Công tác dân vận cần sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ của cả hệ thống chính trị
LSO-Ngay từ khi mới ra đời năm 1930, Ðảng ta đã đề cao nhiệm vụ vận động quần chúng.
LSO-Ngay từ khi mới ra đời năm 1930, Ðảng ta đã đề cao nhiệm vụ vận động quần chúng. Từ đó, qua mỗi thời kỳ cách mạng, lúc thuận lợi hay khi khó khăn, trong kháng chiến cứu nước cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác dân vận luôn luôn được Ðảng ta coi trọng nhằm tập hợp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng đất nước, đạt những thành tựu rất to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Công viên bờ sông Kỳ Cùng thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, giao lưu văn hóa nhân ngày Quốc khánh 2/9/2013 – Ảnh: THẾ BẢO |
Cách đây 64 năm, ngày 15-10-1949, Bác Hồ viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận của Ðảng. Cô đọng trong 573 từ, bài báo hàm chứa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản chất dân chủ của Nhà nước ta và về lĩnh vực công tác cực kỳ quan trọng của cách mạng – “Công tác dân vận”. Các vấn đề: Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải như thế nào?…, đều được Người chỉ rõ, và nhấn mạnh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tinh thần bài báo “Dân vận” trở thành kim chỉ nam cho công tác vận động quần chúng của Ðảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể trong những năm qua, để lại bài học vô cùng quý báu cho cách mạng nước ta. Vì thế, ngày 15-10 hằng năm đã được Bộ Chính trị quyết định là Ngày truyền thống công tác dân vận của Ðảng. Trong 83 năm qua (15/10/1930 – 15/10/2013), công tác dân vận của Đảng đã đạt được những thành tích to lớn, tạo ra sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Những thành tích đó đã góp phần giúp Đảng ta tập hợp được sức mạnh nhân dân để vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Để làm tròn vai trò và sứ mệnh lịch sử, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thắng lợi, đưa đất nước vững bước đi lên, Đảng cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân cũng như khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã ban hành Nghị quyết “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đây là một nghị quyết có giá trị lịch sử, mang ý nghĩa sâu sắc và toàn diện về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện trong thời kỳ mới.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, các thế hệ cán bộ làm công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã không ngừng kiên trì, bền bỉ hoạt động, góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phòng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình hội nhập, tỉnh Lạng Sơn đang đứng trước những cơ hội lớn trong quá trình phát triển, bên cạnh đó, cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ðể tận dụng được thời cơ và vượt qua mọi trở ngại trên con đường đi tới, cần phát huy năng lực và trí tuệ của toàn dân thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch Ðảng, Nhà nước đề ra. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đưa nghị quyết vào cuộc sống là các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải quán triệt đầy đủ tinh thần lời dạy của Bác Hồ về dân vận, thường xuyên làm tốt công tác vận động quần chúng gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để thực hiện nhiệm vụ đó, khâu đột phá là việc xây dựng và ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra về công tác dân vận, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành quyết định 1536-QĐ/TU, ngày 23/8/2010 quyết định về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đến nay 11/11 huyện, thành phố đã xây dựng được quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tại địa phương, đơn vị; 62/62 sở, ban ngành, có phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận. Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị thực sự đã làm thay đổi nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác dân vận; việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đối với công tác vận động quần chúng được tăng cường. Qua đó, các cấp, ngành chức năng kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phối hợp và tham gia với các cơ quan chức năng giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân; kịp thời kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, các cơ quan nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách mới, được đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng.
Tuy nhiên, công tác dân vận của hệ thống chính trị thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đó là: trong quá trình triển khai thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, ban hành và cụ thể hoá Quy chế thành việc làm cụ thể ở từng cấp, ngành mình; việc triển khai thực hiện Quy chế ở một số cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị sự nghiệp còn mang tính hình thức, chế độ giao ban định kỳ chưa thường xuyên; một số cán bộ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách công tác dân vận chưa quan tâm đến công tác bồi dưỡng, tập huấn. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định còn chung chung, chưa cụ thể tại một số cơ quan, đơn vị. Một số nơi, hoạt động còn nặng về hành chính nên chưa kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân và đề xuất kịp thời với cấp ủy, chính quyền các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Lãnh đạo tỉnh đoàn Lạng Sơn trao quà hỗ trợ cho thí sinh nghèo đi thi đại học – Ảnh: HOÀNG VƯƠNG |
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, trước hết, cần tăng cường công tác công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Định kỳ hằng năm, tổ chức đảng các cấp xây dựng chương trình công tác dân vận để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị ở đơn vị, địa bàn phối hợp thực hiện; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận; tăng cường trách nhiệm về công tác dân vận của chính quyền.
Đồng thời Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội làm tốt công tác tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận về chính trị và tư tưởng trong xã hội; thực hiện tốt vai trò dân chủ đại diện và phản biện xã hội, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tham gia giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
LƯƠNG ĐÌNH HOÀN
Ý kiến ()