Công tác dân số/KHHGĐ ở Chi Lăng: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả các dịch vụ
LSO - Năm 2012, công tác dân số/KHHGĐ ở Chi Lăng gặp nhiều khó khăn do việc phân bổ ngân sách và chỉ tiêu kế hoạch chậm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Khắc phục những khó khăn khách quan, công tác dân số/KHHGĐ ở Chi Lăng vẫn giành được những kết quả nổi bật.Xác định tầm quan trọng của công tác truyền thông thay đổi hành vi trong chương trình dân số, ngay từ đầu năm, Trung tâm Dân số-KHHGĐ chỉ đạo đội ngũ cán bộ phối hợp tốt với các ngành tăng cường truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, từ tư vấn, đối thoại trực tiếp đến các pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ bướm... Truyền thông thường xuyên và truyền thông lồng ghép tại các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ. Đối tượng truyền thông đa dạng hơn, từ các cấp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các ban ngành đoàn thể, đến các đối tượng “đích” như tuổi vị thành niên- thanh niên các trường học, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Trong năm 2012, tại cấp huyện...
LSO – Năm 2012, công tác dân số/KHHGĐ ở Chi Lăng gặp nhiều khó khăn do việc phân bổ ngân sách và chỉ tiêu kế hoạch chậm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Khắc phục những khó khăn khách quan, công tác dân số/KHHGĐ ở Chi Lăng vẫn giành được những kết quả nổi bật.
Xác định tầm quan trọng của công tác truyền thông thay đổi hành vi trong chương trình dân số, ngay từ đầu năm, Trung tâm Dân số-KHHGĐ chỉ đạo đội ngũ cán bộ phối hợp tốt với các ngành tăng cường truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, từ tư vấn, đối thoại trực tiếp đến các pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ bướm… Truyền thông thường xuyên và truyền thông lồng ghép tại các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ. Đối tượng truyền thông đa dạng hơn, từ các cấp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các ban ngành đoàn thể, đến các đối tượng “đích” như tuổi vị thành niên- thanh niên các trường học, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Trong năm 2012, tại cấp huyện đã có 6.000 lượt người được tuyên truyền trực tiếp về các chuyên đề dân số, cung cấp 1.500 tờ rơi. Tại tuyến xã, các cộng tác viên (CTV) đã đến thăm hộ được 1.200 lượt, tổ chức tuyên truyền lưu động 300 lượt, phát trên 2.000 tờ rơi, 660 sổ sách, tạp chí chuyên ngành, 11 đĩa CD, VCD…Qua tuyên truyền, nhận thức của các cấp lãnh đạo, các ngành đoàn thể và người dân về công tác dân số/KHHGĐ đã từng bước được nâng cao, vì vậy, các chương trình chăm sóc SKSS/KHHGĐ, cung ứng dịch vụ đã được người dân chấp nhận một cách rộng rãi.
Tuy kế hoạch được giao muộn, song để đảm bảo cung ứng đầy đủ và kịp thời các phương tiện tránh thai (PTTT) cho người dân, Trung tâm Dân số huyện đã có dự trù, cung ứng một cách liên tục, đầy đủ các PTTT lâm sàng và phi lâm sàng cho các đối tượng. Với 6 xã thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ và 3 xã thực hiện mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Trung tâm đã tăng cường chỉ đạo và phối hợp tổ chức một cách phù hợp với đặc điểm đối tượng và từng địa phương. Kết quả gói dịch vụ KHHGĐ, tổng các biện pháp đạt 75,8% kế hoạch, trong đó biện pháp đặt dụng cụ tử cung (DCTC) đạt 94% kế hoạch. Chị Nông Thị Khánh Liêm, cán bộ chuyên trách dân số xã Vân An cho biết, trong chiến dịch, trên địa bàn xã đã có 56 chị chấp nhận biện pháp đặt DCTC, vượt 47,4% kế hoạch đề ra, trong khi đó các biện pháp khác như triệt sản, tiêm thuốc tránh thai, thuốc cấy tránh thai đều không đạt kế hoạch. Nguyên nhân là phụ nữ nông thôn vùng xa thích sử dụng các biện pháp đơn giản, hiệu quả. Trong chiến dịch tại 6 xã đã có 654 chị được khám phụ khoa và đã có 288 người được điều trị. Qua việc thực hiện gói chống viêm nhiễm đường sinh sản có thể thấy tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh sản của phụ nữ khu vực miền núi, vùng khó khăn của huyện Chi Lăng khá cao. Chị Nông Thị Lá, cán bộ chuyên trách dân số xã Hữu Kiên phản ánh, tỷ lệ phụ nữ viêm nhiễm đường sinh sản chiếm 60% trong tổng số được khám, nhiều hộ gia đình từ mẹ, đến các con gái đều mắc như thôn Suối Mạ A, Nà Lìa… Thực trạng này cần được các ngành chuyên môn nghiên cứu và có biện pháp giúp đỡ chị em.
Do thực hiện đồng bộ giữa công tác tuyên truyền và dịch vụ nên năm 2012 đã có 3.856 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các BPTT mới, nâng số cặp vợ chồng đang áp dụng các BPTT tăng 4% so với cùng kỳ năm 2011. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở mức 5,8%, giảm 0,8% so với năm 2011; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của huyện là 11,6%o. Tuy vậy, tỷ số giới tính khi sinh vẫn rất cao so với chuẩn tự nhiên (126 nam/100 nữ). Trao đổi với chúng tôi, bà Lục Tuyết Trinh, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Chi Lăng cho rằng, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và sự chênh lệch giới tính khi sinh cao có mối quan hệ mật thiết với nhau và đều nằm trong số xã vùng cao, vùng xa, vùng ĐBKK. Vì vậy, việc tổ chức các chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các vùng này cần phải được duy trì thường xuyên, có như vậy địa phương mới duy trì được mức sinh thay thế và giảm thiểu sự chênh lệch giới tính khi sinh, tiến tới cân bằng dân số.
Bài ảnh: Minh Hồng
Ý kiến ()