Công tác dân số/KHHGĐ vùng cao, vùng khó khăn: Khi nhận thức của phụ nữ được nâng cao
LSO-Trên nửa thế kỷ thực hiện công tác dân số/KHHGĐ và qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Lạng Sơn áp dụng các biện pháp tránh thai mỗi năm một tăng và đạt 75,8% vào năm 2012.
LSO-Trên nửa thế kỷ thực hiện công tác dân số/KHHGĐ và qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Lạng Sơn áp dụng các biện pháp tránh thai mỗi năm một tăng và đạt 75,8% vào năm 2012. Có được kết quả ấy chính là sự tác động tích cực để nâng cao nhận thức của phụ nữ về công tác này.
Phụ nữ người Dao xã Hữu Liên (Hữu Lũng) trao đổi về các biện pháp tránh thai |
Đã ở tuổi ngoài 30, có con nhỏ lên 4 tuổi nhưng Lành Thị Diên, thôn Bản Thín, xã Tú Mịch (Lộc Bình) vẫn chưa muốn sinh con thứ 2. Chị nói rằng, hiện mình đang là lao động chính trong gia đình với mấy sào ruộng, khoảng đồi thông, lại muốn tranh thủ ra bãi bốc hàng kiếm thêm chút tiền tiêu vặt, nên chuyện sinh đẻ cứ để thư thư, cho đứa con đầu thêm cứng cáp. Nếu đẻ dày theo kiểu “trứng gà trứng vịt”, vừa không đi làm công được, các cháu cũng thiếu sự chăm sóc chu đáo. Chị Vi Thị Huệ, thôn bản Giểng ở tuổi 23 đã có 2 đứa con gái, lớn 3 tuổi, nhỏ 1 tuổi, nay chị đã thực hiện biện pháp tránh thai và đang có ý định thôi đẻ. Trong gia đình cũng không ít tiếng vào ra nhưng với vốn kiến thức của lớp trẻ, lại ăn nói nhỏ nhẹ, phân tích có lý có tình, bố mẹ bên chồng chị cũng đã thấy nguôi nguôi.
Trao đổi với chị Hứa Minh Tuyết, cán bộ chuyên trách dân số xã Tú Mịch, chúng tôi được biết, toàn xã có 1022 phụ nữ tuổi từ 15-49, trong đó có 658 người có chồng. Tỷ lệ phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) ở địa phương đạt 80,5%- một tỷ lệ khá cao so với các địa phương của huyện Lộc Bình. Nguyên nhân chính một phần do thực tế là phụ nữ địa phương này vừa tham gia công việc sản xuất nặng nhọc ở địa phương như thu nhựa thông, làm mía, lại tham gia bốc vác tại các bãi hàng khu biên giới… Mặt khác, có một tỷ lệ cao phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được học đến hết cấp THCS, có nhận thức tốt về công tác KHHGĐ, mô hình gia đình nhỏ, kinh tế ổn định, hạnh phúc. Có trình độ, được tuyên truyền và dịch vụ KHHGĐ thuận tiện, lại phải “đối mặt” với thực tế công việc và gia đình nên họ dễ dàng chấp nhận các BPTT.
Theo kết quả điều tra biến động dân số và KHHGĐ vào 1/4 hàng năm của Lạng Sơn cho thấy, có tỷ lệ nghịch giữa trình độ học vấn và tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên. Gia đình (vợ chồng) có trình độ học vấn càng cao thì tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên càng giảm. Nếu tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở phụ nữ chưa tốt nghiệp tiểu học là 26,64%, thì chỉ còn 14,14% ở số phụ nữ đã tốt nghiệp tiểu học, 2,39% đối với phụ nữ tốt nghiệp THCS và chỉ còn 2,5% đối với phụ nữ có trình độ THPT trở lên. Tuy vậy, không phải bao giờ người có trình độ học vấn cao cũng dễ dàng chấp nhận dịch vụ KHHGĐ, bằng chứng là ở một số địa phương có những gia đình đảng viên sinh con thứ 3 trở lên; thậm chí có gia đình, vợ là giáo viên, chồng là quân nhân vẫn sinh con thứ 3. Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Dân số/KHHGĐ huyện Hữu Lũng cho rằng, những trường hợp ấy họ không thể vượt nổi “rào cản” gia đình, định kiến của họ hàng, hoặc họ lo cho tương lai của chính mình một cách rất sai lệch. Bên cạnh đó, nhiều vùng dân tộc Dao, Mông, trình độ dân trí chưa cao, còn nhiều tập tục lạc hậu, song tỷ lệ phụ nữ áp dụng các BPTT thông thường, thậm chí đình sản vẫn rất cao như Tân Tri (huyện Bắc Sơn), Cao Minh (Tràng Định).
Mặc dù tuyên truyền đi trước một bước và dịch vụ là điều kiện đảm bảo; song trên thực tế công tác tuyên truyền phải gắn với dịch vụ, khi ấy chị em phụ nữ đã “thấm” và dễ thực hiện hơn. Trường hợp ở xã Xuân Dương (Lộc Bình), tuyên truyền tốt, song do thiếu đội ngũ cán bộ có khả năng làm công tác dịch vụ như đặt dụng cụ tử cung, tiêm tránh thai… nên mặc dù khả năng tiếp nhận tuyên truyền của chị em khá tốt, chị em biết tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe sinh sản cho mình song tỷ lệ áp dụng các BPTT lại chỉ ở mức 56,3%.
Trong nhiều năm qua, các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đều tập trung vào vùng cao, vùng xa, vùng ĐBKK và vùng có mức sinh cao. Nơi ấy, do điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng và sự phát triển kinh tế – xã hội nên trình độ dân trí nói chung và trình độ học vấn của người dân và phụ nữ nói riêng còn thấp, thường có nhiều gia đình sinh con thứ 3 trở lên cao. Tuy nhiên, theo ông Mè Quý Minh, cán bộ truyền thông Trung tâm Dân số/KHHGĐ huyện Hữu Lũng thì cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa nói chung và phong tục tập quán nói riêng của từng vùng, từng dân tộc để có phương pháp tuyên truyền cho phù hợp.
MINH HỒNG
Ý kiến ()