Công tác dân vận góp phần thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng, Ban Dân vận T.Ư đã hướng dẫn tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp. Thông qua việc tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo ban dân vận các địa phương đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục, sửa chữa.
Những vấn đề bức xúc trong nhân dân, nhất là các vụ việc nổi cộm kéo dài đã được quan tâm lãnh đạo thực hiện, như: giải quyết đơn thư của công dân, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng thủ tục rườm rà, bất hợp lý; giảm giấy tờ, hội họp; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; rà soát giải quyết dứt điểm tình trạng dự án “treo”; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các công trình trọng điểm; xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm…
Sau kiểm điểm, ban dân vận các cấp đã xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ công tác dân vận theo tinh thần của bốn nhóm giải pháp mà Nghị quyết của T.Ư đề ra. Lãnh đạo Ban Dân vận T.Ư tập trung chỉ đạo, điều hành các đơn vị tích cực, chủ động hơn trong tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp nhằm phát huy vai trò giám sát, phản biện của nhân dân đối với các vấn đề của công tác vận động quần chúng; tham mưu đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Nổi bật là việc xây dựng các đề án “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội”; “Xây dựng cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền”; tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư trình Hội nghị T.Ư 7 về nghị quyết “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” bảo đảm yêu cầu, kế hoạch. Chất lượng công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các bộ, ban, ngành liên quan và cấp ủy các địa phương trong việc nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình nhân dân, diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân được nâng cao. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng, nhất là các nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; phong trào thi đua “dân vận khéo” trong toàn bộ hệ thống chính trị được chú trọng. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm gắn với đẩy mạnh thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong cơ quan… Lãnh đạo Ban Dân vận T.Ư đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ; nhất là các khâu về nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tiếp nhận và bố trí cán bộ; chủ động tìm nguồn cán bộ bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy định; ưu tiên tiếp nhận cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, có khả năng nghiên cứu khoa học, có thực tiễn công tác nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, có chất lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự kế thừa, phát triển giữa ba thế hệ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của ban đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, cũng như lâu dài. Triển khai rà soát các vị trí việc làm của cán bộ, công chức làm cơ sở chuẩn bị sắp xếp, phân công lại vị trí công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ theo hướng nhiệm vụ đảm nhận phù hợp trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sở trường, nhằm phát huy cao nhất sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định trong cơ quan: Quy chế về tổ chức bộ máy, làm việc của ban, quy định về tổ chức bộ máy và làm việc của các vụ, đơn vị, quy chế thực hiện dân chủ trong cơ quan… Xác định phạm vi, trách nhiệm của người đứng đầu, của các đồng chí lãnh đạo ban, của cấp ủy, lãnh đạo các đoàn thể trong hoạt động chung của cơ quan và trong từng lĩnh vực cụ thể; tăng cường công tác quản lý cán bộ trong và ngoài cơ quan; xây dựng cơ chế để cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng cơ quan theo định kỳ; có hình thức khuyến khích cán bộ học tập, nâng cao trình độ.
Nhìn lại một năm triển khai công tác dân vận của Ðảng góp phần thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, việc tổ chức quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được ban dân vận các cấp, phối hợp chặt chẽ với ủy ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể cùng cấp tham mưu với cấp ủy triển khai học tập, quán triệt nghiêm túc, góp phần thuận lợi cho triển khai thực hiện nghị quyết ở các bước tiếp theo. Hai là, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết được nghiên cứu kỹ lưỡng, bám sát vào các văn bản chỉ đạo, đúng với quy định và hướng dẫn của Trung ương. Ba là, phát huy sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của hệ thống dân vận các cấp; sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chặt chẽ, khoa học; sau kiểm điểm xây dựng giải pháp và có lộ trình thực hiện… Bốn là, khắc phục tư tưởng nóng vội, cho rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ mang lại kết quả ngay như mong đợi; hoặc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết thiếu tính toàn diện, nặng về kết quả xử lý kỷ luật cán bộ mà không quan tâm việc phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh; cũng như không thấy được các kết quả quan trọng khác như xây dựng tổ chức Ðảng, cơ quan trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, các thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị…
Ý kiến ()