; nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý, tham mưu, giảng dạy theo chức trách, nhiệm vụ. Đồng thời, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, khoa học kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới. Chủ động đấu tranh, phản bác kịp thời các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch; phòng, chống hiệu quả những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ tư, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành CTĐ, CTCT phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ.
Chất lượng, hiệu quả của hoạt động CTĐ, CTCT phụ thuộc vào tính đúng đắn, khoa học của nội dung, sự phong phú đa dạng, sinh động và hấp dẫn của hình thức, biện pháp tiến hành. Do đó, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành CTĐ, CTCT là yêu cầu khách quan, giúp cho CTĐ, CTCT không rơi vào đường mòn, lối cũ, hình thức chủ nghĩa, đơn điệu, kém chất lượng và kém hiệu quả. Trên cơ sở bám sát đời sống xã hội, tình hình thế giới và khu vực, tình hình tư tưởng và hoạt động của bộ đội, yêu cầu, nhiệm vụ… cấp ủy đảng, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, CQCT các cấp phải kịp thời tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, nhằm phát huy tốt nhân tố tích cực, hạn chế tác động tiêu cực, ngăn chặn và loại bỏ những ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, ý chí quyết tâm và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Việc đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành CTĐ, CTCT cần bảo đảm tính cơ bản, hệ thống và khoa học, vừa cập nhật thông tin mới, vừa trang bị kiến thức toàn diện, trực tiếp góp phần vào xây dựng hệ thống phẩm chất, nhân cách tốt đẹp của quân nhân cách mạng, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội. Đồng thời, tích cực xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả, gắn với xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT.
Thứ năm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, phương tiện trong tiến hành CTĐ, CTCT.
CTĐ, CTCT trong quân đội gồm nhiều mặt công tác, nhiều hoạt động với nhiều tổ chức, nhiều lực lượng cùng tham gia. Do vậy, để nâng cao chất lượng CTĐ, CTCT cần tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, lực lượng để tiến hành giáo dục, động viên bộ đội và xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương; giữa lãnh đạo, chỉ huy, CQCT các cấp trong Quân đội với cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp trong hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT. Sử dụng mọi nguồn lực, phương tiện vào tiến hành CTĐ, CTCT; quan tâm chăm lo bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp, cơ quan tham mưu, hậu cần, kỹ thuật trong đơn vị cùng tham gia tiến hành CTĐ, CTCT; không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng các thiết chế và các phương tiện đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT.
Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 giành thắng lợi đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và BTTL. Đồng thời, khẳng định vai trò to lớn của CTĐ, CTCT trong việc xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch. Trong giai đoạn hiện nay, quán triệt, triển khai và thực hiện đồng bộ các yêu cầu trên là việc làm quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT-nhân tố quyết định xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Ý kiến ()