Công tác dân vận chính quyền góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh
(LSO) – Công tác dân vận của chính quyền là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quán triệt quan điểm của Đảng, của Bác Hồ về công tác dân vận:“Dân là người thực hiện chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của Chính phủ, đoàn thể nên nhân dân phải được hiểu biết, bàn bạc, giám sát, do đó không chỉ có mặt trận, đoàn thể mà chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương cũng phải làm công tác dân vận”; trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận càng gắn bó chặt chẽ với công tác quản lý nhà nước. Để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, chính quyền các cấp, hơn bao giờ hết, phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng về công tác dân vận thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm 2020, công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp về công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 80-KH/BDVTU-BCSĐ, ngày 17/02/2020 về thực hiện công tác dân vận chính quyền và phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2020 với 7 nội dung cụ thể.
Công chức Bộ phận “Một cửa” xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc kiểm tra bảng niêm yết thủ tục hành chính của xã. Ảnh: HOÀNG HIẾU
Ngay từ đầu năm, các cơ quan, đơn vị đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác dân vận và quy chế dân chủ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bảo đảm thực hiện đúng quy định. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã thể hiện được trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ gắn với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Ban Dân vận cùng cấp, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, gắn với thực hiện phương châm hành động:“Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp”; thông qua các chương trình dự án kinh tế – xã hội liên quan đến đời sống nhân dân như: công tác giảm nghèo; chăm sóc gia đình có công; gia đình có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo, chú trọng đến lợi ích thiết thực, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của Nhân dân, phân công thành viên theo dõi, chỉ đạo“Công tác dân vận chính quyền”. Bộ máy hành chính nhà nước các cấp được kiện toàn, chất lượng và hiệu quả hoạt động nâng lên; từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần phục vụ nhân dân.
Trong năm 2020, các cấp chính quyền đã cùng người dân, doanh nghiệp nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa khắc phục thiên tai, phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội; tập trung thực hiện chủ đề của năm “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh cơ bản đã có những thay đổi tích cực, kết quả một số lĩnh vực tăng so với cùng kỳ năm 2019; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và bức xúc của Nhân dân từng bước được quan tâm tháo gỡ. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được chỉ đạo thực hiện, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được đẩy mạnh; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với người có công; các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt, công trình cung cấp điện lưới, đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc… Công tác phòng chống Covid -19; hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.
Cơ quan nhà nước các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp Nhân dân đến giao dịch, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tích cực thực hiện các giải pháp khắc phục và nâng cao các chỉ số: Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), cải cách hành chính (PAR INDEX), sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT, Index); năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh. Đã và đang thực hiện việc triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019-2025; chuyển đổi hệ thống Văn phòng Điện tử eOffice sang hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT – iOffce tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, phát huy tốt hệ thống họp trực tuyến 3 cấp, phát triển và duy trì tốt hệ thống dịch vụ trực tuyến. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hoạt động ổn định, tiếp tục được Nhân dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; ứng dụng dịch vụ công trực tuyến… đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tiếp tục thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các Nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Các tầng lớp nhân dân đã phát huy dân chủ, đồng thuận, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng quy ước, hương ước, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, khối phố, thành viên, Ban Thanh tra nhân dân.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được chính quyền các cấp chủ động tổ chức thực hiện, với nhiều giải pháp, mô hình “Dân vận khéo” để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 4.198 mô hình Dân vận khéo trên các lĩnh vực, trong đó: 1.781 mô hình tập thể, 2.417 mô hình cá nhân. 1.497 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế, 1.222 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội, 618 mô hình về lĩnh vực quốc phòng – an ninh và 861 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị.
Một trong những nét nổi bật của công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh đó là việc duy trì và thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp theo Quyết định số 320-QĐ/TU ngày 13/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong năm 2020, 100% cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo quy định. UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại giải quyết 08/11 vụ việc (05 vụ việc Chủ tịch UBND đã ban hành Thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết; 02 vụ việc đã được xem xét vận dụng chính sách để hỗ trợ cho công dân, công dân đã chấm dứt yêu cầu giải quyết; 1 vụ việc đang được xem xét vận dụng chính sách để giải quyết). Các ý kiến kiến nghị, phản ánh chính đáng của nhân dân tại các buổi đối thoại đều được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời. Qua tổ chức đối thoại với nhân dân, trao đổi, trả lời thỏa đáng các kiến nghị của công dân trên cơ sở các quy định của pháp luật, qua đó, giảm dần số đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện công tác dân vận chính quyền và QCDC ở một số nơi, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên; nhận thức, trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân có nơi còn hạn chế. Một số cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thể hiện hết trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở, có mặt chưa coi trọng quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân. Sự phối hợp thực hiện công tác dân vận trong một số nội dung công việc, nhất là giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm đúng mức. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” triển khai ở một số đơn vị thiếu cụ thể, chưa có nhiều mô hình mang tính đột phá trên các lĩnh vực của đời sống xã hội…
Năm 2021, diễn ra trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục xác định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; là năm đầu tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025; tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Lạng Sơn đang có những thời cơ thuận lợi nhưng cũng đứng trước thách thức không nhỏ, điều này đặt ra yêu cầu cao đối với công tác dân vận trong tình hình mới, nhất là công tác dân vận chính quyền. Bám sát chủ đề công tác năm 2021 do Ban Dân vận Trung ương đề ra là “Đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở”, trong thời gian tới, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:
Trước hết là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, công tác vận động nhân dân trong tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tạo sự chuyển biến tốt hơn về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, người đứng đầu, đảng viên, cán bộ, công chức trong mối quan hệ với nhân dân.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội đã ban hành; thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách đối với người thu nhập thấp, người nghèo…
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng theo Hướng dẫn số 04-HD/TU ngày 19/5/2017 của Tỉnh ủy và Hướng dẫn số 02/HD-UBND, ngày 15/5/2017 của UBND tỉnh về thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố thực hiện đúng quy định. Tiếp tục đôn đốc thực hiện Đề án “Chính quyền thân thiện”, tiến hành sơ kết thực hiện mô hình điểm “Chính quyền thân thiện” từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện để nhân rộng ra phạm vi toàn tỉnh.
Thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính nhà nước, nâng cao chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI), nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), nâng cao sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh (SIPAS). Xây dựng và thực hiện tốt văn hoá công sở, quy định nêu gương và đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên phụ trách công tác dân vận. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ, kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất kém, vi phạm pháp luật.
Tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những bức xúc xã hội nổi cộm, nhất là các vụ việc phức tạp kéo dài, tiềm ẩn vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thông qua tiếp dân, đối thoại, giải quyết thực chất, có lộ trình giảm dần, tiến tới giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, không để phát sinh mới, giải quyết ngay từ lúc vụ việc phát sinh tại cơ sở.
Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội, đồng thời mở rộng dân chủ trực tiếp trong giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
Đẩy mạnh thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các cơ quan hành chính nhà nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu để vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ cống hiến cho cộng đồng xã hội, và cho quê hương, đất nước; biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong hoạt động công vụ, cải cách hành chính, trong quan hệ với nhân dân nhằm cổ vũ tinh thần phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong thời kỳ mới.
Ý kiến ()