Công tác dân số/KHHGĐ Lạng Sơn trước ngưỡng cửa của thập kỷ mới
(LSO) – Năm 2019 – năm cuối cùng thực hiện chiến lược dân số giai đoạn 2010 – 2020, công tác dân số/KHHGĐ ở Lạng Sơn tiếp tục được đẩy mạnh, tạo đà cho việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong thập kỷ tới.
Tăng cường công tác hậu cần phương tiện tránh thai
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, có nhiều xã vùng cao, vùng 3, và vùng đặc biệt khó khăn, những năm trước đây, công tác đảm bảo hậu cần tránh thai luôn được đảm bảo theo hướng toàn dân dùng phương tiện tránh thai (PTTT) miễn phí. Những năm gần đây, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiếp thị, công tác hậu cần PTTT ở tỉnh đã tồn tại 2 hình thức: cung cấp PTTT miễn phí cho các đối tượng vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao; tiếp thị và xuất bán PTTT và hàng hóa sức khỏe sinh sản (SKSS) theo cơ chế xã hội hóa. Năm 2019, toàn tỉnh đã xuất, cung cấp tới tay người tiêu dùng 7.200 liều thuốc tiêm tránh thai, 51.200 vỉ viên uống tránh thai, 1.400 vòng tránh thai. Kênh dịch vụ xã hội hóa đã xuất bán 18.928 vỉ viên uống tránh thai, trên 61.500 bao cao su, trên 8.700 lọ dung dịch vệ sinh các loại, các loại kem bôi trơn, que thử…trị giá trên 800 triệu đồng.
Chị em phụ nữ xã Tú Mịch (Lộc Bình) đăng ký tham gia dịch vụ KHHGĐ
Với phương châm cấp huyện thực hiện được tất cả các dịch vụ KHHGĐ, cấp xã hiện được những dịch vụ cơ bản, việc đầu tư cho công tác dân số được quan tâm hơn, chất lượng dịch vụ KHHGĐ của cấp xã và cấp huyện được nâng cao.
Nhờ việc tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hóa việc cung cấp phương tiện tránh thai, nâng cao chất lượng dịch vụ, người dân tiếp tục hưởng ứng và thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT). Tổng các BPTT năm 2019 đạt 53.401, bằng 113,4% kế hoạch; trong đó, BPTT lâm sàng đạt 6.937 ca, đạt 100% kế hoạch. Trong năm 2019, toàn tỉnh có 11.858 trẻ sinh ra sống, trong đó có 6.363 trẻ nam và 5.495 trẻ gái, tỷ số giới tính khi sinh là 115,8/100. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 9,9%.
Về kết quả năm 2019, ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh nói rằng, đó là sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể để công tác dân số/KHHGĐ được nâng cao cả về lượng và chất.
Nâng cao hiệu quả của các đề án, mô hình
Năm 2019, các đề, án mô hình tiếp tục được triển khai và mang lại hiệu quả tốt trong việc nâng cao chất lượng dân số của địa phương. Đề án sàng lọc trước sinh thực hiện được 7.500 ca, trong đó có 333 ca miễn phí. Sàng lọc sơ sinh được 5.600 mẫu, trong đó có 600 mẫu miễn phí. Qua sàng lọc, phát hiện 355 mẫu nghi có nguy cơ cao với bệnh thiếu men G6PD.
Lạng Sơn là một tỉnh có sự chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao của cả nước nên Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được thực hiện quyết liệt. Song song với việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền trên diện rộng, Chi cục Dân số tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nói chuyện chuyên đề về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại 30 xã của 6 huyện; thu hút trên 2.000 người là lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể của địa phương. Các huyện, thành phố đã tổ chức được 92 hội nghị nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh với trên 4.200 người tham dự. Tác động tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tới nhận thức của người dân trong ngăn chặn lựa chọn giởi tính thai nhi nên mức chênh lệch giới tính khi sinh năm 2019 đã giảm nhẹ.
Cùng với việc tăng cường hoạt động của các mô hình như Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân duy trì ở 13 xác định và 14 xã mở rộng, ngành dân số đã phối hợp tốt với các cơ quan, đoàn thể, trường học trong tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho đối tượng vị thành niên/ thanh niên mang lại hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng có tác động tích cực đến công tác dân số.
Với bình quân chung một phụ nữ 2,1 con – đạt mức sinh thay thế, Lạng Sơn đang cố gắng đưa khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” vào thực tiễn cuộc sống. Trong nhiều năm qua, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn khá cao (từ 9 – 10%); xét về mặt gia tăng dân số cơ học, chính tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên này đã và đang “bù đắp” sự thiếu hụt về bình quân số con để tỉnh giữ vững mức sinh thay thế. Rất cần một sự rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh những quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số cho phù hợp với tình hình mới.
Bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ thứ 21 với tổng số 781.655 người, Lạng Sơn là tỉnh có quy mô dân số ở mức trung bình trong cả nước, tỷ lệ người trên 65 tuổi ở mức khá cao nên ngoài nhiệm vụ đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số/KHHGĐ, dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi… để công tác dân số có thể hòa cùng đà tiến của sự phát triển mạnh về kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội như Quyết định số 1679/QĐ-TTg, ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra.
MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()