Công tác dân vận tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng
– Công tác giải phóng mặt bằng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng và chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, đây cũng là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp bởi có tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân. Chính vì vậy, để các công trình, dự án được triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên chính là cần thực hiện tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B – Ảnh (Công Quân)
Xác định tầm quan trọng đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, ngày 19/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 04-HD/TU về công tác dân vận trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội (Hướng dẫn số 04-HD/TU); thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo và ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên. Chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các bước, quy trình công tác dân vận trong các giai đoạn với nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, sáng tạo, hiệu quả.
Trong giai đoạn chuẩn bị quy hoạch, xây dựng các công trình, dự án, các cấp ủy đảng đã chỉ đạo chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh công tác phối hợp tổ chức các hội nghị, cuộc họp lấy ý kiến của các hộ, khu dân cư bị ảnh hưởng bởi công trình, dự án. Trên cơ sở ý kiến góp ý của Nhân dân, các cơ quan, đơn vị chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu và hoàn thành việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại địa bàn; thực hiện đăng ký bổ sung danh mục các dự án phải thu hồi đất, các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ vào mục đích khác đảm bảo thời gian theo quy định. Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được phê duyệt, chính quyền các cấp đã tổ chức công bố công khai theo quy định bằng hình thức tổ chức hội nghị mời các cơ quan, đơn vị liên quan và Nhân dân tham gia, đồng thời niêm yết công khai bản vẽ tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố, đảm bảo đầy đủ thông tin để mọi người dân, tổ chức được biết. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 670 cuộc họp về quy hoạch với trên 23.641 lượt hộ gia đình, cá nhân tham gia.
Lãnh đạo Thành ủy khảo sát thực địa dự án hồ Phai Loạn, thành phố Lạng Sơn – Ảnh (Phương Dung)
Trong giai đoạn thực hiện các công trình, dự án, công tác dân vận luôn được chú trọng thực hiện, bám sát Hướng dẫn số 04-HD/TU. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi các công trình, dự án; nghiên cứu tiếp thu, giải quyết ý kiến thắc mắc, kiến nghị của từng người sử dụng đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi; thực hiện niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư. Việc tổ chức lấy ý kiến đều được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND, Ủy ban MTTQ cấp xã và đại diện cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình UBND cấp huyện phê duyệt theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư các công trình, dự án, các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn và chủ đầu tư tiếp tục theo dõi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng và ý kiến tham gia góp ý, thắc mắc, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân, kịp thời tiếp thu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách, giá đền bù, hỗ trợ, phương pháp tổ chức thực hiện; giải thích rõ những ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Khi có khiếu kiện đông người, phức tạp, có nguy cơ hình thành “điểm nóng” các cơ quan chuyên môn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác đối thoại trực tiếp với Nhân dân, nắm tình hình, kịp thời tuyên truyền, vận động, giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; tổ chức lực lượng kiên trì vận động đến từng người dân với tinh thần thực sự cầu thị tiếp thu ý kiến của Nhân dân; đồng thời chú trọng phát huy vai trò của những người tích cực, có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác tuyên truyền, vận động. Giai đoạn 2017- 2022, các địa phương, đơn vị đã phối hợp tổ chức 2.165 cuộc họp lấy ý kiến, tuyên truyền, phổ biến, vận động 9.792 lượt hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng các dự án tiến hành tự giác tháo dỡ công trình, hạng mục để bàn giao thực hiện các công trình, dự án.
Điển hình tại một số dự án trọng điểm như: Đền thờ Chi Lăng, huyện Chi Lăng (giai đoạn 1); Khu đô thị mới Bến Bắc; Dự án Hồ chứa nước Bản Lải thuộc địa bàn huyện Lộc Bình và huyện Đình Lập; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3 700 đến Km18), tỉnh Lạng Sơn; Khu trung chuyển hàng hóa thuộc khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; Tuyến cao tốc Hữu Lũng – Chi Lăng… nhờ làm tốt công tác dân vận ngay từ khâu đầu tiên nên công tác giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra. Trong 05 năm 2017 – 2022, trên địa bàn tỉnh triển khai 198 công trình, dự án; trong đó, có 51 công trình, dự án thuộc danh mục các dự án trọng điểm của UBND tỉnh (với trên 16.853 tổ chức và hộ gia đình bị thu hồi đất, diện tích bị thu hồi 3.308,4 ha) và 147 dự án trọng điểm của các huyện, thành phố (với trên 9.756 tổ chức và hộ gia đình bị thu hồi đất, diện tích bị thu hồi 989,06 ha). Đến nay, đã có 118/198 (đạt tỷ lệ 59,6%) công trình, dự án được bàn giao đúng tiến độ (trong đó có 20/51 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và 98/147 công trình, dự án trọng điểm của các huyện thành phố), qua đó góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội, từng bước làm thay đổi diện mạo của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, hạn chế như: công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân có lúc, có nơi còn hình thức, tỷ lệ chấp hành nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng công trình, dự án chưa cao (còn 40,4% công trình, dự án chưa bàn giao). Công tác phối hợp giữa các cơ quan chính quyền với Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân. Tại một số địa bàn, quá trình triển khai thực hiện còn có những khuyết điểm, vi phạm gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án, đến an ninh trật tự, cuộc sống, tâm tư nguyện vọng và lòng tin của Nhân dân.
Để khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém, phát huy hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh cần tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng các công trình, dự án. Chỉ đạo duy trì thực hiện nghiêm túc các bước, quy trình công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chủ động tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân trước khi triển khai các công trình, dự án nhằm tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến dự án.
Hai là, các cấp chính quyền chủ trì phối hợp chặt chẽ, đồng bộ phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt trong công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin về công trình, dự án. Trước khi triển khai thực hiện, Ban Dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội cần được nắm thông tin ngay từ đầu về dự án, để thống nhất nội dung, phương thức và có giải pháp tuyên truyền, vận động hợp lòng dân, đảm bảo đời sống, quyền lợi chính đáng của Nhân dân, qua đó góp phần ổn định tình hình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án.
Ba là, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong trình tự, thủ tục thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên cơ sở tính đúng, tính đủ theo quy định pháp luật. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai; rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai để quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Việc lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng quỹ đất tái định cư phải bảo đảm đủ nhu cầu đất ở khi giải phóng mặt bằng.
Bốn là, tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe kiến nghị của người dân để kịp thời đề xuất hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tập trung giải quyết một số thiếu sót, bất cập trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số công trình, dự án còn xảy ra khiếu kiện, khiếu nại. Tăng cường kỹ năng tuyên truyền của các thành viên trong Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa đúng nguyên tắc của pháp luật. Phân công cán bộ, công chức tích cực đi cơ sở, bám sát thực tiễn, gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân; xây dựng và thực hành phong cách công tác “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Năm là, thường xuyên kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kịp thời đối thoại để giải quyết các thắc mắc, kiến nghị của công dân. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình chống đối, chây ỳ, chậm bàn giao mặt bằng khi đã được xem xét giải quyết thấu đáo. Quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là các cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ việc tuyển dụng, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, kịp thời điều chuyển, chấm dứt hợp đồng lao động đối với các cán bộ yếu về năng lực, kém về phẩm chất.
Giáp Thị Bắc – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()